Đấu thầu 5 dự án cao tốc, tiết giảm 13.000 tỷ đồng

Ngày 20/11/2018
Sau khi tổ chức đấu thầu cạnh tranh, 5 dự án đường bộ cao tốc do TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc VN làm chủ đầu tư đã tiết giảm khoảng 13.000 tỷ đồng so với dự toán ban đầu.

Sau khi đưa vào khai thác toàn tuyến từ 2/9/2018, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã rút ngắn

thời gian di chuyển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi xuống còn khoảng 1 giờ, thay vì 3 giờ đi trên QL1

Đồng thời, trong quá trình xây dựng, thông qua các giải pháp điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và biện pháp thi công, chi phí đầu tư các dự án còn tiết giảm thêm hàng nghìn tỷ đồng, nhất là tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Giảm chi phí, quản chặt chất lượng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) hiện là chủ đầu tư 5 dự án đường cao tốc có quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Đây là DN đầu tàu trong phát triển mạng lưới đường cao tốc quốc gia khi đã đầu tư và đưa vào khai thác 4 tuyến cao tốc với tổng chiều dài gần 500km, gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai; TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Còn dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác toàn tuyến trong năm 2020.

Đáng chú ý, 4/5 dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư đều được tổ chức đấu thầu cạnh tranh theo hình thức quốc tế (riêng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình không đầu tư bằng vốn nước ngoài nên tổ chức đấu thầu trong nước), qua đó tiết giảm khoảng 13.000 tỷ đồng (tính cả xây lắp, tư vấn, di dời hạng mục kỹ thuật,…) so với giá dự toán ban đầu. Cụ thể, cao tốc Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi là hai dự án có giá trị tiết giảm sau đấu thầu các gói thầu xây lắp chính lớn nhất. Trong đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành tiết giảm 3.664 tỷ đồng, Đà Nẵng - Quảng Ngãi giảm 3.652,3 tỷ đồng. Tiếp sau, cao tốc Nội Bài - Lào Cai tiết giảm 3.013,3 tỷ đồng, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây giảm 1.726,8 tỷ đồng.

Ngoài việc tiết giảm so với giá dự toán từ đấu thầu cạnh tranh quốc tế, trong quá trình triển khai xây dựng, các dự án do VEC làm chủ đầu tư còn tiết giảm thêm hàng nghìn tỷ đồng thông qua việc điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và biện pháp thi công trên cơ sở vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật dự án. Điển hình, tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trong bước thiết kế cơ sở đã tiến hành điều chỉnh hướng tuyến, kết cấu cầu, nút giao,… tiết giảm chi phí đầu tư được 2.371 tỷ đồng. Tiếp đến, công đoạn thiết kế bản vẽ thi công, đã tiến hành điều chỉnh trắc dọc, mặt cắt ngang, khe co giãn,… kéo chi phí đầu tư công trình tiếp tục giảm thêm gần 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự án cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, sau khi điều chỉnh giải pháp xử lý đất yếu tại gói thầu số 9, điều chỉnh lớp đệm cát thoát nước cho đoạn xử lý đất yếu bằng công nghệ hút chân không và điều chỉnh xử lý đất yếu từ cọc đất gia cố xi măng sang công nghệ hút chân không tại gói thầu số 3 đã tiết giảm thêm 90,68 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư ban đầu của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, thông qua đấu thầu cạnh tranh quốc tế và tiết giảm các chi phí khác, tổng mức đầu tư dự kiến sẽ giảm còn khoảng 28.000 tỷ đồng. Công tác kiểm soát chất lượng tại cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung được chủ đầu tư đặc biệt quan tâm trong suốt quá trình thi công, xây dựng bằng hệ thống, quy trình quản lý chất lượng chặt chẽ, khoa học. Theo đó, tất cả hạng mục thi công tại hiện trường đều được kiểm soát bởi các hệ thống quản lý chất lượng theo khung tiêu chuẩn khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu được Bộ GTVT phê duyệt, chỉ dẫn kỹ thuật, các yêu cầu của hợp đồng và các quy định hiện hành.

Cụ thể, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu được tư vấn giám sát phê duyệt; các phòng thí nghiệm hiện trường của nhà thầu được tư vấn giám sát, chủ đầu tư xem xét, chấp thuận. Đồng thời, các đơn vị tư vấn giám sát quản lý trực tiếp chất lượng thi công các nhà thầu, riêng đoạn tuyến sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) có thêm phòng thí nghiệm độc lập của tư vấn giám sát. Ngoài ra, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước còn chỉ định đơn vị kiểm định độc lập để phục vụ công tác kiểm tra chất lượng…

“Trong công tác quản lý chất lượng, ngoài việc kiểm soát toàn bộ vật liệu đầu vào cho từng gói thầu, tất cả các phần việc trước khi tiến hành thi công đều được tư vấn giám sát kiểm tra chặt chẽ về thiết bị, thi công thử trước khi thi công đại trà. Trong suốt quá trình thi công, dự án đã được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước tiến hành kiểm tra định kỳ 3 - 6 tháng/lần. Đồng thời, tư vấn kiểm định độc lập cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá để chấn chỉnh về chất lượng thi công công trình”, đại diện VEC nói.

