Giảm khí thải xe hơi bằng cảm biến phụ

Ngày 04/05/2009
Kéo dài tuổi thọ động cơ, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm ngoại tệ nhập phụ tùng đắt tiền… cho xe hơi là hiệu quả của bộ điều khiển cảm biến phụ do tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM chế tạo.
Kéo dài tuổi thọ động cơ, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm ngoại tệ nhập phụ tùng đắt tiền… cho xe hơi là hiệu quả của bộ điều khiển cảm biến phụ do tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM chế tạo.
Nhiều loại ôtô đang lưu hành tại Việt Nam đã cũ nên khi hỏng hóc thường thiếu phụ tùng để thay thế hoặc nhiều dòng xe đắt tiền cũng rất khó tìm phụ tùng khi cần. Trong đó, theo một số thợ sửa ô tô khó tìm nhất là phụ tùng trên hệ thống phun xăng điều khiển động cơ. Trước thực tế đó, tiến sĩ Dũng bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo bộ điều khiển cảm biến phụ.
Giải pháp cho các dòng xe cũ   
Trên thực tế, nếu bộ cảm biến bị “lão hóa”, xe vẫn chạy được nhưng sẽ  giảm công suất, tiêu hao nhiên liệu lớn và  đặc biệt là tăng hàm lượng chất độc hại trong khí thải. Nếu hư hỏng hoàn toàn các gara sửa chữa ôtô phải chuyển đổi thay thế phun xăng điện tử bằng hệ thống chế hòa khí và thay thế hệ thống đánh lửa đã được lập trình bằng hệ thống đánh lửa đơn giản hơn… Việc thay thế này tuy xe có thể chạy được, nhưng các hạn chế nêu trên vẫn không được khắc phục. Do vậy, để phục hồi tính năng ban đầu của động cơ chỉ còn cách tạo ra bộ phận điều khiển phụ.
Để giải quyết vấn đề này, tiến sĩ Dũng đã thiết kế một bộ cảm biến phụ (ECUp) tích hợp, kích hoạt những thông tin vốn đã hỏng để chuyển về thiết bị điều khiển bằng máy tính nhằm xử lý điều khiển độ gió, xăng… cho động cơ hoạt động.
Dùng được cho máy móc công nghiệp
Đánh giá về tác dụng của bộ cảm biến phụ, anh Lê Hồng Quân (quận Thủ Đức, TP HCM), một khách hàng, nói: “Bộ cảm biến dạng dây nhiệt của chiếc xe tôi đang sử dụng nếu thay bằng hàng chính hãng mất khoảng 10 triệu đồng, nhưng qua sự tư vấn của thầy Dũng, tôi thay bộ cảm biến dạng này của Nissan với chi phí 1 triệu đồng, cộng với bộ cảm biến phụ 50.000 đồng mà vẫn đảm bảo xe chạy ổn định, không tiêu hao nhiều nhiên liệu”.
So sánh kết quả thử khí thải trên ba trường hợp của xe Daewoo Lanos: dùng cảm biến “zin” đã chạy một thời gian, dùng cảm biến đã hỏng và cảm biến đã hỏng được thay thếbằng cảm biến của Toyota và bộ cảm biến phụ, cho thấy các chỉ tiêu CO, HC và CO2 trong khí thải ở trường hợp được thay thế đều ở giảm so với hai trường hợp đầu. Kết quả thử nghiệm này cũng trùng khớp với việc thực hiện trong phòng thí nghiệm đo công suất trên thiết bị LPS-2000 của Đức, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Theo tiến sĩ  Đỗ Văn Dũng, bộ cảm biến phụ này không chỉ ứng dụng thay thế cảm biến trong động cơ xăng mà còn cho phép chuyển từ động cơ dùng xăng sang dùng gas một cách dễ dàng.
Ngoài ra, bộ cảm biến phụ này còn có thể thay thế tất cả các loại cảm biến trong tất cả các loại máy móc công nghiệp khác, trong giàn khoan dầu mà không thay đổi tính năng. Hiện, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM cung cấp bộ cảm biến phụ này cho nhiều gara sửa chữa ô tô của thành phố với chi phí sản xuất 50.000 đồng mỗi bộ.
KH