Sửa Bộ luật Hàng hải, nhiều nội dung đột phá

Ngày 03/06/2015
Sáng nay, 3/6, tại phiên họp toàn thể tại hội trường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam trước Quốc hội.


Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trình bày Tờ trình Dự án
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam trước Quốc hội

Lập tổ chức điều phối chung tại cảng biển

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Bộ luật Hàng hải Việt Nam đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế quốc dân nói chung và ngành Hàng hải nói riêng.

Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện, Bộ luật Hàng hải Việt Nam đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập, trong khi ngành Hàng hải đã cam kết mở cửa hội nhập toàn diện vào hoạt động kinh tế hàng hải toàn cầu. Nhằm khắc phục những bất cập hiện nay, đưa kinh tế hàng hải lên vị trí số 1, việc sửa đổi Bộ luật Hàng hải là rất quan trọng và cần thiết.

“Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật hàng hải nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa hoạt động hàng hải thế giới đang ngày càng gia tăng và vai trò vừa là “đầu mối”, vừa là “cầu nối” của kinh tế hàng hải đối với nền kinh tế quốc dân cũng như kinh tế biển nói riêng đang đòi hỏi được phát huy” – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đinh La Thăng báo cáo, một trong những nội dung sửa đổi mang tính đột phá trong Bộ luật Hàng hải lần này là việc bổ sung quy định về Ban quản lý và khai thác cảng, quy định Ban quản lý và khai thác cảng là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng; được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao và giao Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức này và việc áp dụng mô hình tổ chức Ban quản lý và khai thác cảng tại cảng biển Việt Nam.

Bộ trưởng cho biết, việc bổ sung quy định trên xuất phát từ thực tế vừa qua tại một khu vực cảng biển có rất nhiều nhà đầu tư khai thác bến cảng dẫn đến tình trạng là việc dư thừa công suất như xảy ra tại khu vực Cái Mép - Thị Vải. Đồng thời không có sự kết hợp khai thác sử dụng vùng nước cảng và vùng đất hậu cần sau cảng nên không khai thác được hết hiệu quả kinh tế của khu vực cảng biển. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp đầu tư, khai thác cảng trong cùng một khu vực mạnh ai nấy làm, tìm mọi cách thu hút hàng hoá đến bến cảng của mình đã tạo ra một sự cạnh tranh thị trường thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến tình hình khai thác cảng chung.

Vì vậy, cần có một tổ chức để điều phối, quản lý chung khu vực cảng biển để khắc phục những tồn tại nói trên. (Mô hình "Ban quản lý và khai thác cảng" được ban soạn thảo dùng thay thế mô hình "Chính quyền cảng" so với lần dự thảo trước để phân biệt mô hình quản lý nhà nước tại các cảng biển với cách hiểu về cách tổ chức bộ máy nhà nước theo các cấp từ trung ương đến địa phương vẫn thường dùng).

Xóa bỏ những chồng lấn giữa hàng hải và đường thủy nội địa

Bên cạnh đó, trong Bộ luật Hàng hải sửa đổi lần này cũng bổ sung quy định về tiêu chí xác định cảng biển, vì hiện nay khái niệm cảng biển trong Bộ luật Hàng hải và khái niệm cảng đường thủy nội địa trong Luật giao thông Đường thủy nội địa có nội dung trùng lặp (cả hai đều định nghĩa là cảng được mở ra cho tàu biển, phương tiện thủy nội địa và các phương tiện thủy khác ra vào, hoạt động).

Dự thảo Bộ luật Hàng hải sửa đổi đã chỉnh khái niệm về tàu biển, theo đó các đối tượng như ụ nổi, kho chứa nổi, giàn di động và các kết cấu nổi tương tự khác không phải là tàu biển.

“Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chồng lấn giữa hàng hải và đường thủy nội địa trong thời gian vừa qua. Vì vậy, bổ sung quy định về tiêu chí xác định cảng biển để đưa ra các tiêu chí cụ thể trong việc xác định điều kiện hình thành cảng biển, nhằm phân định rõ ràng giữa cảng biển và cảng thủy nội địa; Từng bước giải quyết chồng lấn và bảo đảm phát huy lợi thế của cả hai lĩnh vực giao thông hàng hải và đường thủy nội địa” – Bộ trưởng Bộ GTVT lý giải.

Ngoài ra, việc sửa đổi luật lần này còn bổ sung quy định về quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách theo các hình thức chuyển nhượng, cho thuê, nhượng quyền khai thác từng phần, toàn bộ hoặc các hình thức phù hợp khác để phù hợp với thực tế nhằm huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển.

Báo cáo tác động Dự án Bộ luật Hàng hải nêu rõ, quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã có những thay đổi có tính chiến lược, nhằm phát triển hệ thống cảng biển xứng tầm quốc tế, thu hút được sự quan tâm của hãng tàu lớn, nhà khai thác cảng hàng đầu thế giới đến đầu tư và thúc đẩy phát triển ngành Hàng hải Việt Nam.

"Dự án sửa đổi Luật được chuẩn bị công phu"

Trình bày báo cáo thẩm tra về Dự án Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Bộ luật và nhiều nội dung của dự thảo Bộ luật.

“Dự án Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, Ban soạn thảo đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức tổng kết thực tiễn, rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về hàng hải, nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, so sánh đối chiếu với các điều ước quốc tế liên quan; phối hợp với cơ quan hữu quan tổ chức khảo sát, lấy ý kiến các bộ, ngành, đối tượng tác động; nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội để xây dựng Dự án Bộ luật” – Chủ nhiệm Phan Trung Lý đánh giá.


Việc sửa đổi Bộ luật Hàng hải được kỳ vọng
sẽ tạo bước đột phá trong việc phát triển kinh tế biển

Về nội dung bổ sung quy định về Ban quản lý và khai thác cảng, ông Phan Trung Lý cho biết một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhất trí quy định Ban quản lý và khai thác cảng như trong dự thảo Bộ luật nhằm thiết lập cơ quan có đủ năng lực, trách nhiệm quản lý cảng biển, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay để tăng cường hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cảng biển.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định mô hình này, trước hết cần làm rõ về tiêu chí, điều kiện để thành lập Ban quản lý và khai thác cảng, về địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ của Ban quản lý và khai thác cảng với cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương… Tính chất của Ban quản lý và khai thác cảng là tổ chức kinh tế hay là cơ quan quản lý nhà nước; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý và khai thác cảng trong mối quan hệ với Cảng vụ hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam, chính quyền địa phương và tổ chức, cá nhân được giao quản lý khai thác cảng như hiện nay.

“Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài về mô hình “Chính quyền cảng” hay “Ban quản lý và khai thác cảng” để có cơ sở tổ chức một mô hình phù hợp với thực tế của Việt Nam và không trái với quy định hiện hành về chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” – ông Lý cho biết.

Trong phiên thảo luận tổ chiều nay, các ĐBQH dành thời gian phân tích, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải VN và  Dự án Luật Trưng cầu ý dân.

Nguồn: baogiaothong.vn