Có nên thu phí cao tốc theo giờ cao điểm, thấp điểm?

Ngày 15/02/2017
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa đề xuất phương án điều chỉnh mức phí qua trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo giờ. Theo đó, mức phí vào giờ cao điểm sẽ tăng gấp hai lần, đồng thời vào giờ thấp điểm sẽ giảm một nửa với mục đích kéo giảm ùn tắc giao thông.

Trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được VEC đề xuất thu mức phí theo giờ

Trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được VEC đề xuất thu mức phí theo giờ

Thu phí cao tốc tăng giảm theo giờ cao điểm, thấp điểm?

Trao đổi cụ thể với Báo Giao thông, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết, đơn vị vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT chấp thuận phương án điều tiết giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trong đó, VEC kiến nghị điều chỉnh mức cước phí tăng gấp 2 lần vào các khung giờ cao điểm (từ 7h - 19h) và điều chỉnh giảm 1/2 mức phí vào giờ thấp điểm (từ 19h - 7h sáng hôm sau) so với mức phí hiện tại đang áp dụng. Mức phí cụ thể của từng loại phương tiện sẽ được VEC tính toán và áp dụng trên cơ sở biểu đồ phân bổ lưu lượng giao thông.

“Đây là một trong những phương án để điều tiết giao thông bằng hình thức kinh tế, nhằm khuyến khích các phương tiện giao thông đi vào các giờ thấp điểm và thông qua hình thức này để chủ phương tiện tự điều tiết”, ông Mai Tuấn Anh nói và cho biết, thời gian thử nghiệm phương án dự kiến tiến hành trong 3 tháng. Sau đó, căn cứ thực tế, VEC sẽ phân tích, đánh giá tình hình thực hiện và báo cáo Bộ GTVT xem xét, quyết định điều chỉnh cho phù hợp.

Lý giải về đề xuất trên, ông Mai Tuấn Anh cho biết, năm 2016, lưu lượng xe lưu thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đạt khoảng 14 triệu lượt xe, trung bình 37 nghìn lượt xe/ngày - đêm, tăng mạnh so với năm 2015. Sự tăng trưởng nhanh về lưu lượng xe dẫn đến tình trạng ùn ứ tại các trạm thu phí vào các ngày cuối tuần, các ngày lễ, Tết, đặc biệt là theo chiều từ Dầu Giây về TP.HCM khi các phương tiện lưu thông qua trạm thu phí Long Phước.

Về lộ trình thực hiện, chia sẻ với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) cho biết, đơn vị dự kiến thời gian triển khai thí điểm giải pháp thu phí theo khung giờ trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trong quý I/2017. “Việc áp dụng giải pháp này sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới công nghệ thu phí hiện tại như: Phải cập nhật, thay đổi lại hệ thống phần mềm thu phí, kế toán, giám sát thu phí. Đồng thời, hệ thống quản lý vé thẻ sẽ phức tạp hơn do phải phân chia thành nhiều loại vé/thẻ theo từng khung giờ khác nhau”, bà Phương cho biết.

Trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được VEC đề xuất thu mức phí theo giờ

Một đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây 

Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều

Đồng tình với đề xuất của VEC, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, phương án này giống như việc các sân bay thu giá dịch vụ vào giờ cao điểm khác với giờ thấp điểm để khuyến khích các hãng bay đêm. “Doanh nghiệp vận tải chạy tuyến cố định chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, nhưng doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại cho phù hợp nếu muốn chi phí đầu vào thấp. Bên cạnh đó, các bến xe cũng phải nhập cuộc, tính toán để phục vụ doanh nghiệp và người dân đi xe vào ban đêm. Doanh nghiệp vận tải cũng chỉ là bộ phận nhỏ và chính sách không thể phục vụ riêng một bộ phận nào”.

“Điều quan trọng là khi phương tiện đi nhiều vào ban đêm, các cơ quan quản lý cần chú ý đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, ATGT và ANTT. Tôi cho rằng, phương án thu phí đường cao tốc theo khung giờ là giải pháp nên nghiên cứu. Vấn đề là nếu tăng giá lên gấp đôi vào giờ cao điểm phải thận trọng trong tính toán mức phí và thời điểm áp dụng”, ông Thanh nói.

