Hiệu quả từ đầu tư các tuyến đường cao tốc

Ngày 10/11/2016
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hiện là Chủ đầu tư 6 tuyến đường cao tốc; trong đó, có 3 tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác với tổng chiều dài 350km (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai và TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây), 02 tuyến cao tốc đang thi công (Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Bến Lức – Long Thành) và 01 tuyến đang triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư (Hà Nội – Lạng Sơn đoạn Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (Km1+800 – Km44+749,67)).

Các tuyến cao tốc sau khi đưa vào khai thác đã mang lại hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế, những lợi ích to lớn về mặt xã hội, an ninh-quốc phòng, góp phần xóa đói giảm nghèo và hoàn thành mục tiêu 2.000km đường cao tốc vào năm 2020 của nước ta.

Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành phân tích: Phát triển đường cao tốc ở Việt Nam là nhu cầu cần thiết khi đạt mốc thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD/người/năm. Các tuyến cao tốc đã tác động rõ nét đến phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, nhất là các địa phương ven tuyến.

Các tuyến đường cao tốc đang phát huy hiệu quả phát triển KT-XH, đảm bảo AN-QP

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT đánh giá, trong thời gian qua, những tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác như Nội Bài - Lào Cai… đã mang lại hiệu quả tích cực. “Qua khảo sát cho thấy, sản lượng vận tải cả hành khách và hàng hóa đều tăng lên, thời gian rút ngắn, góp phần giảm chi phí”, ông Trần Bảo Ngọc chia sẻ: Hiện nay, chi phí logistic (hậu cần, kho vận…) của nước ta chiếm khoảng 20% trong tổng GDP. Do vậy, cước vận tải giảm xuống góp phần giảm chi phí sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần cải thiện môi trường đầu tư cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngoài hiệu quả kinh tế-xã hội, ông Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông C67 cho rằng: các tuyến cao tốc khi đưa vào khai thác đã tác động đến việc chuyển biến nhận thức của người tham gia giao thông trên đường cao tốc. Thông qua đó xây dựng được văn hóa giao thông rõ nét hơn. Và đây cũng là cơ sở để tiếp cận với cách xây dựng ý thức tham gia giao thông của người tham gia giao thông.

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ

Là tuyến giao thông huyết mạch trong hệ thống đường bộ cao tốc Bắc – Nam, việc đưa tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vào khai thác đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, các địa phương lân cận và cả nước; giúp các tỉnh giao thương thuận tiện và nhanh chóng, góp phần hình thành và thúc đẩy các ngành nghề, các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển; góp phần giảm ách tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1…

Đây là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam nối cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam Đồng bằng Bắc Bộ. Dự án là một phần của tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, nối dài đường cao tốc từ Bắc Giang qua Bắc Ninh – Hà Nội – Pháp Vân – Cầu Giẽ tới Ninh Bình và chuẩn bị đi tiếp tới Thanh Hóa rồi tới Vinh.

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Dự án góp phần tăng cường năng lực vận tải hành lang phía Nam của tam giác phát triển kinh tế phía Nam đồng bằng Bắc Bộ (gồm Hà Nội – Hà Nam – Hưng Yên – Nam Định – Ninh Bình), tạo điều kiện liên kết với Khu du lịch tâm linh Chùa Bái Đính, Khu danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình).

Cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ và thuận tiện chính là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư và tăng khả năng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp. Công nghiệp địa phương cũng có nhiều đột phá.

Cụ thể, năm 2010, khi tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chưa đi vào khai thác, tỉnh Hà Nam mới chỉ có 02 khu công nghiệp Đồng Văn I và Đồng Văn II. Đến nay, Tỉnh đã có 07 khu công nghiệp. Riêng năm 2015, Hà Nam đã thu hút khoảng 70 dự án đầu tư mới – Đây cũng là cơ hội cho hàng trăm công nhân có việc làm ổn định ngay trên quê hương. Anh Nguyễn Văn Quân – Công ty CP Nhựa châu Âu (Khu công nghiệp Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) cho biết: không gì vui hơn làm việc gần nhà, gần bố mẹ, ông bà; có gia đình rồi, được gần vợ, gần con.

