Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp
Ưu tiên triển khai tiếp các dự án đang thi công dở
Tại buổi làm việc, tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị với đoàn công tác Bộ GTVT nhiều vấn đề vướng mắc về GTVT và ATGT, trong đó nổi lên việc sụt lún ở khu vực cầu Cao Lãnh và sự cố cầu Vàm Cống.
Sau khi lắng nghe các ý kiến của địa phương và của các cơ quan chuyên môn Bộ , Bộ trưởng thống nhất, với QL30, từ An Hữu về TP. Cao Lãnh, sẽ sửa chữa tuyến đường trong 2 năm từ 2019-2020, bởi khi cầu Vàm Cống đi vào hoạt động, đây sẽ là tuyến kết nối quan trọng giữa TP. Cao Lãnh với các vùng phía Nam.
Về cao tốc An Hữu - TP. Cao Lãnh, nhằm kết nối dự án khu vực đồng bằng sông Mê Kông và kết nối tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ trưởng giao Vụ Đối tác công tư cùng Ban QLDA7 chỉ đạo tư vấn hoàn chỉnh báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án theo hình thức PPP, trong đó có nghiên cứu phân kỳ đầu tư để so sánh, đề xuất phương án phù hợp, đảm bảo tính khả thi. Sau khi Ban QLDA7 hoàn thành đề xuất dự án, Bộ GTVT sẽ phối hợp với UBND tỉnh nghiên cứu thống nhất phương án thực hiện các bước tiếp theo quy định hiện hành.
Bộ trưởng cho biết, QL30 đoạn tuyến tránh TP. Cao Lãnh được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư dự án là 2.570,47 tỷ đồng. Đoạn tuyến tránh TP. Cao Lãnh dài khoảng 14km thực hiện trong giai đoạn 1 của dự án.Tuy nhiên, dự án thuộc diện đình hoãn giảm tiến độ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, đến nay đã thi công đến điểm dừng kỹ thuật. Bộ GTVT đồng thuận với đề xuất của địa phương cần tiếp tục triển khai tuyến tránh này, và giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, sắp xếp thứ tự ưu tiên, cân đối nguồn lực để tổng hợp tuyến tránh Cao Lãnh vào nhu cầu đầu tư công giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.
Đoàn công tác Bộ GTVT làm việc với tỉnh Đồng Tháp
Với dự án QL30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà, Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công hạng mục cầu của dự án và chuẩn bị phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục đường. Hiện, Bộ GTVT tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để tiếp tục triển khai các dự án dang dở, trong đó có dự án này. “Đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp cùng nỗ lực phối hợp với Bộ GTVT để tranh thủ sự đồng thuận của các bộ ngành, Chính phủ cho những dự án như thế này”, Bộ trưởng nói.
Tháng 7/2019, dự kiến khánh thành cầu Vàm Cống
Về sự cố cầu Vàm Cống, Bộ trưởng GTVT cho biết, đã phê duyệt hồ sơ thiết kế hạng mục xử lý dầm ngang trên đỉnh trụ neo với thời gian thực hiện sửa chữa 7 tháng, hoàn thành sửa chữa các hạng mục còn lại của công trình trong tháng 3/2019. Sau khi hoàn thành sẽ tiến hành kiểm định thử tải trong tháng 4/2019. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng sẽ thực hiện công tác nghiệm thu, đưa công trình vào khai thác sử dụng, dự kiến khánh thành công trình vào đầu tháng 7/2019.
“Riêng đoạn từ Vàm Cống đến Rạch Sỏi, chúng tôi đang triển khai thi công, hiện đã nâng mặt đường 16m, mỗi bên 2 làn xe, toàn bộ các nút giao khác mức. Dự kiến, đầu năm 2020 sẽ xong đoạn này, tức hơn 1 năm nữa từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi sẽ thông cả cầu và đường”, Bộ trưởng thông tin.
Trước thực trạng sụt lún đất và nứt nhà dân ở khu vực cầu Cao Lãnh, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan liên quan phải triển khai giải quyết chi trả bồi thường nhanh, công khai, đúng quy định, tránh tạo thành điểm phức tạp về an ninh trật tự tại đây.
Dự án cải tạo, nâng cấp QL54, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, với tổng mức đầu tư 228 tỷ đồng. Trước mắt, tỉnh Đồng Tháp đã tạm ứng nguồn vốn ngân sách của tỉnh để triển khai thi công, đến nay dự án đã được đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư khoảng 203 tỷ đồng, được thanh toán từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Đồng Tháp.
Hiện, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng, kiến nghị bố trí vốn từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để hoàn trả nguồn kinh phí địa phương đã ứng trước.