Trong khí đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, đề xuất của VEC cũng là một sáng kiến. Tuy nhiên, xe đi ban ngày hay ban đêm lại phụ thuộc vào nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, mà nhu cầu sản xuất, kinh doanh không phụ thuộc vào ngày hay đêm mà nó là một quá trình liên tục. Vì vậy, việc khuyến khích người dân đi ban đêm cũng không phải là giải pháp khoa học để chống ùn tắc. Tôi cho rằng, để chống ùn tắc còn nhiều giải pháp khác, trong đó có phát triển hạ tầng. Chúng ta có thể thấy rõ nhất trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ. TP Hà Nội có gần 10 triệu dân mà ở phía Nam lại chỉ có một trục đường chính vào Thủ đô.

“Theo tôi, Hà Nội phải có đường cao tốc hướng tâm thứ hai từ phía Nam để đi vào trung tâm. Hiện nay, nếu như tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ mà có sự cố, toàn bộ hướng phía Nam sẽ xảy ra ùn tắc. Vì vậy, nên tăng cường giải pháp phát triển hạ tầng giao thông, không nên áp dụng giải pháp đánh vào túi tiền của người dân”, ông Liên bày tỏ.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp vận tải, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại Đất Cảng cho rằng, nếu chỉ dựa vào lý do chống ùn tắc để tăng hay giảm mức phí thì không có căn cứ. “Hành khách đi xe vào ban đêm rất thấp nên việc tăng phí vào ban ngày, giảm phí vào ban đêm là phương án tận thu, sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân”, ông Hải nói và đưa ra giả thuyết về mặt kinh tế, một cung đường của doanh nghiệp ban ngày chạy 50 chuyến, ban đêm chỉ có 10 chuyến. Trong khi 50 chuyến phải chịu mức phí tăng gấp đôi, 10 chuyến giảm được một nửa. “Lúc này doanh nghiệp phải chịu thêm mức phí tăng thêm gần 80%”, ông Hải phân tích.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và du lịch Hà Lan cho rằng, đi ban ngày hay ban đêm sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của người dân. Vận tải hành khách có biểu đồ giờ thấp điểm và giờ cao điểm và người dân chủ yếu đi lại vào khung giờ 6h - 19h. “Nếu tăng phí vào khung giờ ban ngày thì cuối cùng vẫn đổ lên đầu người dân, còn doanh nghiệp kinh doanh sẽ điều chỉnh giá khi các chi phí đầu vào tăng”, ông Hà nói.

Thu phí cao tốc theo giờ ở các nước trên thế giới

Bộ Giao thông Nhật Bản đang nghiên cứu dự thảo thu phí đường cao tốc theo giờ để điều chỉnh lưu lượng xe, hạn chế tắc đường. Tờ Nikkei cho biết, Chính phủ sẽ xác định những khung giờ cụ thể tăng/hạ phí để người điều khiển phương tiện không bị rối loạn, mơ hồ. Cụ thể, trên đường cao tốc Shuto Expressway, thông thường người điều khiển phải trả phí cố định khoảng từ 500-900 yên (tương đương 4,87USD - 8,77USD) tùy từng chặng. Với đề xuất mới, phí đường bộ sẽ tăng khoảng 200 yên vào giờ cao điểm, đông xe. Hay tại Đài Loan (Trung Quốc), từ khi áp dụng thu phí không dừng (ETC), Đài Loan áp dụng thu phí theo km, điều chỉnh linh hoạt tùy thời điểm để đảm bảo công bằng và rẻ hơn. Dưới 20km, không phải trả phí; Trên 200km, sẽ được giảm giá. Đặc biệt dịp lễ, Tết, để khuyến khích mọi người di chuyển sớm, phân tán lưu lượng xe, tránh tắc đường, phí được giảm 20% so với ngày thường.

Nguồn: Báo Giao thông