Từ đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đến Khu công nghiệp Đồng Văn tỉnh Hà Nam chỉ chưa đầy 100m. Yếu tố này đã khiến cho Công ty TNHH KMW Việt Nam quyết định đầu tư ngay 100 triệu USD để mở xưởng sản xuất tại đây. Ông Kim Si Sung – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH KMW Việt Nam nhận xét: chỉ vài chục bước chân thôi thì các xe hàng của chúng tôi đã ra đến đường cao tốc để di chuyển. Chúng tôi là doanh nghiệp sản xuất thiết bị viễn thông xuất khẩu ra nước ngoài nên yếu tố thời gian vận chuyển là rất quan trọng.

Cũng là một địa phương được hưởng lợi từ giao thông, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cho biết chỉ sau 3 năm cao tốc Cầu Giẽ - Nình Bình thông xe, du khách đến với các Khu du lịch Tràng An, Chùa Bái Đính, Tam Cốc, Bích Động ngày càng tăng. Từ giao thông, du lịch, GDP của Tỉnh cũng tăng lên rất nhiều so với trước đây.

Chưa đầy 1km – đó là khoảng cách từ nút giao Liêm Tuyền đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đến địa điểm xây dựng Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2). Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Chỉ mất 5-10 phút để đi từ Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2) xuống thành phố Phủ Lý và ngược lại, như vậy rất thuận tiện cho việc vận chuyển và cấp cứu bệnh nhân.

Cách đó không xa, Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2) cũng được xây dựng với số vốn lên tới 5.000 tỷ đồng. Tiêu chí về giao thông của dự án được đặt lên hàng đầu khi lựa chọn địa điểm xây dựng bệnh viện. Bà Nguyễn Thị Bích Hường – Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức đánh giá: nếu đường xóc trong vận chuyển cấp cứu bệnh nhân ngoại khoa nhiều khi chảy máu thêm rất nguy hiểm, nhưng nếu đường tốt, tốc độ di chuyển nhanh mà lại êm thì rất đỡ cho người bệnh.

Theo đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, khoảng cách đi lại giữa cơ sở 1 và 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức chỉ khoảng 50km, thời gian đi lại trung bình chưa đến 50 phút. Ngoài ra, trên tỉnh bàn Hà Nam cũng có các tuyến đường bộ kết nối vùng như QL1A, QL21A, tạo thuận tiện khám chữa bệnh cho người dân tỉnh Hà Nam và các tỉnh Bắc Trung Bộ. Không chỉ có Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, sau khi có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nam còn tiếp nhận thêm một dự án y tế khác là Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2). Khi hệ thống đường cao tốc được kết nối, còn giúp tiết giảm chi phí đầu tư các cơ sở hạ tầng khác.

Từ khi đưa tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vào khai thác, các đường giao thông, nút giao từ Đại Xuyên đến Cao Bồ đã giảm thiểu tình trạng ùn tắc, đảm bảo giao thông an toàn.

Anh Lê Xuân Tùng ở huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội đánh giá: từ khi cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được mở ra, các đường giao thông, nút giao từ Đại Xuyên đến Hà Nam hầu như không ùn tắc và giao thông rất an toàn. Nhà nước mở ra tuyến đường này rất phù hợp cho người tham gia giao thông…

Anh Hoàng Hữu Nhân, nhà ở quận Tây Hồ - Hà Nội, là một lái xe chuyên nghiệp chuyên đi tuyến Hà Nội – Ninh Bình và Thanh Hóa, thường xuyên lưu thông trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình nhận xét: lưu thông trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được nhanh hơn, thông thoáng hơn và thời gian rút ngắn được nhiều; phương tiện lưu thông rất tốt…

Không chỉ vậy, lưu thông trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, các phương tiện và chủ doanh nghiệp vận tải còn tiết kiệm được tối đa nhiên liệu, giảm thiểu chi phí đi lại (12-15%) so với lưu thông trên tuyến quốc lộ cũ. Đặc biệt, tuyến cao tốc đã góp phần giảm áp lực giao thông và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A.

