Để hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội dịp cuối năm

Ngày 21/12/2015
Từ nay đến Tết Nguyên đán, mật độ phương tiện trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng mạnh, áp lực về giao thông sẽ ngày càng cao, đòi hỏi ngành chức năng của thành phố phải có những giải pháp quản lý, điều tiết hiệu quả, để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện, nhanh chóng.

Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công hầm chui Trung Hòa, góp phần giải tỏa áp lực giao thông.

Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công hầm chui Trung Hòa, góp phần giải tỏa áp lực giao thông

Nguy cơ ùn tắc gia tăng

Thực tế, từ tháng 9, giao thông trên địa bàn Hà Nội đã diễn biến phức tạp, tình trạng ùn tắc gia tăng. Vì vậy, liên tục trong ba tháng qua, thành phố triển khai các giải pháp cấp bách, nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn. Các lực lượng chức năng được huy động tối đa ứng trực trên các tuyến đường, nút giao thông để hướng dẫn, phân luồng phương tiện. Nhờ vậy, tình hình giao thông được cải thiện.

Tuy nhiên, từ nay đến Tết Nguyên đán, việc đi lại trên địa bàn Thủ đô được dự báo là sẽ còn gặp nhiều khó khăn do mật độ phương tiện tăng đột biến. Không chỉ nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô tăng cao bởi các hoạt động mua sắm, thăm hỏi, mà còn có số lượng lớn xe của các tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội hoặc đi qua thành phố. Các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm sẽ còn tiếp tục phải chịu thêm áp lực. Theo Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an thành phố Hà Nội), hiện nay trên các tuyến đường này, lượng phương tiện đã quá tải, gấp sáu đến bảy lần so với năng lực hạ tầng. Xe cộ đã nhiều, lại thường chở hàng hóa cồng kềnh, di chuyển gấp gáp, chạy đua với nhịp độ kinh doanh, buôn bán phục vụ Tết. Đường bộ đã vậy, đường sắt cũng hối hả không kém. Theo phản ánh, có thời điểm, có tới năm chuyến tàu hỏa liên tục khởi hành chỉ cách nhau chưa đầy chục phút. Tàu hỏa chạy qua nội đô, cắt qua nhiều nút giao trọng điểm, dẫn tới ùn ứ kéo dài trên nhiều tuyến đường.

Trong bối cảnh ấy, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn đang gặp khó khăn, bởi nhiều dự án trọng điểm đang gấp rút chạy đua về đích. Một loạt dự án được cam kết đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Bính Thân như: hầm chui Thanh Xuân và hầm chui Trung Hòa hoàn thành vào cuối tháng 12/2015; nút giao trung tâm quận Long Biên và đường vành đai 2, đoạn Bưởi - Đào Tấn hoàn thành trong tháng 1/2016. Để bảo đảm kế hoạch đó, các công trình được thi công cấp tập cả ngày lẫn đêm, đồng nghĩa với việc phải rào chắn đường và phân luồng phương tiện để phục vụ công trường. Điển hình ở công trình hầm chui Trung Hòa, các phương tiện từ Đại lộ Thăng Long đến khu vực này phải tỏa theo hai hướng của đường vành đai 3 để theo các trục đường khác vào thành phố, vì gần như toàn bộ mặt đường nút giao này đã bị rào chắn để thi công. Chỉ còn lại phần đường rất hẹp để lưu thông, nhưng mặt đường cũng rất xấu. Cũng vậy, các phương tiện đi đến ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến cũng bị điều tiết bớt sang các tuyến đường khác để vào thành phố, tránh khu vực đang thi công hầm chui Thanh Xuân. Hai nút giao rất lớn tại hai tuyến đường trục chính do phục vụ thi công cho nên đã giảm năng lực xuống rất thấp, chỉ ở mức duy trì lưu thông đã khiến cho các trục đường còn lại như Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương và nhiều tuyến phố khác phải chịu quá tải lớn.

