Cần có cơ chế đặc thù để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc

Ngày 10/11/2016
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được Chính phủ và Bộ GTVT giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng, quản lý khai thác, thu phí hoàn vốn các dự án đường cao tốc. Hình thức đầu tư các dự án đường cao tốc của VEC phù hợp với hình thức Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh hoàn vốn (BOO), là một trong các hình thức đầu tư PPP theo quy định của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Hình thức đầu tư này đã được nhiều quốc gia áp dụng như Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Phát huy vai trò doanh nghiệp nòng cốt đầu tư các tuyến đường cao tốc

VEC đã và đang được Chính phủ và Bộ GTVT giao làm Chủ đầu tư để thực hiện đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, thu phí hoàn vốn 06 dự án đường cao tốc và thực hiện cơ chế chính sách theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong đầu tư và khai thác.

Cụ thể, VEC được áp dụng cơ chế vay lại các nguồn vốn vay thương mại của các tổ chức tài chính quốc tế như nguồn OCR của ADB, nguồn IBRD của WB và huy động vốn chủ sở hữu của VEC để thực hiện đầu tư các dự án, được Chính phủ bảo lãnh khi vay vốn thương mại và phát hành trái phiếu công trình.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chụp từ trên cao (Ảnh: Zing.vn)

Chính phủ hỗ trợ đầu tư trực tiếp vào dự án thông qua các hình thức cấp phát vốn vay ODA, vốn Ngân sách nhà nước để đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính các dự án. Phần vốn hỗ trợ đầu tư của Nhà nước sau đó được hạch toán chuyển thành vốn điều lệ của VEC để bảo toàn và hoàn vốn sau khi hoàn vốn phần vốn VEC huy động.

Cùng với đó, VEC được thu phí trước tiên để hoàn vốn phần vốn VEC vay và huy động, sau đó tiếp tục hoàn phần vốn Nhà nước cấp phát ODA, phần hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước và để tái đầu tư các dự án mới.

Dòng tiền VEC thu được từ các dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức – Long Thành được hòa chung để hỗ trợ cho nhau khi thanh toán các khoản nợ đến hạn, thiếu hụt tạm thời theo phương án tài chính được duyệt.

Với những cơ chế nêu trên, VEC đã và đang thực hiện thành công 6 dự án đường cao tốc, trong đó có 05 dự án thuộc trục cao tốc Bắc – Nam với tổng chiều dài 582,8km, chiếm trên 50% tổng chiều dài các tuyến đường cao tốc đã và đang thực hiện trên toàn quốc, tổng vốn đầu tư huy động cho 06 dự án là 134.315 tỷ đồng. Trong 06 dự án này có 03 dự án đã được đưa vào vận hành khai thác, 02 dự án đang triển khai thi công, 01 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án và Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư dự án.       

Các dự án của VEC đưa vào khai thác bước đầu đã được xã hội ghi nhận và đánh giá cao, góp phần tăng trưởng kinh tế của các địa phương nơi có dự án đi qua, giúp tiết kiệm chi phí vận tải so với lưu thông theo lộ trình cũ từ 15 – 30%. Lưu lượng tham gia giao thông trên các dự án của VEC tăng trưởng từ 20 – 25% trong những năm đầu đưa vào khai thác.

Với mô hình của VEC đã được Bộ GTVT đánh giá, tổng kết sau 10 năm hoạt động và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, theo đó Bộ GTVT đã khẳng định mô hình đúng đắn của VEC và VEC đã phát huy được vai trò là doanh nghiệp nòng cốt trong đầu tư phát triển đường bộ cao tốc tại Việt Nam.

Bên cạnh những thuận lợi, thành công như đã nêu ở trên, để tiếp tục phát triển Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đang gặp những khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của VEC, đó là VEC hiện tại là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV và đang chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần nhà nước chiếm giữ 75% vốn điều lệ trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện nhiệm vụ thu hút các nguồn vốn, bao gồm huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư xây dựng và quản lý khai thác đường cao tốc quốc gia. Do vậy thực hiện Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ  về lựa chọn nhà đầu tư,  VEC không đủ điều kiện để tham gia đấu thầu các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP do Bộ Giao thông vận tải quản lý.

