Bộ GTVT trả lời kiến nghị của các địa phương về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện

Ngày 09/01/2015
Ngày 30/12, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có Văn bản số 17089/BGTVT-VT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trả lời kiến nghị của các địa phương về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.

Theo đó, ngày 24/12/2014, liên Bộ Giao thông vận tải - Bộ Công an đã phối hợp Bộ ngành, địa phương tổ chức Hội nghị sơ kết Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT- BCA và Phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Tại hội nghị đã có 12 ý kiến phát biểu và một số kiến nghị của một số địa phương gửi về Bộ Giao thông vận tảỉ (GTVT) trước và sau hội nghị, Bộ GTVT đã tổng kết thành một số nhóm vấn đề và xin được làm rõ, cụ thể như sau:

1. Đề nghị Bộ GTVT gia hạn hiệu lực Công văn số 8359/BGTVT-VT ngày 10/7/2014 về việc triển khai thực hiện một số nội dung tại Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 08/7/2014 của Chính phủ về tiếp tục kiểm soát trọng tải xe và tháo gỡ khó khăn cho đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô (Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tập hợp kiến nghị từ các Hiệp hội vận tải địa phương).

Ngày 22/12/2014, Bộ GTVT đã có Công văn số 16360/BGTVT-VT về việc triển khai thực hiện một số giải pháp về tiếp tục kiểm soát tải trọng phương tiện và tháo gỡ khó khăn cho đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Sở GTVT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Trong nội dung văn bản này đã cho phép việc điều chỉnh thay đổi vị trí chốt kéo, các trục, cụm trục đối với sơ mi rơ moóc tải và sơ mi rơ moóc chở công-ten-nơ có khối lượng toàn bộ nhỏ hơn khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến hết ngày 31/12/2015 nhưng phải thực hiện cải tạo theo quy định (nội dung khác cụ thể tại Công văn số 16360/BGTVT-VT gửi kèm).

2. Đề nghị Bộ GTVT phối hợp Bộ Tài chính quy định, hướng dẫn cụ thể nguồn kinh phí (như về chế độ bồi dưỡng, phụ cấp, nhiên liệu hoạt động, vật tư thiết bị) được trích, giữ lại từ Quỹ Bảo trì đường bộ của địa phương hoặc kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông để phục vụ hoạt động kiểm soát tải trọng xe, đặc biệt là tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Đồng thời, có cơ chế, chính sách đãi ngộ riêng đối với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại các Trạm kiểm soát tải trọng xe.

Vấn đề này, Bộ Tài chính đã có Công văn số 16053/BTC-PC và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 9450/VPCP-V.I về việc cơ chế hỗ trợ các lực lượng chống buôn lậu và kiểm tra trọng tải xe, Bộ GTVT đã có Công văn số 16467/BGTVT-VT ngày 23/12/2014 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo các Ban, ngành chức năng thực hiện. Kết quả rà soát và các kiến nghị về chế độ phụ cấp áp dụng cho các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động đề nghị gửi Bộ GTVT trước ngày 10/01/2015. Bộ GTVT sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay sau khi nhận được văn bản rà soát của các tỉnh gửi về.

3. Tiếp tục duy trì các Đoàn thanh tra, kiểm tra về xe cơi nới thành thùng, quá tải, quá khổ trên địa bàn địa phương.

- Đoàn kiểm tra Trạm KTTTX giữa Bộ GTVT, Bộ Công an và Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp liên ngành đã tiến hành kiểm tra tại 35 địa phương (kiểm tra hoạt động của Trạm KTTTX lưu động).

- Đến nay hầu hết các địa phương đã có Kế hoạch phối hợp liên ngành giữa Công an - GTVT về phối họp lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý xe ô tô vi phạm các quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Bộ GTVT xin tiếp thu và sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục duy trì các Đoàn kiểm tra tiếp tục phối hợp Cục Đăng kiểm Việt Nam và các địa phương triển khai thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm kích thước thùng xe trong thời gian tới một cách quyết liệt, triệt để.

4. Đề nghị Bộ GTVT rà soát, cắm đúng, cắm đủ các biển báo hiệu giao thông đường bộ, hệ thống tín hiệu giao thông để người tham gia giao thông biết thực hiện và làm căn cứ để xử lý vi phạm hành chính về tải trọng phương tiện một cách triệt để, hiệu quả.

Trong năm 2014, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt và thực hiện rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ; đồng thời đầu tư, gia cố tăng tải trọng nhiều cây cầu và nhiều tuyến đường. Song cho đến nay, một phần do nguồn kinh phí còn hạn chế nên một số tuyến đường còn có nhiều cầu yếu, tải trọng thấp hơn tải trọng cho phép của đường vẫn chưa được đầu tư nâng cấp.

Vấn đề này, Bộ Giao thông xin tiếp thu và tiếp tục yêu cầu các cơ quan đơn vị thuộc Bộ GTVT phối hợp địa phương rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ để loại bỏ biển báo, vạch sơn không hợp lý và bổ sung cho hợp lý nếu cần thiết.

