Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác bảo trì, sửa chữa hạ tầng Đường sắt

Ngày 14/04/2009
Trong thời gian vừa qua, kết quả liên tục rút ngắn thời gian chạy tàu trên tuyến ĐS Thống Nhất và các tuyến ĐS khác là dựa trên các phương án kỹ thuật có tính toán khoa học, sáng tạo.

Trong thời gian vừa qua, kết quả liên tục rút ngắn thời gian chạy tàu trên tuyến ĐS Thống Nhất và các tuyến ĐS khác là dựa trên các phương án kỹ thuật có tính toán khoa học, sáng tạo.
Trong các phương án này đã nghiên cứu cho áp dụng một số đổi mới về khoa học kỹ thuật như: tính toán lại và cho phép nâng tốc độ chạy tàu qua ghi theo hướng thẳng; tính toán cho phép vận dụng gia tốc ly tâm không cân bằng để tính toán siêu cao và tốc độ kỹ thuật cho phép thông qua các đường cong... Việc thay thế tà vẹt sắt, tà vẹt gỗ và tà vẹt bê tông cốt thép thế hệ K1 bằng tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực dùng phụ kiện đàn hồi để tăng sự bền vững và tạo độ êm thuận cho đoàn tàu khi chạy với tốc độ cao.
Tiêu biểu cho công tác nghiên cứu áp dụng kỹ thuật tiên tiến của ĐS thế giới, có thể nhắc tới dự án vốn ODA của Nhật Bản lắp đặt khoảng 10km đường ray hàn dài tại khu gian Nông Sơn - Trà Kiệu; hai bộ thiết bị hàn ray liền dùng công nghệ hàn hơi ga nén ép với rất nhiều trang thiết bị hiện đại đã được chuyển giao cho các công ty QLĐS Quảng Nam - Đà Nẵng và Thanh Hóa.
Ngoài ra, ĐSVN đã tiến hành lắp đặt thử nghiệm tà vẹt bê tông dự ứng lực liền khối và phụ kiện đàn hồi tại km 64 + 00 - km 65 khu gian Phủ Lý - Bình Lục có kết hợp dùng lớp subblast để tăng cường khả năng chịu tải của nền đường; cải tạo thử nghiệm một số đoạn nền đường yếu bằng lớp vải địa kỹ thuật và bằng lớp subbalat và các sáng kiến khác nhằm cải tạo, tăng độ cứng và khả năng chống nước cho nền đường đảm bảo tính đàn hồi và chống phụt bùn, qua đó, tăng tuổi thọ của kiến trúc tầng trên ĐS.
Ngành cũng đã tính toán và lắp đặt ray thứ 3 chống trật bánh tại các đường cong bán kính nhỏ để đảm bảo an toàn chạy tàu. Nghiên cứu đưa vào xây dựng, khai thác hệ thống thông báo tự động cho các đường ngang có gác, hệ thống đường ngang cảnh báo tự động, khống chế chạy tàu qua ghi lánh nạn; hệ thống truyền dẫn bằng thiết bị nhân kênh Hà Nội - Đà Nẵng - Sài Gòn. Đặc biệt là việc định hình hóa kết cấu mặt đường ngang đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện giao thông. Cùng đó, đang nghiên cứu đặt thử nghiệm đường ngang có kết cấu mặt bằng cao su đặc biệt kết hợp bê tông...
Để sửa chữa và gia cố các cầu bê tông cốt thép đã bị phong hóa, ngành ĐS đã tính toán và đề xuất phương án dùng bản thép dán keo để tăng cường bản bụng và sườn dầm; tính toán đưa ra giải pháp chạy tàu nâng tải trọng đoàn toa kéo dài từ 3,6t/m lên 4,1t/m trên từng khu đoạn của tuyến ĐSVN...
Cùng với việc dùng máy dò siêu âm kiểm tra độ rỗng, đo vẽ mặt cắt, bố trí cốt thép dầm bê tông cốt thép làm cơ sở tính toán khả năng chịu lực của dầm; ĐSVN đã sử dụng vật liệu mới như vật liệu polymer, composite cốt sợi thủy tinh, quét sơn composite, áp dụng công nghệ phun vữa sika để sửa chữa, gia cố các dầm cầu bê tông cốt thép bị nứt; dùng máy đo xói để kết hợp việc đo trắc ngang lòng sông để kiểm tra xói lở các mố trụ phục vụ công tác sửa chữa đảm bảo an toàn chạy tàu. Ngoài ra, áp dụng công nghệ khoan cọc nhồi khôi phục các mố trụ cầu; sử dụng dầm thép tổ hợp hàn liên kết bu-lông cường độ cao thay thế cho dầm thép tổ hợp đinh tán. Thí điểm áp dụng đặt ray trực tiếp trên dầm dọc cầu thép (không dùng tà vẹt mặt cầu) cầu Chánh Hòa; thí điểm dùng thép rỉ ổn định (không sơn) làm dầm cầu Chợ Thượng; áp dụng công nghệ tẩy rỉ bằng phun cát và sử dụng sơn có tuổi thọ cao để bảo vệ dầm cầu thép cho cầu Thăng Long. Dùng công nghệ dán bản thép bằng keo êpôxy để gia cố tăng cường khả năng chịu lực của dầm bê tông cốt thép đối với cầu Cai Thọ. Áp dụng công nghệ tiên tiến để bóc lớp vỏ hầm cũ, đổ bê tông cốt thép vỏ hầm mới bằng phương pháp vữa phun cốt sợi thép đối với 4 hầm trên đèo Hải Vân.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sửa chữa cầu, ĐS, ngành còn chú trọng lĩnh vực về khoa học quản lý; tăng dần hàm lượng cơ giới cho công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng ĐS. Ngành đã đầu tư mua máy đo kiểm tra đường Matisa tự hành của Thụy Sĩ; đầu tư mua máy nâng, giật chèn đường tự động loại 08-8GS hiện đại của Cộng hòa Áo... Việc mở rộng quan hệ, học tập quản lý kinh tế kỹ thuật các nước có nền vận tải ĐS tiên tiến cũng được quan tâm. Tổng công ty ĐSVN đã thường xuyên cử cán bộ tham dự các lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật cầu, đường, TTTH tại một số nước như Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc...
ĐT (sưu tầm)