Lợi lớn từ dự án cao tốc đầu tiên ở miền Trung

4 dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư đã đưa vào khai thác đang phát huy hiệu quả to lớn trong việc rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí, đảm bảo ATGT cho các chủ phương tiện, tạo động lực phát triển KT-XH cho các địa phương, khu vực nơi dự án đi qua. Theo thống kê của VEC, tính đến hết tháng 10/2018, 4 tuyến cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã phục vụ trên 145 triệu lượt phương tiện qua lại an toàn.

Trong đó, tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình đã đón 58,3 triệu lượt phương tiện, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã vượt qua con số 54,4 triệu lượt, Nội Bài - Lào Cai hơn 31,5 triệu lượt. Đặc biệt, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thông 65km đoạn tuyến JICA từ ngày 2/8/2017 và đưa vào khai thác toàn tuyến từ 2/9/2018, tính đến cuối tháng 10/2018 cũng đã phục vụ gần 1 triệu lượt phương tiện, lưu lượng trung bình hiện tại khoảng 3.300 - 3.500 lượt phương tiện/ngày đêm.

Không chỉ có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng, từ khi tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào khai thác đã đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến, đặc biệt đã góp phần giảm thiểu TNGT trên QL1A, đảm bảo giao thông thuận lợi, ổn định và liên tục bền vững trong mọi tình huống, đặc biệt trong mùa mưa bão khi QL1A bị chia cắt, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ đảm nhận nhiệm vụ quan trọng vận tải hàng hóa và hành khách cho khu vực và cả nước.

Kể từ khi tuyến cao tốc này đi vào khai thác đã tạo ra cú hích lớn, góp phần rút ngắn thời gian đi lại, thúc đẩy giao thương và mở toang cánh cửa thu hút đầu tư cho các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Điều này thể hiện qua các con số: 6 tháng đầu năm 2018, Đà Nẵng đã cấp mới đầu tư 61 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 76,1 triệu USD, tăng 150% về dự án và tăng 237,8% về vốn so với cùng kỳ 2017. Đồng thời, Đà Nẵng cũng thu hút được thêm 12 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN)với tổng vốn đầu tư 933,6 tỷ đồng và 4 dự án đầu tư vào khu công nghệ cao, trị giá khoảng 102,5 triệu USD.

Có thể nói, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi như một chất xúc tác quan trọng để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm và các KCN mới trên địa bàn TP. Đà Nẵng như: KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Ninh, KCN Hòa Cầm trong thời gian tới. Đặc biệt, theo quy hoạch đã được phê duyệt, vị trí trung tâm logistics TP Đà Nẵng sẽ được đặt tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, phía Nam hướng QL14B và phía Tây hướng ra đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đây là vị trí chiến lược giúp Đà Nẵng có cơ hội tốt trong việc phát triển một trung tâm kết nối cho việc vận chuyển hàng hóa đa phương thức, kho bãi và các dịch vụ hậu logistics.

Nằm ở cuối tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ngãi đạt kết quả rất khả quan khi tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 49 dự án trong nước, tăng 30 dự án so với cùng kỳ năm 2017, với tổng vốn đăng ký 5.752 tỷ đồng.

Là địa phương có chiều dài cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua nhiều nhất, Quảng Nam đang tận dụng mọi cơ hội có được từ tuyến cao tốc này để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH. Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có ý nghĩa đặc biệt trong việc phát triển KT-XH của địa phương. “Lâu nay tuyến QL1A đoạn qua Quảng Nam chịu áp lực nặng nề về lượng xe cộ, nhiều vụ TNGT đã xảy ra. Việc cao tốc đưa vào vận hành giúp giảm tải phần lớn lưu lượng phương tiện trên QL1”, ông Thu nói.

“Ngoài ra, đây còn là bước ngoặt lớn giúp Quảng Nam tạo ấn tượng trong mắt nhà đầu tư. Năm 2017 là năm thành công khi Quảng Nam trở thành vùng đất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với việc cảng Chu Lai mở rộng, các khu nghỉ dưỡng đang được xây dựng ở vùng phía Đông, phía Nam Quảng Nam, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ là chiếc cầu nối chiến lược trong hành trình vươn lên thành con sếu đầu đàn đầu tư của toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên”, ông Thu cho biết.

Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được khởi công vào ngày 19/5/2013, có chiều dài gần 140km, đi qua 3 địa phương là TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 34,5 nghìn tỷ đồng từ vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng trong nước. Dự án đi vào khai thác toàn tuyến từ 2/9/2018, đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Đà Nẵng - Quảng Ngãi còn hơn 1 giờ, so với khoảng hơn 3 giờ khi lưu thông trên QL1.

VEC