Nhiều ẩn họa trên các tuyến sông

Ngày 29/02/2008

Đoạn Quản lý đường sông số 7 được Cục Đường sông Việt Nam giao nhiệm vụ quản lý bảo đảm an toàn giao thông trên 200km chiều dài của 8 tuyến sông chảy qua 5 huyện, 33 xã ven sông của tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, trong đó có 2 tuyến sông Kinh Môn và Lai Vu được xác định là những tuyến sông trọng điểm, có tầm chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đồng thời chịu ảnh hưởng lũ của hệ thống sông Thái Bình và thủy triều của Vịnh Bắc Bộ theo chế độ Nhật triều; biên độ dao động lớn, luồng lạch hẹp, cong, nhiều đoạn quanh co, khúc khuỷu nên công tác bảo đảm ATGT đã trở nên ngày càng khó khăn hơn.

Đoạn Quản lý đường sông số 7 được Cục Đường sông Việt Nam giao nhiệm vụ quản lý bảo đảm an toàn giao thông trên 200km chiều dài của 8 tuyến sông chảy qua 5 huyện, 33 xã ven sông của tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, trong đó có 2 tuyến sông Kinh Môn và Lai Vu được xác định là những tuyến sông trọng điểm, có tầm chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đồng thời chịu ảnh hưởng lũ của hệ thống sông Thái Bình và thủy triều của Vịnh Bắc Bộ theo chế độ Nhật triều; biên độ dao động lớn, luồng lạch hẹp, cong, nhiều đoạn quanh co, khúc khuỷu nên công tác bảo đảm ATGT đã trở nên ngày càng khó khăn hơn.

Với thực trạng là địa bàn quản lý tương đối rộng, mật độ phương tiện thủy nội địa qua lại tương đối nhiều, tuyến luồng phức tạp như đã nêu trên, cùng hệ thống các công trình, cảng, bến thủy nội địa đa dạng trải dài trên tuyến đã tạo khó khăn trong công tác quản lý và đảm bảo giao thông của đơn vị. Mặt khác nhận thức của các đối tượng tham gia giao thông còn hạn chế và chưa đồng đều. Phần lớn các phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, hoặc bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp. Hiện tượng vi phạm luồng chạy tàu, đặc biệt là tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra tràn lan, tình trạng phá hoại công trình giao thông đường sông và tệ nạn trộm cắp, phá hoại báo hiệu đường thủy nội địa vẫn xảy ra.

Trước những khó khăn trên, để phục vụ cho công tác bảo đảm ATGT đường sông trên sông Kinh Môn và Lai Vu, Đoạn Quản lý đường sông số 7 đã bố trí 3 chặng quản lý đường sông được trang bị các tàu công tác với công suất lớn, cùng trang thiết bị thông tin liên lạc hiện đại, thường xuyên kiểm tra, đo dò luồng lạch, bố trí hệ thống báo hiệu đúng theo phương án được duyệt, đảm bảo màu sắc, chất lượng, ánh sáng phục vụ tàu chạy ban đêm. Các Trạm QLĐS thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến luồng lạch để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, thay thế hệ thống báo hiệu cho phù hợp với luồng.

Bên cạnh đó, Đoạn QLĐS số 7 thường xuyên quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền và hướng dẫn việc thực hiện các quy định về Luật Giao thông đường thủy nội địa một cách có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng vùng và từng đối tượng tham gia giao thông. Cụ thể: Vận động nhân dân các xã ven sông tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa”, tuyên truyền, hướng dẫn các chủ bến đò, bến thủy nội địa, các chủ phương tiện thủy thực hiện các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Ngoài ra, đơn vị còn cấp phát Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản hướng dẫn thi hành tới ban an toàn giao thông các huyện và tới trực tiếp các đối tượng tham gia trên tuyến.

Từ đầu năm 2007 đến nay, liên ngành ở cơ sở gồm: Đoạn Quản lý đường sông số 7, Phòng cảnh sát giao thông đường thủy Hải Dương và Chi cục Đăng kiểm Hải Hưng đã tổ chức 04 đợt kiểm tra trên tuyến, phát hiện và xử lý các vi phạm về trật tự ATGT đường thủy với hàng chục trường hợp người điều khiển phương tiện thủy, các bến bãi mở trái phép, đã tiến hành xử lý phạt tiền vi phạm hành chính hàng chục triệu đồng.

Nhờ đó, hoạt động giao thông thủy trên địa bàn đã từng bước đi vào nền nếp, có trật tự kỷ cương, người tham gia giao thông đã có ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy. Những vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường thủy giảm đáng kể. Đặc biệt là tai nạn giao thông đã được kiềm chế, giảm dần. Theo thống kê, năm 2006 xảy ra 9 vụ trên toàn tuyến, riêng sông Kinh Môn đã xảy ra 3 vụ làm chết 02 người. Năm 2007, toàn tuyến mới xảy ra 02 vụ. Không để xảy ra hiện tượng ách tắc giao thông trên tuyến.

Tuy nhiên, hiện tại tình hình trật tự ATGT hiện nay trên các tuyến sông vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng khai thác cát trái phép. Trong khi đó các bến thủy nội địa không được cấp phép vẫn hoạt động trên các tuyến sống còn tới hơn chục bến. Tình trạng lấy cắp phá hoại báo hiệu vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT trên các tuyến sông thuộc phạm vi quản lý của đơn vị.

Nguyễn Bá Nhuần