Ứng dụng công nghệ tích hợp hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và hệ thống thông tin địa lý (GIS) để quản lý xe buýt

Ngày 05/05/2009
Nếu phóng nhanh, lấn tuyến, bỏ trạm, bỏ khách…, xe buýt lập tức bị đơn vị quản lý phát hiện và cảnh cáo thông qua hệ thống GIS– GPS. Mô hình này đã được TP Hồ Chí Minh thử nghiệm hiệu quả trên 15 xe.
Nếu phóng nhanh, lấn tuyến, bỏ trạm, bỏ khách…, xe buýt lập tức bị đơn vị quản lý phát hiện và cảnh cáo thông qua hệ thống GIS– GPS. Mô hình này đã được TP Hồ Chí Minh thử nghiệm hiệu quả trên 15 xe.
Tại TP HCM gần đây dồn dập xảy ra những vụ tai nạn thương tâm do xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, lấn tuyến, không dừng đúng trạm… gây ra. Thống kê của Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, Công an TP HCM, cho biết, năm 2008, xe buýt tại đây đã gây ra 38 vụ tai nạn giao thông, làm 38 người chết, 7 người bị thương.
Quản lý tự động xe buýt
Ông Phạm Đình Đức, giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM, cho biết hiện thành phố có 151 tuyến xe buýt với khoảng 2.600 xe các loại, hoạt động trên 400 con đường với chiều dài trên 1470 km. Nói là mạng lưới xe buýt nhưng thực tế là chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các tuyến, xe buýt tại các điểm giao cắt gây bất tiện cho hành khách… dù trung tâm đã tốn nhiều tỷ đồng để thuê nhân viên giám sát hoạt động của các tuyến này.
Thực tế trên khiến tiến sĩ Lê Văn Trung, Viện phó Viện Địa tin học, ĐH Quốc gia TP HCM, đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ tích hợp hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và hệ thống thông tin địa lý (GIS) để quản lý xe buýt. 
Theo tiến sĩ Trung, cách quản lý xe buýt theo hệ thống định vị toàn cầu sẽ tốn rất ít nhân lực. Mỗi xe được gắn một module di động gồm thiết bị cảm biến thu thập dữ liệu, thiết bị báo tin khẩn cấp, bộ tập trung dữ liệu (data logger) để kết nối với trung tâm điều hành. Các thiết bị định vị và cảm biến sẽ tự động thu thập thông tin và lưu trữ ở bộ nhớ. Bộ điều khiển tập trung dữ liệu sẽ truy xuất bộ nhớ khi nhận các yêu cầu từ trung tâm điều hành để gửi dữ liệu thu thập về trung tâm, hoặc hiển thị thông tin cho hành khách, hoặc gửi cảnh báo đến tài xế… Trung tâm điều hành sẽ được cung cấp thông tin về vị trí xe, tốc độ di chuyển, lộ trình di chuyển, trạm dừng, bến đỗ, giá vé, tài xế và nhân viên phục vụ trên xe... Hệ thống này tự động hiển thị trực quan, nếu có tình trạng khẩn cấp nào thì nhà quản lý ngay lập tức có thể xử lý...
Hệ thống đã được thử nghiệm có hiệu quả ở 15 xe buýt thuộc ba tuyến. Tiến sĩ Trung cho biết, kế hoạch tiếp theo là áp dụng cho khoảng 500-1.000 xe.
Tạo mạng lưới giao thông hiện đại 
Tiến sĩ Trần Vĩnh Phước, Hiệu phó ĐH Công nghệ thông tin TP HCM, nhận xét, thế giới đã ứng dụng GIS và GPS  vào quản lý xe buýt. Hiện Việt Nam đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống này nên cũng có thể ứng dụng vào quản lý mạng lưới xe buýt. Còn thạc sĩ Nguyễn Khắc Thành, giám đốc trung tâm GIS, Sở Khoa học & công nghệ TP HCM, khẳng định, quản lý xe buýt bằng công nghệ GIS - GPS là xu hướng phát triển tất yếu của các đô thị hiện đại mà rất nhiều thành phố trên thế giới đã áp dụng thành công như Hong Kong, Singapore...
Theo các nhà khoa học, hệ thống này cũng có thể quản lý tàu điện ngầm, metro, xe điện… để tạo thành mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Với chi phí 15 tới 20 triệu đồng cho một hệ thống gắn trên xe buýt, khi đi vào vận hành. chúng sẽ giúp tiết kiệm nhiều thời gian, kinh phí trong quản lý điều hành như tiết kiệm nhân lực giám sát, rút ngắn thời gian tìm kiếm và xử lý thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động và dịch vụ của mạng lưới xe buýt, giám sát được việc sai phạm trong vận tải, từ đó hạn chế tránh ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn giao thông.
LD