5. Đề nghị Bộ GTVT phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan kiến nghị cấp có thẩm quyền cho tăng cường, bố trí thêm biên chế, trang thiết bị hỗ trợ (ô tô, công cụ hỗ trợ; máy móc thiết bị,...) và kinh phí cho lĩnh vực thanh tra giao thông nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông cũng như đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn địa phương mình và thực hiện các nhiệm vụ khác được giao.

Thứ nhất, về việc tăng cường, bố trí thêm biên chế cho lực lượng thanh tra GTVT:

Căn cứ khoản 1,2 Điều 14 Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2012 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức, để bổ sung biên chế cho lực lượng Thanh tra GTVT thuộc Sở GTVT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thứ hai, về nguồn vốn đầu tư thực hiện Đề án Tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra GTVT theo Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 5/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, thực hiện Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 5/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tăng cường biên chế, trang triết bị cho lực lượng Thanh tra GTVT, với vai trò cơ quan chủ quản Đề án, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.

6. Kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu nhân rộng mô hình kiểm tra xe quá tải kết hợp với hoạt động của Trạm thu phí đường bộ ở những nơi, những địa phương có điều kiện nhằm nâng cao hiệu quả của công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; đồng thời Bộ nghiên cứu đề xuất, kiến nghị với Chính phủ bổ sung tính pháp lý về kết quả cân kiểm tra xe của Trạm cân tự động để lực lượng chức năng làm cơ sở xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm quá tải. Sớm bổ sung quy hoạch để bố trí mạng lưới trạm cân trên toàn quốc cho phù hợp.

Vấn đề này, Bộ GTVT xin tiếp thu và hiện tại, Bộ GTVT đang xây dựng Đề cương, dự toán Đề án điều chỉnh Quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ toàn quốc và sẽ sớm phê duyệt để triển khai thực hiện đồng bộ.

7. Đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi để xây dựng vị trí đặt Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (KTTTX), xây dựng kho, bãi hạ tải, lưu giữ phương tiện, hàng hóa.

Vấn đề này, Bộ GTVT có ý kiến như sau:

- Nguồn kinh phí xây dựng vị trí đặt trạm kiểm tra tải trọng xe được lấy từ nguồn từ Quỹ bảo trì đường bộ địa phương, kinh phí ATGT địa phương và các nguồn kinh phí khác.

- Việc hạ tải là do tổ chức hoặc cá nhân vi phạm buộc phải hạ tải, nhà nước không khuyến khích việc chở quá tải nên Bộ GTVT thêm một lần nữa đề nghị các địa phương không đầu tư xây dựng kho, bãi hạ tải.

8. Đề nghị Bộ GTVTphối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường để thống nhất quy định về điều kiện khai thác của các mỏ, trong đó nhấn mạnh nội dung không bốc xếp hàng hóa quá tải cho phép, từ đó đề ra được chế tài xử lý khi vi phạm.

Vấn đề này, Bộ GTVT xin tiếp thu và sẽ có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường nghiên cứu, xem xét đưa ra quy định để phối hợp triển khai thực hiện.

9. Theo hướng dẫn của Bộ GTVT lực lượng liên ngành tại Trạm KTTTX có cả kiểm soát quân sự, nhưng hiện nay chưa có chỉ đạo từ Bộ Quốc phòng nên quá trình thực hiện gặp khó khăn, xin chủ trương của 02 Bộ.

Hiện nay đã có nhiều địa phương đã bố trí lực lượng kiểm soát quân sự tham gia tại Trạm KTTTX lưu động.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều Trạm KTTTX lưu động chưa có lực lượng này tham gia.

Vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải xin tiếp thu và tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng quan tâm chỉ đạo để bố trí lực lượng tham gia tại Trạm KTTTX lưu động.

10. Kiến nghị Bộ GTVT và Bộ Công an sửa đổi Kế hoạch số 12593/ KHPH- BGTVT-BCA cho phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương, trong đó việc phân công nhiệm vụ cho lực lượng liên ngành làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng phương tiện được thực hiện theo hướng: Cảnh sát giao thông lập biên bản, xử lý các lỗi vi phạm mang tính chất hỗn hợp (có nhiều lỗi vi phạm mà trong đó có một trong những hành vi vi phạm mà không thuộc thẩm quyền của Thanh tra giao thông); Thanh tra giao thông lập biên bản, xử lý các lỗi vi phạm thuộc thẩm quyền của Thanh tra giao thông theo quy định.

Trong nội dung Báo cáo liên Bộ số 13268/BC-BCA-BGTVT ngày 20/10/2014 và tại Hội nghị ngày 24/12/2014 lãnh đạo 2 Bộ cũng đã có ý kiến kết luận chỉ đạo giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) phối hợp các cơ quan đơn vị liên quan xây dựng Quy trình chuẩn và lựa chọn mô hình chuẩn để xây dựng thành phim khoa giáo để hưởng dẫn thống nhất thực hiện trên phạm vi toàn quốc…

Trên đây là một số nhóm vấn đề do các địa phương kiến nghị, đề xuất giải quyết trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, các Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình sớm triển khai giải quyết các đề xuất, kiến nghị đã nêu trên.

Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện và tiếp tục có đề xuất, kiến nghị chưa được đề cập để Bộ GTVT cùng phối hợp giải quyết.

Toàn bộ văn bản xem tại đây