Từ khi thông xe kỹ thuật 20km đầu tiên (ngày 14/11/2011), tính đến nay tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã phục vụ khoảng 29 triệu lượt phương tiện; bình quân 23.000-25.000 lượt phương tiện/ngày đêm; lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc này trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam nối cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam Đồng bằng Bắc Bộ. Dự án là một phần của tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, nối dài đường cao tốc từ Bắc Giang qua Bắc Ninh – Hà Nội – Pháp Vân – Cầu Giẽ tới Ninh Bình và chuẩn bị đi tiếp tới Thanh Hóa rồi tới Vinh.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất Việt Nam, với tổng chiều dài 245km

Với chiều dài 245km, giữ “kỷ lục” về chiều dài trong số các tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đánh giá là bước đột phá lớn của toàn ngành Giao thông vận tải (GTVT), tạo đà dịch chuyển kinh tế-xã hội, đòn bẩy tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) cho các tỉnh khu vực miền Tây Bắc; góp phần kết nối các khu vực nghèo, vùng sâu vùng xa của Tây Bắc với các trung tâm kinh tế, tạo đà phát triển phía hữu ngạn sông Hồng, khu vực Tây Bắc.

Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai đã có sự tăng trưởng vượt bậc về vận tải hàng hóa và hành khách, nhất là các tỉnh Yên Bái, Lào Cai đã có sự tăng trưởng 21% đối với vận tải hàng hóa và 15% đối với vận tải hành khách.

Như tỉnh Lào Cai – cửa ngõ vùng Tây Bắc, sau khi tuyến cao tốc này đi vào hoạt động thì hoạt động giao thương tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai phát triển mạnh. Đặc biệt, ngành Du lịch của Lào Cai đã tăng trưởng mạnh sau khi cao tốc Nội Bài – Lào Cai được thông xe toàn tuyến. Cụ thể, năm 2015, du lịch Sa Pa đã tăng trưởng hơn 40% so với trước, lượng khách đến Sa Pa tăng gần 2 lần. Theo đó, không gian du lịch sẽ được mở rộng và chủ động hơn để đón khách. Hàng loạt những địa danh như: Đền Hùng, vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ); Mù Cang Chải, lòng hồ Thác Bà (Yên Bái); Sa Pa, Bát Xát với đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, Phan Xi Păng, đèo Ô Quy Hồ và Bắc Hà – Mường Khương – Xi Ma Cai cùng nền văn hoá đa dạng của các dân tộc bản địa sẽ được kết nối dễ dàng hơn với du khách khắp trong và ngoài nước.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những dự án đường 
cao tốc có quy mô lớn nhất Việt Nam, với tổng chiều dài 245km

Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển tài nguyên du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai) cho biết: Mặc dù đã có sự chuẩn bị trước khi tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi vào hoạt động nhưng chúng tôi vẫn ngỡ ngàng, không kịp trở tay. Trước đây khách chủ yếu đi tàu, theo tour du lịch, nhưng giờ đường đi dễ, các gia đình, nhóm cá nhân có xe riêng thường thích tự lái xe lên Sa Pa vào cuối tuần. Lượng khách đổ về tăng đột biến khiến chúng tôi không kịp chuẩn bị bãi đỗ xe cùng các dịch vụ kèm theo như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan... Để tháo gỡ khó khăn, bà Vượng chia sẻ, trước mắt Tỉnh sẽ xây thêm bãi đỗ xe tại thị trấn Sa Pa và các đầu nút giao thông ở đường cao tốc. Trong tương lai, Lào Cai sẽ tham gia vào dự án EU, giúp hỗ trợ xây dựng các sản phẩm du lịch dọc tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai.

Báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Lào Cai cho thấy, “tổng doanh thu vận tải và dịch vụ vận tải do địa phương quản lý trong năm 2015 đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2014”.

