Đảm bảo ATGT mùa nước cạn trên các tuyến sông Miền Bắc

Ngày 10/04/2008

Những tháng đầu năm 2008 vừa qua, mực nước trên một số tuyến sông ở miền Bắc tiếp tục xuống thấp nhất kỷ lục trong vòng 100 năm qua, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông đường thuỷ. Hiện tượng trên rõ ràng không còn "bất thường" mà đã mang tính quy luật. Do vậy, điều đặt ra cho các cơ quan chức năng thời điểm này là phải có một giải pháp lâu dài để thích ứng và bảo đảm trật tự ATGT mỗi khi mùa cạn về.

Những tháng đầu năm 2008 vừa qua, mực nước trên một số tuyến sông ở miền Bắc tiếp tục xuống thấp nhất kỷ lục trong vòng 100 năm qua, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông đường thuỷ. Hiện tượng trên rõ ràng không còn "bất thường" mà đã mang tính quy luật. Do vậy, điều đặt ra cho các cơ quan chức năng thời điểm này là phải có một giải pháp lâu dài để thích ứng và bảo đảm trật tự ATGT mỗi khi mùa cạn về.

Theo đánh giá của Cục Đường sông Việt Nam, tình trạng khan cạn trên các tuyến sông ở miền Bắc hiện nay đã trở thành “quy luật” mới, chứ không còn hiện tượng bất thường và khiến cho ùn tắc giao thông là “bất khả kháng”. Thông lệ hàng năm, mùa cạn trên các tuyến sông thường diễn ra từ tháng 10 năm trước và kéo dài đến hết tháng 5 năm sau. Và theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, mùa cạn năm 2007-2008, dòng chảy trên hệ thống các sông Bắc Bộ như sông Hồng, Thái Bình sẽ thiếu hụt 10- 40% lượng nước.

Riêng sông Hồng, mực nước thấp nhất tại Hà Nội vào khoảng 1,2m. Trên thực tế, mực nước 1,2m trên sông Hồng tại Hà Nội đã xuất hiện vào ngày 1/1/2008, sớm hơn so với dự báo. Những ngày sau đó mực nước thường xuyên chỉ lên đến mức 1,5m, gây ra tình trạng khan cạn và ùn tắc tàu thuyền. Trên sông Hồng, điển hình là các đoạn Bắc Biên (Hà Nội), Cao Đại (Vĩnh Phúc); trên sông Lô là Dốc Vác (Vĩnh Phúc), Kè Lạc, Tiên Du, Phú Mỹ (Phú Thọ),…

Ông Cao Văn Định, Phó giám đốc Công ty Cổ phần QLĐS số 6 cho biết, ngay khi xuất hiện khan cạn trên các đoạn Bắc Biên, Cao Đại, đơn vị đã thả phao báo hiệu độ sâu, phao kẹp luồng, cập nhật thông báo độ sâu và trực điều tiết giao thông.

Nhưng phần lớn phương tiện hiện nay có mớn nước hơn 2m nên buộc phải chờ thời điểm nước lên cao nhất mới qua được. Từ thời điểm nước xuống mức thấp nhất đến nay đã xảy ra hàng chục vụ tàu thuyền bị mắc cạn, trong đó điển hình là vụ 3 phương tiện cùng lúc bị mắc cạn tại Dốc Vác (sông Lô) và phải sang tải khẩn cấp.

Điều đáng nói là cùng với sự xuất hiện của những luồng cạn, trên tuyến sông Hồng thời gian qua đã xuất hiện một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa “cứu cạn” phương tiện để thu tiền của chủ tàu thuyền một cách bất chính. Theo lãnh đạo Cục Đường sông Việt Nam, hoạt động trái phép trên bắt đầu manh nha trở lại, nhưng hình thức thu tiền không công khai như trước đây, mà chủ yếu diễn ra dưới các hình thức ngầm.

Mùa cạn năm trước, trên tuyến sông Hồng từ Việt Trì đến Phú Thọ với chiều dài 70 km, có lúc xuất hiện 6 công ty hoạt động dưới danh nghĩa “cứu hộ, cứu nạn”. Phương tiện chở hàng đi qua địa bàn của công ty nào cũng phải nộp tiền “cứu cạn” cho công ty đó, cho dù luồng thông và phương tiện đi lại bình thường.

Cũng theo Cục Đường sông Việt Nam, một bất cập nữa trong thời điểm hiện nay là đội ngũ tàu tự hành có trọng tải từ 400- 600 tấn (với mớn nước 2,7-3,2m) phát triển rất nhanh, nhưng độ sâu luồng của các tuyến chính chỉ ở mức 2,5m. Như trên các tuyến trọng điểm Việt Trì- Hà Nội qua sông Đuống, Hải Phòng- Ninh Bình qua sông Luộc, sản lượng vận tải đã đạt 11-12 triệu tấn/năm, trong khi dự báo trước đây chỉ là 4-5 triệu tấn/năm.

Mỗi khi xảy ra khan cạn cục bộ, các ngành chức năng thường sử dụng các biện pháp bảo đảm ATGT như: sử dụng phao tiêu biển báo, thông báo luồng, điều tiết hướng dẫn giao thông và nạo vét luồng. Và có thể thấy, đây mới chỉ là giải pháp tình thế và ít hiệu quả.

Cũng theo ông Cao Văn Định, để hạn chế thiệt hại do tai nạn và giải quyết triệt để vấn đề lợi dụng “cứu hộ, cứu nạn”, ngành chức năng cần tổ chức các hoạt động cứu hộ chuyên nghiệp trong mùa cạn.

Bởi trên thực tế, hoạt động cứu hộ phương tiện giao thông đường thủy mới chỉ được tổ chức trong mùa lũ, còn mùa cạn không có. Đây được xem là cơ hội để một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa “cứu hộ” ép giá hoặc dọa dẫm chủ phương tiện “dù bị mắc cạn cũng không cứu” để thu lợi bất chính.

Thâm Quyến