Tắc luồng lạch ra vào cảng Quy Nhơn: Thiệt hại nặng nề

Ngày 17/11/2017
Sự cố tàu hàng chìm do bão số 12 gây tắc nghẽn luồng lạch ra vào cảng Quy Nhơn gây tổn thất nặng nề cho nhiều doanh nghiệp (DN), từ kinh doanh kho bãi, logistics cho đến xuất nhập khẩu. Các DN đang trông chờ từng ngày để được giải quyết tình trạng tắc nghẽn này.

Tàu Nam Khánh 26 và tàu SB Biển Bắc 16 bị chìm giữa phao số 2 và số 5 của vùng biển Quy Nhơn
khiến tàu thuyền gặp nhiều khó khăn khi ra, vào cảng Quy Nhơn để xuất, nhập hàng hóa.

Ðiêu đứng

Theo các DN hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), từ tháng 10-12 là mùa cao điểm xuất nhập khẩu (XNK) nên thiệt hại do sự cố ách tắc luồng lạch gây ra là rất lớn. Với cảng Quy Nhơn, theo kế hoạch, sản lượng hàng hóa thông qua cảng trong tháng 11 ít nhất là 650 ngàn tấn. Trong đó, khoảng 600 ngàn tấn là hàng XNK đòi hỏi phải sử dụng tàu có mớn nước cao; số ít còn lại vận chuyển bằng tàu nội địa có mớn nước thấp.

Sau sự cố chìm tàu hàng, ngày 9/11, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn thông báo cho phép tàu có mớn nước tối đa 7 m ra vào cảng Quy Nhơn. Với giới hạn này, cảng Quy Nhơn hiện chỉ có thể khai thác 5 tàu có mớn nước dưới 7m. Đã có 17 tàu mớn nước trên 7 m với tổng sản lượng hàng hóa 237 ngàn tấn đã hủy chuyến vì không vào cảng để xếp dỡ hàng được. Kể từ khi bão số 12 xảy ra vào ngày 4/11 đến nay, cảng mới chỉ giải quyết được 130 ngàn tấn. Lượng hàng tồn đọng ở cảng hiện rất lớn, khoảng 1.700 container hàng hóa các loại.

Ông Lê Minh Thiện - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định, cho biết: Giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành từ đây đến hết tháng 12 dự kiến khoảng 100 triệu USD, nhập khẩu khoảng 40-50 triệu USD. Tổng số container XNK trong hai tháng 11 và 12/2017 là trên 1.500; tháng 1/2018 khoảng 1.000 container. Việc luồng lạch bị tắc nghẽn khiến hoạt động XNK gần như tê liệt; khả năng không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. DN không có nguyên liệu sản xuất trong khi vẫn phải trả chi phí lưu kho, lưu bãi cho hàng nhập khẩu bị đưa trở lại cảng trung chuyển ở Singapore do không dỡ được ở cảng Quy Nhơn. Nguy cơ bị phạt hợp đồng, bị mất khách hàng là rất cao vì không giao hàng đúng thời gian giao kèo. Hàng để lâu dễ bị hư hỏng. DN bị mất lợi thế cạnh tranh về giá do các hãng tàu lấy phí cao khi làm hàng tại cảng Quy Nhơn, khiến chi phí sản xuất của DN đội lên.

Lãnh đạo một DN kinh doanh dăm gỗ cho hay: “Công ty chúng tôi hiện tồn khoảng 30.000 tấn dăm gỗ. Lẽ ra cuối tháng này, xuất 17.000 tấn. Không xuất được hàng đồng nghĩa với không có vốn để xoay vòng, để trả tiền vay ngân hàng. Trong khi đó, việc kinh doanh của ngành dăm gỗ hiện nay vô cùng khó khăn”.

Theo một số DN sản xuất, nếu tình hình hiện nay kéo dài, họ buộc phải giảm hoặc thậm chí tạm ngưng sản xuất. Điều này kéo theo hàng ngàn lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập. Các hãng tàu, đặc biệt là hãng tàu container định tuyến, cũng bị đình trệ hoạt động kinh doanh. Tỉnh thất thu thuế. Thương hiệu cảng Quy Nhơn bị ảnh hưởng trầm trọng…

Mong sớm giải phóng luồng lạch

Để hỗ trợ hoạt động XNK của DN trong lúc này, Hải quan Bình Định đã áp dụng loại hình vận chuyển độc lập để DN ra Đà Nẵng hoặc vào TP Hồ Chí Minh XNK hàng. Một số DN đã áp dụng giải pháp này. Tuy nhiên, đây chỉ là cách giải quyết tình thế cho những đơn hàng lớn nhằm giữ khách hàng quan trọng; chỉ giải quyết được một lượng nhỏ hàng tồn đọng. Xét về toàn cục, phương án này là không khả thi. Bởi, nếu vận chuyển bằng đường bộ thì chi phí rất cao (25 triệu đồng/container đi TP Hồ Chí Minh; 13-15 triệu đồng/container đi Đà Nẵng); phương tiện vận chuyển không đủ để giải quyết lượng hàng lớn.

Các DN đều có chung mong muốn cơ quan chức năng sớm đẩy nhanh giải phóng luồng lạch tắc nghẽn; thông báo kịp thời tiến độ để DN thông tin với đối tác; tổ chức hội nghị lắng nghe DN chia sẻ khó khăn hiện nay để có biện pháp tích cực hơn cho DN như can thiệp để DN được giãn nợ ngân hàng, giảm chi phí lưu kho, bãi…

Vận chuyển bằng đường thủy nội địa thì ngoài chi phí phát sinh, còn có thêm khó khăn là không có chuyến tàu cố định giữa Quy Nhơn với Đà Nẵng hay TP Hồ Chí Minh; thủ tục hải quan rắc rối. Vì vậy, hiện nay, phần lớn DN vẫn cố gắng chờ giải quyết thông luồng lạch; đồng thời đàm phán với khách hàng chấp nhận chia sẻ khó khăn; sử dụng quỹ dự phòng để cầm cự trong thời gian ngắn.

Ngày 15/11, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang vào Quy Nhơn để trực tiếp chỉ đạo đẩy nhanh công tác công tác tìm kiếm cứu nạn và giải phóng luồng lạch tắc nghẽn trong thời gian sớm nhất. Ưu tiên tập trung trục vớt tàu Biển Bắc 16 bị chìm trong luồng, cản trở ½ luồng. Ông Liễu Minh Hoài, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn cho biết, thời gian trục vớt các tàu dự kiến tối đa là 60 ngày, kể từ ngày bắt đầu trục vớt.

Nguồn: Báo Bình Định