Với các doanh nghiệp thì lợi ích còn lớn hơn nhiều vì chi phí đầu vào trực tiếp giảm, khấu hao tài sản kéo dài hơn và thời điểm giao-nhận các đơn hàng cũng được đảm bảo. Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại - Vận tải và Tư vấn kỹ thuật (Lào Cai), đơn vị đang có 22 xe ôtô đầu kéo (rơ-móoc) nhận định: “Tình trạng tắc đường trên tuyến Quốc lộ 70 trước đây luôn là điều rủi ro lớn nhất với doanh nghiệp, không ít chuyến hàng, chúng tôi đã phải chịu thua lỗ để giữ uy tín với đối tác. Giờ đây đã khác, tổng doanh thu của Công ty trong năm 2015 ước đạt 230 tỷ đồng, tăng 140 tỷ đồng so với năm 2014. Điều quan trọng hơn là giá cước vận tải hàng hóa từ Lào Cai tới cảng Hải Phòng đã giảm từ 450.000 đồng/tấn (năm 2014) xuống 230.000 đồng/tấn như hiện nay”.

Nói như vậy để thấy, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khai thác buộc ngành Đường sắt phải đổi mới chất lượng phục vụ để cạnh tranh với vận tải đường bộ.

Sau hơn 2 năm đưa vào khai thác, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã giúp cho dịch vụ vận tải nói riêng và ngành Giao thông Lào Cai nói chung đổi mới cả về số lượng và chất lượng.

Cuối năm 2015, tại buổi làm việc với Bộ trưởng GTVT, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh đã thông báo với Bộ trưởng một thông tin ấn tượng: Năm 2015, nhờ có tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, GDP của Tỉnh đã tăng trưởng 3.500 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Thanh Dương nhận định, đường cao tốc đã góp phần quan trọng giúp tổng doanh thu vận tải và dịch vụ vận tải do địa phương quản lý tăng mạnh, năm 2015 đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2014; lượng khách đến Lào Cai hàng năm tăng bình quân trên 20%. Trước đây, mặc dù sở hữu nhiều “địa chỉ đỏ” về du lịch, song mỗi năm tỉnh Lào Cai phải chật vật mới thu hút từ 1 đến 1,2 triệu khách du lịch. Năm 2015, tỉnh đã đón 2,5 triệu lượt khách, trong đó, lượng khách quốc tế tăng cao, đóng góp doanh thu cho ngành Du lịch gần 1.500 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2020, con số 5 triệu khách du lịch/năm có thể thành hiện thực. Tỉnh đã tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được xây dựng đồng bộ. Trong đó, khu thương mại công nghiệp Kim Thành có quy mô lớn nhất vùng biên giới Tây Bắc, là cầu nối quan trọng của trục hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) với Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, tạo sức hút lớn cho tỉnh Lào Cai huy động nguồn lực đầu tư.

Tại Hội nghị nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc do VEC đầu tư và quản lý (Khu vực phía Bắc) tổ chức ngày 20/5/2016, hầu hết ý kiến các đại biểu đều đánh giá rất cao những lợi ích kinh tế-xã hội các tuyến cao tốc mang lại, đặc biệt là tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đã thúc đẩy phát triển kinh tế cho cả vùng Tây Bắc – như lời ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá, đã và đang tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc sống, không chỉ của người dân Yên Bái, mà cả 5 tỉnh tuyến cao tốc đi qua; hay như nhận xét của Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông C67 Nguyễn Hữu Dánh: hiệu quả của các tuyến cao tốc là rất rõ nét và không ngừng nâng lên. Nội Bài – Lào Cai từ chỗ chỉ phục vụ 3.000 phương tiện/ngày đêm, giờ đã nâng lên 17.000 – 18.000 phương tiện/ngày đêm và ngày càng nhiều hơn – “Đất lành chim đậu, đường tốt thì phương tiện đến”.

Nếu như trước đây, từ sân bay Nội Bài, các doanh nghiệp chỉ có thể vận chuyển hàng hóa qua tuyến QL2 thì nay có thêm sự lựa chọn mới, đó là đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Số dự án, vốn đăng ký đầu tư ngày càng gia tăng, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút gần 800 dự án đầu tư trong và ngoài nước với số vốn lên tới trên 3 tỷ USD.