Bên cạnh đó, hiện tại vốn điều lệ của VEC mới có 1.000 tỷ đồng, đang được Bộ Tài chính xem xét để điều chỉnh tăng lên 72.602 tỷ đồng từ nay đến năm 2019 theo văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đầu tư dự án đường cao tốc cần huy động nguồn vốn lớn và hiện nay VEC đã nợ trên 50 nghìn tỷ đồng để đầu tư 5 dự án do vậy khi thực hiện Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công thì việc huy động vốn tiếp theo theo hình thức vay thương mại, phát hành trái phiếu công trình gặp rất nhiều khó khăn và khó thực hiện được.

VEC đã được xác định là đơn vị nòng cốt trong đầu tư, phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Quốc gia, được áp dụng thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù trong đầu tư và vận hành khai thác đường cao tốc. Để tiếp tục phát triển VEC cần có một cơ chế hoạt động ổn định từ cơ chế đầu tư, huy động vốn đến cơ chế quản lý tài chính các dự án của VEC trong thời gian khai thác, đặc biệt là có sự đầu tư trực tiếp từ vốn của Nhà nước khi đầu tư các dự án khả năng thu phí hoàn vốn thấp.

Đầu tư các dự án đường bộ cao tốc theo hình thức PPP

Để phát huy vai trò nòng cốt trong đầu tư, phát triển đường cao tốc quốc gia, VEC xác định nhiệm vụ trong 5 năm (2016 - 2020), ngoài các dự án VEC đã và đang thực hiện khoảng 580km, VEC tiếp tục tham gia đầu tư gần 500km đường cao tốc để góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ GTVT là xây dựng hoàn thành 2000km đường cao tốc vào năm 2020.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, VEC đề xuất một số cơ chế và giải pháp đầu tư dự án do VEC thực hiện, cụ thể VEC được tiếp tục thực hiện cơ chế chính sách theo Quyết định 1202/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về huy động vốn và về thu phí hoàn vốn và kinh doanh khai thác. VEC được tham gia đấu thầu các dự án đường cao tốc đầu tư theo hình thức PPP bằng cách thành lập các công ty cổ phần dự án trên cơ sở liên doanh hoặc liên kết với các nhà đầu tư trong và ngoài nước mà VEC là cổ đông với 29% vốn điều lệ (trên cơ sở sử dụng vốn điều lệ của VEC để giao), được sử dụng kinh nghiệm,  năng lực quản lý của VEC để tham gia đấu thầu. VEC được huy động vốn để thực hiện xây dựng dự án theo hợp đồng liên doanh góp vốn đầu tư.

VEC đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vốn điều lệ với giá trị là 72.602 tỷ đồng và được Nhà nước và Bộ Tài chính, Bộ GTVT giao dần từ nay đến năm 2019. Do vậy trong huy động vốn để đầu tư VEC được sử dụng giá trị vốn điều lệ 72.602 tỷ đồng để thực hiện, bảo đảm đúng quy định của Luật Đầu tư công và Luật Quản lý nợ công. Các dự án VEC đã được giao làm chủ đầu tư, được đầu tư theo phương thức thu phí hoàn vốn sẽ được chuyển thành phương thức đầu tư BOO. Căn cứ vào phương án tài chính được duyệt, VEC được ký hợp đồng với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để VEC hoạt động theo chế độ tự chủ về tài chính nhằm chủ động trong việc huy động vốn và sử dụng vốn để đầu tư các dự án tiếp theo.

Các dự án VEC đang quản lý khai thác có nguồn vốn đầu tư trực tiếp của Nhà nước. Theo phương án tài chính, ưu tiên hoàn vốn VEC huy động. Sau khi hết thời gian hoàn vốn, VEC được Nhà nước giao tiếp tục thu phí để tạo nguồn vốn đầu tư dự án mới và được coi nguồn vốn này là vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án và giao VEC quản lý. Đối với các dự án đường cao tốc sử dụng hỗn hợp nguồn vốn ODA, NSNN và vốn vay thương mại OCR/IBRD của các ngân hàng quốc tế và nguồn vốn khác do VEC huy động để đầu tư trực tiếp như dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức – Long Thành, giao VEC là Chủ đầu tư và quản lý các dự án này.

