Song song với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là quá trình cơ giới hóa và sự phát triển nhanh về số lượng, chất lượng phương tiện giao thông vận tải. Nhu cầu về sử dụng năng lượng cũng vì thế mà tăng lên mạnh mẽ, các nguồn tài nguyên năng lượng đặc biệt là dầu mỏ đã và đang bị khai thác triệt để, dẫn đến cạn kiệt. Cùng với việc tiêu thụ ngày càng tăng của nhiên liệu có gốc hóa thạch là sự gia tăng phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường đô thị. Đó là những thách thức to lớn đối với nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng.
Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ mà chủ yếu là xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy tiêu thụ khoảng 70 % lượng xăng, dầu, là những nguồn phát thải khí thải chính như khí ôxit cácbon (CO), các hyđrô cácbon (HC), các ôxít nitơ NOx, bụi thải (PM) và các độc tố có trong nhiên liệu như benzen... đóng góp khoảng 15% khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính và gây ô nhiễm không khí đô thị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
Sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, hiệu quả đồng thời cũng là biện pháp giảm phát thải hiện đang được áp dụng ở nhiều quốc gia. Trên thế giới nhiều nước đã và đang tích cực triển khai, thực hiện việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với ô tô thông qua các chương trình như: dãn nhãn năng lượng, quy định mức tiêu thụ năng lượng tối thiểu, đánh thuế nhiên liệu, lái xe sinh thái, chương trình bảo dưỡng xe…vv. Chương trình dán nhãn năng lượng đã được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Châu Âu (EU), Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ. Ở khu vực Đông Nam Á có Singapore, Thái Lan cũng đang triển khai áp dụng việc dán nhãn năng lượng.
Triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12/9/2011, quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng. Theo Quyết định này, từ 01/01/2015 xe ô tô con loại từ 07 chỗ trở xuống sẽ phải dán nhãn năng lượng.
Thực hiện Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Thông tư liên tịch số 43/2014/TTLT-BGTVT-BCTngày 24/9/2014 quy định về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại từ 07 chỗ trở xuống.
Từ 01/01/2015 xe ô tô con loại từ 07 chỗ trở xuống sẽ phải dán nhãn năng lượng
Trước khi có quy định này, một số loại xe ô tô (đặc biệt là các loại ô tô sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu) đã được các nhà sản xuất chủ động công bố mức tiêu thụ nhiên liệu và coi đó là một lợi thế cạnh tranh của sản phẩm.
Tuy nhiên, một số loại xe ô tô có công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều nhiên liệu thì lại không được các nhà sản xuất công bố mức tiêu thụ nhiên liệu, người tiêu dùng vì thế không biết tới mức tiêu thụ nhiên liệu của xe ô tô sẽ lựa chọn.
Với quy định dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại từ 07 chỗ trở xuống, từ 01/01/2015tất cả các loại xe ô tô con loại từ 07 chỗ trở xuốngtrước khi đưa ra thị trường phải được công bố thông tin minh bạch về mức tiêu thụ nhiên liệu. Tiêu thụ nhiên liệu của xe in trên nhãn năng lượng và được công bố theo ba mức: mức tiêu thụ nhiên liệu khi xe chạy trong đô thị, ngoài đô thị và chạy hỗn hợp trong đô thị và ngoài đô thị. Nhãn năng lượng do nhà sản xuất ô tô tự in sau khi được cơ quan quản lý kiểm tra, xác nhận và dán bên trong xe, phía người lái, ở cửa kính bên cố định phía sau hoặc kính chắn gió phía sau tại vị trí dễ quan sát nhìn từ bên ngoài xe. Nhãn năng lượng được duy trì trên xe cho tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.
Mức tiêu thụ nhiên liệu của xe cũng phải được công bố công khai trong tài liệu hướng dẫn sử dụng hoặc tài liệu giới thiệu tính năng, thông số kỹ thuật kèm theo xe; Trang thông tin điện tử của nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe (nếu có) và Trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Từ 01/01/2015, người tiêu dùng căn cứ vào mức tiêu thụ nhiên liệu của xe ghi trên nhãn năng lượng có thể lựa chọn loại xe có công nghệ hiện đại, tiêu thụ ít nhiên liệu, qua đó tính toán, tiết kiệm được chi phí nhiên liệu trong suốt quá trình sử dụng.
Đặc biệt, việc thử nghiệm xác định mức tiêu thụ nhiên liệu của xe được thực hiện kết hợp với thử nghiệm khí thải đang được Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai; Chứng nhận dán nhãn năng lượng của xe được tiến hành đồng thời với chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định tại Thông tư số 30/2011/TT-BGTVT, Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT ngày 15/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, do vậy không phát sinh chi phí cũng như thủ tục chứng nhận mức tiêu thụ nhiên liệu cho các nhà xản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô.
Các tác giả mong rằng với thông tin này, người tiêu dùng sẽ lựa chọn được sản phẩm tối ưu để sử dụng./.
Chu MạnhHùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường
KS. Vũ Hải Lưu, CV Vụ Môi trường