Không chỉ mang lại hiệu quả một cách rõ rệt, việc đưa tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai vào khai thác còn giảm bớt áp lực, góp phần giảm thiểu tắc nghẽn và tai nạn giao thông trên các tuyến Quốc lộ 2, Quốc lộ 2B, Quốc lộ 32C, Quốc lộ 4E và Quốc lộ 70. Đặc biệt, sau khi cao tốc Nội Bài – Lào Cai thông xe, 96% xe tải nặng và 79% xe con lưu thông trên Quốc lộ 70 đã chuyển dịch sang lưu thông trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, giúp giảm áp lực giao thông, tai nạn giao thông, chi phí bảo hiểm và đền bù cho những vụ tai nạn, sự cố giao thông. Bên cạnh đó, 100% số doanh nghiệp vận tải khách tuyến Hà Nội - Lào Cai đã chuyển sang chạy đường cao tốc, bởi lưu thông trên tuyến Quốc lộ 70 trước đây luôn tiềm ẩn rủi ro vì tắc đường, tai nạn... Khi trên tuyến có nhiều doanh nghiệp tham gia khai thác, giá cước vận tải giảm mạnh và chất lượng phục vụ khách hàng được cải thiện.

Đối với doanh nghiệp vận tải hàng hóa, lợi ích kinh tế mang lại khi sử dụng đường cao tốc cũng không hề nhỏ. Khi chưa có đường cao tốc, xe chở hàng khi lưu thông trên một số tuyến quốc lộ thường xuyên đối mặt với tình trạng ùn tắc, hàng hóa hư hỏng do thời gian vận chuyển kéo dài. Đường cao tốc đã khắc phục được tình trạng này, bảo đảm các đơn hàng được giao nhận đúng cam kết. Bên cạnh đó, cước phí vận chuyển hàng hóa cũng được kéo giảm đáng kể.

Từ khi đưa vào khai thác đến nay, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giúp các phương tiện giảm một nửa thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai từ 7 giờ xuống còn 3,5 giờ, từ Hà Nội đi Yên Bái chỉ còn hơn 2 giờ, đồng thời cũng rút ngắn một nửa thời gian đi lại giữa các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ,… Ngay cả một tỉnh lân cận như Lai Châu, từ khi cao tốc Nội Bài – Lào Cai đưa vào khai thác, lượng khách du lịch, hàng hóa và thu ngân sách của Tỉnh đều tăng cao; giảm đáng kể thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lai Châu chỉ mất 6 tiếng đồng hồ so với trước đây khoảng 10-11 tiếng.  

Từ nút giao IC12 (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến sân bay Nội Bài chỉ mất khoảng 1,5 tiếng; tương tự như vậy việc lên Cửa khẩu Lao Cai cũng mất chừng 2 tiếng đồng hồ. Tính ra đã giảm 2/3 thời gian so với trước khi có cao tốc. Hơn thế nữa, từ nút giao IC12 dẫn xuống đường tránh ngập có tới 4 làn đường ra-vào thành phố Yên Bái. Đây là lợi thế lớn, rút ngắn khoảng cách với nhiều dự án công nghiệp, thương mại và du lịch của Yên Bái. Lợi ích kinh tế nhờ giao thông vận tải là câu chuyện hoàn toàn hiện hữu đối với các nhà đầu tư khi đến với tỉnh Yên Bái. Đây là lợi thế lớn, rút ngắn khoảng cách với nhiều dự án công nghiệp, thương mại và du lịch trong tương lai gần của Yên Bái, cũng như rút ngắn khoảng cách giữa Tuyên Quang – căn cứ địa cách mạng – với Hà Nội.

Cùng với thuận lợi về mạng lưới giao thông ngày càng hoàn chỉnh đến vùng nguyên liệu, khu công nghiệp và các vùng sinh thái, tỉnh Yên Bái có đủ điều kiện để thành lập các điểm thông quan nội địa nhằm giảm tải cho lượng hàng hóa xuất khẩu đang tập trung dồn ứ trên các cửa khẩu Lào Cai, giúp chủ hàng tiết kiệm thời gian, chi phí và cũng góp phần giảm tải sự căng thẳng về lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hiện đang tập trung quá lớn trên các cửa khẩu tỉnh Lào Cai. Điều này giúp Tỉnh có thêm nguồn thu và có cơ hội thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào Yên Bái.