Về một số cơ chế cụ thể và phương thức thực hiện dự án cụ thể trên tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, VEC đề xuất áp dụng các cơ chế để phối hợp với các Nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện đầu tư dự án theo các hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh hoàn vốn (BOO)…,

Cụ thể, VEC phối hợp với các Nhà đầu tư ứng vốn thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đề xuất dự án, ưu tiên các đoạn tuyến đường cao tốc gần các thành phố lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,…), các tuyến ra cảng biển lớn và tuyến nối với các đường cao tốc mà VEC đang đầu tư, khai thác. Trên cơ sở tính khả thi của Đề xuất, Nhà nước chỉ định VEC và Nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo hình thức PPP (áp dụng Điểm c, Khoản 4, Điều 22 của Luật đấu thầu).

Huy động vốn để thực hiện dự án theo cơ chế và cơ cấu nguồn vốn, VEC và Nhà đầu tư huy động vốn để thực hiện dự án, trong đó phần vốn VEC lấy từ nguồn như vốn dư từ các dự án đã thực hiện, thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ, chuyển nhượng quyền thu phí hoặc quyền khai thác các dự án, phát hành trái phiếu công trình, vay thương mại... Nhà đầu tư tham gia huy động vốn từ vốn chủ sở hữu và các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Phần vốn góp của Nhà nước để đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính các dự án (vào khoảng 40% tổng mức đầu tư), huy động từ các nguồn vốn vay ODA, Ngân sách nhà nước áp dụng cơ chế cấp phát cho VEC hoặc cơ chế VEC vay lại nhưng sẽ thu phí hoàn phần vốn này sau khi đã hoàn phần vốn VEC và Nhà đầu tư huy động, hoặc cơ chế Nhà nước đầu tư xây dựng 01 hợp phần của dự án và giao VEC khai thác toàn bộ dự án.

VEC là Nhà đầu tư, được phép thực hiện một số nhiệm vụ của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để quản lý dự án (theo phương thức thành lập Ban QLDA). VEC được giao quản lý, sử dụng phần vốn góp của Nhà nước (nguồn ODA cấp phát, nguồn Ngân sách nhà nước) để đầu tư xây dựng dự án. Nhà đầu tư và VEC thành lập Doanh nghiệp dự án để thực hiện phần vốn VEC và Nhà đầu tư huy động.

Nhà nước ký hợp đồng BOT với Nhà đầu tư dự án để thực hiện dự án và hoàn vốn phần vốn VEC và Nhà đầu tư huy động. Sau khi kết thúc hợp đồng BOT, Dự án được bàn giao cho VEC để VEC khai thác hoàn phần vốn Nhà nước góp vào dự án hoặc hoàn phần vốn VEC vay lại thay cho phần vốn Nhà nước góp vào dự án. Nhà nước tiếp tục giao VEC quản lý khai thác các tuyến đường cao tốc sau khi hết thời hạn hoàn vốn để quản lý, vận hành, bảo trì, duy tu, nâng cấp mở rộng các tuyến đường cao tốc cũng như để đầu tư dự án mới.

VEC ứng trước kinh phí để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế kỹ thuật và giải phóng mặt bằng các tuyến đường cao tốc thuộc cao tốc Bắc - Nam bằng nguồn vốn của VEC và vốn dư từ các dự án đã đầu tư. Phần vốn này và lãi suất sẽ được tính là phần vốn góp của VEC vào Doanh nghiệp dự án.

Để huy động được các nhà đầu tư nước ngoài và nguồn vốn vay nước ngoài với lãi suất hợp lý, cần có cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư như: bảo lãnh doanh thu; cam kết cho việc chuyển đổi ngoại tệ; bảo lãnh tỷ giá hối đoái; bảo lãnh khoản vay.

Dựa trên những cơ chế, giải pháp chính như đã nêu ở trên, đối với các dự án cụ thể, tùy theo đặc thù của mỗi dự án, VEC sẽ có thêm đề xuất chi tiết cho từng dự án.

Tuấn Anh