Tàu thủy chạy bằng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới

Ngày 16/07/2013
MS Tûranor PlanetSolar, tàu chạy bằng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới vừa cập cảng North Cove Marina ở Hạ Manhattan, trong chuyến hành trình dài 8.000km theo dòng chảy của hải lưu Gulf Stream trên biển Đại Tây Dương.


 
Con tàu được thiết kế để có bề mặt rộng nhất có thể nhằm tối ưu cho việc gắn các tấm pin quang điện ở trên. Không gian sinh hoạt trên tàu khá hạn chế và chỉ có một vài cửa sổ. Phần khoang gồm nhiều tấm lớn có thể điều chỉnh góc nghiên bằng thuỷ lực nhằm tối ưu hoá khả năng thu nhận ánh nắng Mặt trời. Lúc đậu ở cảng thì các tấm pin quang được được xếp lại để chừa lối đi. Còn khi đi trên biển thì các thuỷ thủ sẽ mở rộng lớp trên của nó bằng phương pháp thủ công về hai bên, tạo nên diện tích là 516 mét vuông. Các tấm pin quang điện có hiệu suất sản sinh điện năng là 22,6% và phủ gần như toàn bộ boong tàu. Không giống với các tấm pin khác, những tấm pin trên Tûranor có thể chịu được trọng lượng của một người: khoảng 80kg/mét vuông. Khoang lái khá chật hẹp, chỉ đủ không gian cho thêm vài người bên cạnh thuyền trưởng. Những gì bạn thấy trong ảnh là rất căn bản đối với một chiếc tàu lớn cỡ này, mặc dù nó vẫn có một vài tính năng đặc biệt. Hai động cơ điện 60kW được điều khiển từ đây, cung cấp sức mạnh cho PlanetSolar. Thuyền trưởng Gérard d'Aboville cho biết, “tương tự như một chiếc xe điện, con tàu di chuyển nhẹ nhàng, không có tiếng động và sự rung lắc nào.” Với khối lượng 8,5 tấn của bộ ăc-quy lithium-ion trên tàu, PlanetSolar được xem là “bộ ăc-quy di động dân dụng lớn nhất” trên thế giới. Để sạc đầy ăc-quy của tàu từ lúc cạn phải mất đến 2 ngày, và nó sẽ giúp con tàu vận hành trong vòng 72 giờ nếu không có ánh nắng.

Được trang bị các thiết bị nghiên cứu đặc biệt, tàu Tûranor chở các nhà khoa học để thực hiện công việc giám sát không khí và nước của dòng hải lưu Gulf Stream (dòng nước ấm từ vịnh Mexico qua Đại Tây Dương đến châu Âu) trên Đại Tây Dương, một dòng hải lưu có ảnh hưởng đến khí hậu của vùng bờ biển phía Đông Bắc Mỹ và Tây châu Âu.

 

Theo NASATI, The Verge