Lưu thông trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, các doanh nghiệp vận tải tiết kiệm được 20-30% chi phí, giúp hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Ước tính 1 năm tuyến đường này đã làm lợi cho xã hội khoảng 1.800 tỷ đồng từ tiết kiệm về mặt thời gian, nhiên liệu, chi phí hao mòn…

Với việc tiết kiệm về thời gian lưu thông trên tuyến, các hãng xe có thể tăng tần suất chạy xe thì hiệu quả vận tải qua tuyến Nội Bài - Lào Cai còn phát huy hiệu quả lớn hơn nhiều. Đường cao tốc đưa vào sử dụng cũng khuyến khích nhiều đơn vị tham gia khai thác, nâng cao yếu tố cạnh tranh, do vậy, càng có thêm điều kiện để giảm giá cước và tăng chất lượng phục vụ hành khách. Cước vận tải giảm xuống góp phần giảm chi phí sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần cải thiện môi trường đầu tư cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Lợi ích thấy rõ của việc khai thác vận tải trên tuyến cao tốc là rút ngắn hơn một nửa thời gian di chuyển. Trước đây hành trình Hà Nội - Lào Cai mất khoảng 9 tiếng, nay còn khoảng 4 tiếng. Nhờ vậy chúng tôi quay vòng xe nhanh hơn, mỗi xe trước đây đi một lượt là hết ngày, nay có thể đi một ngày 2 lượt. Doanh nghiệp nhờ vậy tiết kiệm được nhiều chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh”, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho biết. Đặc biệt, theo ông Đỗ Văn Bằng, quan trọng nhất là lợi ích đường cao tốc mang lại cho người dân, xã hội, không chỉ tiết kiệm thời gian mà việc đi lại trở nên an toàn, thuận tiện hơn.

Hiện nay, 100% doanh nghiệp vận tải ô tô tuyến Hà Nội - Lào Cai đã chuyển sang chạy tuyến đường cao tốc, bởi lưu thông trên tuyến Quốc lộ 70 trước đây luôn tiềm ẩn rủi ro vì tắc đường, tai nạn...

Tại Hội nghị ATGT năm 2015, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Yên Bái đã đánh giá: Từ khi có tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đã giúp giảm 85% số vụ tai nạn trên các tỉnh lộ và 95% số vụ tai nạn dẫn đến tử vong trên các tỉnh lộ và quốc lộ lân cận đường cao tốc.

Tính từ khi đưa vào khai thác đến nay, tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã phục vụ khoảng 11,7 triệu lượt phương tiện, trung bình 17.000 – 18.000 lượt phương tiện/ngày đêm. Lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai trong quý II/2016 đạt mức tăng trưởng 34% so với cùng kỳ.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường đã đáp ứng trọn vẹn niềm mong mỏi lâu nay của nhân dân các dân tộc miền núi phía Bắc. Tuyến đường này còn kết nối Hà Nội với Hải Phòng, Côn Minh - Hà Khẩu tạo thành tuyến Côn Minh - Hải Phòng, một trong những tuyến đường hợp tác phát triển tiểu vùng sông Mekong mở rộng, góp phần thực hiện thành công chiến lược “hai hành lang, một vành đai kinh tế”.

Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây: tuyến giao thông huyết mạch thuộc cao tốc Bắc – Nam

Dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là Dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực phía Nam do VEC đầu tư, quản lý và khai thác. Dự án được khởi công ngày 03/10/2009, thông xe toàn tuyến ngày 08/02/2015, với tổng chiều dài 55km, đi qua thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.

Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (cao tốc HLD) là tuyến giao thông huyết mạch thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – một trong những khu vực phát triển năng động nhất và đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế quốc dân.

Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây

Việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đã rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận TP. Hồ Chí Minh như đi huyện Long Thành tỉnh Đồng Đồng Nai hiện nay dài khoảng 45km, thời gian lưu thông mất chừng 60 phút, nay rút ngắn khoảng cách xuống còn 22km với thời gian lưu thông giảm ước chỉ còn 20 phút. Đi Vũng Tàu hiện nay dài khoảng 120km, thời gian lưu thông mất hơn 2,5 giờ đồng hồ; nhưng nếu đi trên cao tốc, sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 95km, thời gian lưu thông chỉ hơn 1 giờ 20 phút do rút ngắn được quãng đường và không bị ùn tắc.

