Xử phạt vi phạm bằng hệ thống camera: Giải pháp mới nâng cao ý thức của người tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Ngày 05/01/2016
Năm 2015, TNGT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giảm đáng kể, tuy nhiên số người chết do TNGT vẫn ở mức cao, trong đó chủ yếu do ý thức tham gia giao thông của người dân. Xử phạt vi phạm giao thông bằng camera giám sát được xem là một giải pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân.

Theo báo cáo của Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk, năm 2015 toàn tỉnh xảy ra 475 vụ TNGT, làm chết 245 người, bị thương 462 người, hư hỏng 722 phương tiện các loại, thiệt hại tài sản trên 1,5 tỷ đồng, trong đó, có đến 230 vụ TNGT nghiêm trọng. Đáng chú ý, có 107 vụ (chiếm 16,5%) do người điều khiển phương tiện có lỗi gây tai nạn chết, 7 vụ (chiếm 3%) do lái xe tự ngã chết.

Từ con số đó cho thấy, ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật về giao thông của người dân vẫn chưa cao, còn đối phó khi không có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường. Thực tế cho thấy, ở các vị trí có chốt CSGT đứng làm nhiệm vụ, người dân vẫn vô tư vi phạm luật, với các lỗi phổ biến như: vượt đèn đỏ, đi sai phần đường, chạy xe quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm…

Cùng với lỗi chủ quan của người tham gia giao thông thì một yếu tố khách quan từ thực trạng phương tiện cá nhân phát triển nhanh chóng cũng là nguyên nhân dẫn đến TNGT diễn biến phức tạp. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện toàn tỉnh có trên 1,1 triệu phương tiện các loại, trong đó có gần 39.000 ôtô, đây là một thách thức không hề nhỏ đối với lực lượng chức năng trong việc quản lý phương tiện cá nhân và xử lý vi phạm do các phương tiện này gây ra.

Một đoạn đường khu vực nội thành gắn camera xử phạt vi phạm giao thông.

Nhằm hạn chế việc lập chốt kiểm tra tại các tuyến phố, bắt đầu từ ngày 7/9/2015, Phòng CSGT Công an tỉnh triển khai kế hoạch xử phạt vi phạm Luật giao thông đường bộ tại một số nút giao trọng điểm là cửa ngõ ra vào khu vực nội thành. Ưu điểm của biện pháp này là giảm thiểu khả năng gây ra ùn tắc giao thông do việc lập chốt của CSGT, nhất là trong các giờ cao điểm tại một số tuyến đường có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông cao. Đồng thời, đây cũng là một trong những giải pháp hạn chế tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng chức năng, đồng thời tránh tình trạng gọi điện cầu cứu người thân của người vi phạm. Những hình ảnh ghi lại qua camera là bằng chứng không thể chối cãi đối với người vi phạm. Camera giám sát có thể phát hiện được các lỗi như vượt đèn đỏ, sai làn đường, dừng, đỗ phương tiện không đúng nơi quy định, chạy quá tốc độ cho phép... Những lỗi này sẽ được truyền về máy tính ở Trung tâm điều khiển thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh; cán bộ, nhân viên sẽ căn cứ vào biển số xe, lỗi vi phạm, sau đó xác minh địa chỉ rồi gửi thông báo đến người vi phạm đến để tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính.

Việc lắp đặt các camera giao thông để xứ lý những trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ đang dần phát huy hiệu quả. Theo thống kê, từ tháng 9 đến nay, đã phát hiện trên 2.000 trường hợp ôtô vi phạm vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ cho phép, qua đó đã xử lý 402 trường hợp, tiếp tục gửi giấy mời lên xử lý đối với 817 trường hợp. Qua công tác phát hiện, xử phạt bằng camera cho thấy, ban ngày người tham giao thông vi phạm chủ yếu lỗi vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, còn thời điểm ban đêm lỗi phổ biến vi phạm tốc độ. Đáng chú ý, mặc dù trên đường nội thành mật độ tham gia giao thông cao, tốc độ tối đa cho phép đối với ôtô là 50km/giờ, nhưng một số tài xế cho xe phóng với tốc độ rất cao, nguy cơ TNGT khó tránh khỏi.

Đơn cử, qua hình ảnh camera ngày 10/9 trên đường H.H.T ghi lại cho thấy, 1 ôtô chạy với tốc độ 98 km/giờ, tốc độ vượt quá 48 km/giờ so với quy định; cùng ngày 1 ôtô của một hãng taxi trên địa bàn tỉnh chạy với tốc độ 84 km/giờ… Đại tá Nguyễn Văn Đức, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, việc xử lý vi phạm bằng camera giám sát vẫn còn những khó khăn, nhất là đối với những trường hợp xe vi phạm chưa sang tên đổi chủ sẽ mất thời gian để xác minh lại thông tin, đồng thời cũng gây không ít phiền phức cho chủ xe trước đó. Ông Đức cũng khẳng định, đối với những trường hợp sau khi nhận được giấy báo vi phạm mà vẫn cố tình không lên làm thủ tục nộp phạt, Phòng sẽ gửi danh sách cho lực lượng tuần tra bắt giữ, xử lý theo quy định.

Không chỉ có chức năng giám sát, điều phối, xử phạt, hệ thống camera còn góp phần rất lớn trong công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, xác minh nguyên nhân khi có tai nạn giao thông xảy ra. Việc xử phạt vi phạm giao thông bằng camera đã và sẽ tạo bước chuyển biến rõ nét cả về công tác điều hành, chỉ huy, phòng ngừa những nguy cơ xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông cũng như xử lý vi phạm theo hướng hiện đại, chính xác.

Nguồn: Báo Đắk Lắk