Ngoài ra, còn phải kể đến các tuyến đường Trần Phú, Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Cầu Giấy…, nơi có các công trường thi công các tuyến đường sắt đô thị. Các công trường này chiếm diện tích đường rất lớn với hệ thống rào chắn dọc khắp tuyến. Mặt đường còn lại dành cho lưu thông có chỗ chỉ còn rộng 4 m, đủ cho một làn xe chạy. Ngoài ra, còn nhiều dự án khác cũng gây ảnh hưởng tới giao thông ở một số khu vực…

Điều chỉnh, bổ sung nhiều phương án tổ chức giao thông

Với tình hình trên, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm bớt những khó khăn trong đi lại cho người dân. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, trong tháng này và tháng 1/2016, sở tiến hành điều chỉnh nhiều phương án tổ chức giao thông. Cụ thể, tiến hành xén hè phố ở nhiều tuyến đường, khắc phục ngay các điểm hè, đường bị xuống cấp, nhằm mở rộng mặt đường và tạo thuận tiện cho người dân khi lưu thông. Xén toàn bộ dải phân cách giữa đường Trần Duy Hưng để mở rộng mặt đường cho phù hợp với thiết kế hầm chui Trung Hòa. Tại gầm cầu vành đai 3 - đường Giải Phóng, cải tạo mở rộng nút giao thông, nhằm giảm ùn tắc các tuyến đường chung quanh Khu đô thị Linh Đàm.

Khu vực vòng xuyến Cổ Linh ở phía bắc cầu Vĩnh Tuy (quận Long Biên), sẽ thu nhỏ đường kính đảo tròn và dải phân cách giữa, tạo làn đường rẽ phải, xén các góc cua, mở rộng nút kết hợp bố trí đèn tín hiệu giao thông. Sẽ điều chỉnh tổ chức giao thông ở các nút Nguyễn Thái Học - Sơn Tây, Trần Phú - Lê Trực: khôi phục đèn tín hiệu nút Giang Văn Minh - Kim Mã, tổ chức giao thông hai chiều trên phố Sơn Tây, đoạn từ Kim Mã - Trần Phú… Để giảm tải cho khu vực nội thành, thành phố sẽ cấm xe tải hoạt động giờ cao điểm tại phía bắc cầu Vĩnh Tuy và cầu Nhật Tân. Các tuyến đường Đại Từ, Giải Phóng sẽ tổ chức cho ô-tô đi một chiều trong các giờ cao điểm. Mở rộng làn đường trên đường Phạm Văn Đồng. Lắp đặt bổ sung đèn tín hiệu giao thông tại nhiều khu vực…

Trên các tuyến đường đang thi công dự án đường sắt đô thị, Sở Giao thông vận tải sẽ kiểm tra và thu hồi giấy phép rào chắn tại những đoạn chưa thi công; yêu cầu thu gọn rào chắn ở các vị trí đang thi công; điều chỉnh phương án rào chắn, chỉ cho thi công vào ban đêm và phải hoàn trả mặt đường vào ban ngày để phục vụ giao thông. Cũng trên các trục đường này, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thực hiện giảm tần suất một số tuyến xe buýt và hạn chế xe buýt lưu thông qua những khu vực có rào chắn. Cấm xe ta-xi hoạt động trong giờ cao điểm tại khu vực nút giao thông Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, đường Láng và một số khu vực khác. Yêu cầu Ban quản lý dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đẩy nhanh tiến độ phục hồi nút giao thông Trần Phú - Thanh Bình (cầu Trắng)… Cùng với các phương án tổ chức giao thông nói trên, các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tăng cường ứng trực hướng dẫn giao thông và đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm. Tới đây, các chợ hoa, cây cảnh trên các tuyến phố cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ, nhằm hạn chế ảnh hưởng tới giao thông.

Kế hoạch bảo đảm giao thông trong dịp Tết trên địa bàn Thủ đô được xây dựng chu đáo. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp quyết liệt, chặt chẽ của các ngành. Hơn nữa các kế hoạch điều chỉnh phương án tổ chức giao thông cần được thực hiện nhanh gọn, hạn chế ảnh hưởng tới việc đi lại của nhân dân. Các dự án phải khẩn trương hoàn thành đúng tiến độ. Cùng với đó, ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông của mỗi người dân góp phần không nhỏ tới việc giảm bớt những căng thẳng về giao thông dịp cuối năm tại Hà Nội.

Nguồn: Báo Nhân dân