Đặc biệt, kể từ khi đưa vào thông xe toàn tuyến, các phương tiện từ TP. Hồ Chí Minh đi ngã ba Dầu Giây (giao Quốc lộ 1A và hướng đi Liên Khương) theo lộ trình cũ dài khoảng 70km, thời gian lưu thông mất 3 giờ đồng hồ do thường xuyên ùn tắc; nhưng nếu đi theo đường cao tốc sẽ rút ngắn được 20km và thời gian chỉ còn một giờ, giảm hơn hai giờ so với trước đây.

Từ TP. Hồ Chí Minh đi ngã ba Dầu Giây (giao QL1A (hướng ra phía Bắc) và hướng đi Liên Khương (khu vực Tây Nguyên)) đi theo lộ trình cũ hiện nay dài khoảng 70km, thời gian lưu thông kéo dài 3 giờ do thường xuyên ùn tắc. Nếu đi theo cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, rút ngắn được 20km và thời gian di chuyển trên đường chỉ còn 1 giờ, nhanh hơn 2 giờ so với trước đây. Đặc biệt, lưu thông trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, các phương tiện tiết giảm 30% chi phí nhiên liệu khi đi từ An Phú – Quận 2 (TP. Hồ Chí Minh) đến ngã ba Dầu Giây - Đồng Nai (Giá trị tiết kiệm được tính cho 1 lượt phương tiện là 343.852 đồng); giảm 20% chi phí nhiên liệu khi đi từ An Phú đến Long Thành (giá trị tiết kiệm được tính cho 1 lượt phương tiện là 384.534 đồng) so với đi theo lộ trình Xa lộ Hà Nội – Quốc lộ 51, làm lợi cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm - điều này đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế-xã hội. Theo đánh giá của các doanh nghiệp vận tải, lưu thông trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tiết kiệm 30% chi phí so với đi theo lộ trình Xa lộ Hà Nội – Quốc lộ 51. Đối với các đơn vị có tần suất chạy xe cao thì vận tải qua tuyến cao tốc còn phát huy hiệu quả lớn hơn nhiều khi 90% chủ phương tiện được hỏi đánh giá mức cước phí ở mức chấp nhận được... 

Kể từ khi thông xe kỹ thuật 20km đầu tiên (ngày 02/01/2014), tính đến ngày 20/7/2016, tuyến cao tốc HLD đã phục vụ khoảng 22 triệu lượt phương tiện an toàn và thông suốt, với lưu lượng trung bình đạt 28.000 - 30.000 lượt xe/ngày đêm, ngày cao điểm lên tới 40.000 – 50.000 lượt phương tiện.

Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đã khai thác tối đa thế mạnh của từng địa phương trong vùng, là nhân tố tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương dọc tuyến nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung (gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa–Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bình Phước…), trong đó lĩnh vực vận tải và du lịch sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Giao thông thuận lợi đã giúp các doanh nghiệp vận tải tăng cường khả năng quay vòng xe, khả năng lưu thông hàng hóa và vận chuyển hành khách giữa các tỉnh thành trong khu vực, đặc biệt là hàng hóa từ cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) đến các khu công nghiệp ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), cũng như vận chuyển hành khách từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh đến các địa danh du lịch như Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt. Từ đó, doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa địa phương nói riêng và hàng hóa Việt nói chung…

Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã rút ngắn cự ly và thời gian đi lại giữa TP. Hồ Chí Minh với Phan Thiết chỉ còn 3 giờ thay vì 5 giờ như trước đây. Việc đưa vào khai thác đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cùng các tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Nha Trang và đặc biệt là sân bay Phan Thiết đã khiến cho Phan Thiết có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Sau khi toàn tuyến cao tốc này được đưa vào sử dụng, đoạn đường từ TP. Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu chỉ còn 95km với thời gian khoảng một giờ 20 phút thay vì 120km và 2 giờ 30 phút như trước. Đồng thời, việc di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến Mỏm Đá Chim Resort–Spa tại La Gi, Bình Thuận đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.

