Đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm, các nhà khoa học đều khẳng định, gần như 100% đô thị lớn của nước ta hiện đang bị ô nhiễm bụi.
Theo đánh giá của các cơ quan môi trường, ô nhiễm giao thông là 1 trong 6 nguồn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các đô thị hiện nay. Đặc biệt mức độ ô nhiễm do các phương tiện tham gia giao thông gây ra tác động trực tiếp lên người đi đường, mang đến những hậu quả không nhỏ cho sức khỏe con người.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm tỉ lệ khoảng 70%. Xét các nguồn thải gây ra ô nhiễm không khí trên phạm vi toàn quốc, ước tính cho thấy, hoạt động giao thông chiếm tới gần 85% lượng khí cacbon monoxit có khả năng gây nhiễm độc cấp và nhiều chất độc hại khác.
Trong khi đó, các nguồn thải khí gồm: hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động xây dựng, khí thải do các ngành khác và hoạt động dân sinh chỉ chiếm một tỉ lệ tương đối về khí thải gây ô nhiễm không khí đô thị. Điều này cho thấy, ô nhiễm giao thông hiện nay đang là một trong những tác nhân lớn nhất có ảnh hưởng đến không khí đô thị.
Tại TP.HCM, hiện nồng độ bụi đặc trưng PM10 có nơi đạt tới 80 microgram/m3, trong khi nồng độ cho phép nhỏ hơn con số này nhiều lần. Nồng độ SO2 lên đến 30 microgram/m3, nồng độ benzen có nơi đạt 35 - 40 microgram/m3 - PGS.TS. Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học Kỹ thuật Môi trường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM, được Báo Tài nguyên & Môi trường dẫn lời cho biết tại hội thảo “Công tác bảo vệ môi trường - ứng phó biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay” mới đây.
Hàng năm tại Việt Nam, các phương tiện giao thông đã thải ra 6 triệu tấn CO2, 61.000 tấn CO, 35.000 tấn NO2, 12.000 tấn SO2... Nồng độ các chất có hại trong không khí ở các đô thị lớn vượt quá mức cho phép nhiều lần, riêng SO2 cao gấp 2 - 3 lần.
Đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm, các nhà khoa học đều khẳng định, gần như 100% đô thị lớn của nước ta hiện đang bị ô nhiễm bụi. Ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng chủ yếu từ giao thông do 100% xe máy chưa được kiểm soát nguồn thải.
Mặt khác, việc quản lý chất lượng không khí vẫn đang tồn tại sự chồng chéo giữa các Bộ ngành: Chính phủ giao Bộ Tài nguyên & Môi trường thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về môi trường, trong đo, có không khí nhưng rốt cuộc lại giao cho Bộ Giao thông Vận tải kiểm soát ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí đô thị. Việc đánh giá, kiểm soát nguồn thải lại giao cho các Bộ Giao thông Vận tải, Công Thương, Xây dựng... quản lý.
Để giảm tình trạng ô nhiễm không khí, nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt Việt Nam cần đẩy mạnh việc ứng dụng nhiên liệu sinh học như cồn ethanol (nhiên liệu sinh học E5), mỡ cá basa, khí methan (CH4) từ chất thải hữu cơ, dầu jatropha... để giảm ô nhiễm không khí do khí xả của động cơ đốt trong. Tăng cường bán 100% xăng E5 tại tất cả cửa hàng xăng dầu như Quảng Ngãi và Vũng Tàu hiện đang thực hiện rất tốt.