Cụ thể là quãng đường được rút ngắn bớt 25km và thời gian thực tế chuyến đi sẽ còn khoảng 3 giờ thay vì hơn 4 giờ như trước. Tuyến đường thông thường là đi theo Quốc lộ 1, ngang qua ngã ba Dầu Giây thường mất rất nhiều thời gian do ùn tắc giao thông nhiều đoạn. Như vậy thêm đoạn kết nối mới đến nút An Phú, có thêm 5km được rút ngắn và thời gian cũng được tiết kiệm rất nhiều so với trước đây phải đến vành đai II mới lên cao tốc.

Năm 2015, doanh thu từ du lịch của Bình Thuận tăng trưởng khá cao, chiếm tỷ trọng 7,5% GDP của tỉnh. Tương tự, năm 2015, lượng khách du lịch đến Lâm Đồng tăng gần 9% so với cùng kỳ, doanh thu từ hoạt động du lịch khá khả quan. Hay như Công ty vận tải Hoa Mai, với hơn 140 đầu phương tiện đang hoạt động tuyến TP. Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuyển toàn bộ số phương tiện này sang lưu thông trên đường cao tốc khi nhận thấy những ưu điểm về mặt thời gian, khấu hao phương tiện và nhất là uy tín đối với khách hàng. Nắm bắt được lợi thế của tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, đầu tháng 11/2014, Công ty vận tải Hoa Mai đã cho ra mắt 20 xe phục vụ khách hàng VIP. Đối với tỉnh Đồng Nai, địa phương có tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đi qua, ngành Du lịch lữ hành của tỉnh này năm 2015 cũng tăng trưởng 8,42% so với cùng kỳ… Đó thực sự là một tín hiệu đáng mừng đối với các địa phương đang được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.

Việc tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đưa vào sử dụng cũng đã góp phần kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc nghiêm trọng thường xuyên xảy ra tại cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố đoạn TP. Hồ Chí Minh - Biên Hòa trước đây; góp phần từng bước hình thành nên mạng lưới đường cao tốc cho khu vực theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, Dự án còn góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Hàng không và hội nhập quốc tế; thúc đẩy sự phát triển của các đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh như Long Thành, Nhơn Trạch, Gò Dầu, Phú Mỹ, giảm áp lực giao thông liên thành phố đối với trung tâm TP. Hồ Chí Minh, giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường đô thị.

Trong giai đoạn 2016-2020, khi hệ thống đường vành đai TP. Hồ Chí Minh, đường đô thị, cao tốc Bến Lức – Long Thành và cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Quốc lộ 51 (mở rộng) hoàn thành thì lưu lượng phương tiện lưu thông qua cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây sẽ tăng trưởng hơn nhiều. Vì vậy, hiệu quả lan tỏa của tuyến đường với những lợi ích mà nó mang lại cho người dân, doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung sẽ còn vượt trội.

Theo đánh giá của ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ mở ra bước đột phá mới trong rất nhiều lĩnh vực, trong đó, kinh tế, vận tải và du lịch sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Đối với người dân trực tiếp đi trên tuyến đường này cũng có cảm giác thoải mái, an toàn khi tham gia giao thông. Từ mối quan hệ tương hỗ, giao thương qua lại ở những địa phương thuộc khu vực Ðông Nam Bộ cũng như các địa phương khác sẽ trở nên nhộn nhịp hơn, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân địa phương khi các lĩnh vực, ngành nghề được kích thích phát triển nhờ hạ tầng giao thông được kết nối và hoàn thiện.

Đặc biệt, chỉ sau hơn 1 năm cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đưa vào khai thác, tỷ lệ hộ nghèo tại phường Long Phước, quận 9, TP. Hồ Chí Minh đã giảm từ 6,4% xuống 3,1%, đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông tại địa phương với việc hình thành hệ thống các đường gom dân sinh, các đường liên thôn, liên ấp… Bên cạnh đó, tuyến cao tốc còn có tác động thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản khu vực Quận 9, Quận 2 (TP. Hồ Chí Minh), Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) với nhiều dự án mới quy mô, đồng thời tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương dọc hai bên tuyến cao tốc.

Theo kế hoạch, VEC sẽ triển khai tuyến nối cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và cao tốc Bến Lức – Long Thành. Khi đó, hiệu quả lan tỏa của các tuyến cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đối các tỉnh, thành phía Nam nói riêng và cả nước nói chung sẽ vượt trội nhiều lần.

Tuấn Anh