Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật; Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Võ Văn Bình; lãnh đạo Sở GTVT 2 tỉnh và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang
Tại buổi làm việc, đại diện đơn vị Tư vấn đã báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng mới tuyến An Hữu - Cao Lãnh. Tư vấn đề xuất hướng tuyến mới song hành với QL30. Theo phương án nghiên cứu trước đây, tuyến có điểm đầu kết nối QL1 tại Km 2021+500 và điểm cuối kết nối QL N2 đoạn Mỹ An - Cao Lãnh, tổng chiều dài là 30,1km. Tuy nhiên, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được thực hiện và để kết nối phù hợp với quy hoạch của địa phương cũng như thu hút lưu lượng xe vào tuyến An Hữu - Cao Lãnh, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Tư vấn nghiên cứu thêm phương án điểm đầu kết nối nút giao An Thái Trung thuộc tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và QL30. Theo phương án nghiên cứu hướng tuyến này, chiều dài tuyến rút ngắn còn 28,1km (trong đó 8km thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang, còn lại 20,1km thuộc tỉnh Đồng Tháp).
Tư vấn kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe (phạm vi giải phóng mặt bằng 40m), nền đường rộng 17m, không xây dựng làn dừng xe khẩn cấp, thay vào đó bố trí các dải dừng xe so le dọc theo tuyến, mỗi vị trí rộng 2m, cách nhau từ 4 - 5km; giai đoạn 2 đầu tư hoàn chỉnh với 6 làn xe (GPMB 48m), nền đường rộng 32,25m. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4.520 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) từ nguồn vốn Ngân sách Trung ương, vốn nhà đầu tư huy động và vốn ngân sách của hai địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Sau khi nghe kiến nghị của lãnh đạo hai tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và cơ quan tham mưu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hoan nghênh, đánh giá cao hai tỉnh trong thời gian qua đã quan tâm, nỗ lực chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn, điển hình như xây dựng tuyến song hành QL 30 để kết nối 2 tỉnh; kết nối 2 trục dọc là đường Hồ Chí Minh đi qua vùng Đồng Tháp Mười và tuyến cao tốc Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
“Hai tỉnh rất quyết tâm triển khai công trình khi cùng cam kết hỗ trợ ngân sách địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án theo hình thức PPP. Đây là dự án trọng điểm được triển khai trên tuyến mới, song hành với tuyến QL30 hiện hữu đang quá tải, đảm bảo cho người dân có sự lựa chọn nên rất cấp thiết phải đầu tư xây dựng”, Bộ trưởng đánh giá và đề nghị hai tỉnh thống nhất nguồn ngân sách của địa phương bố trí cho công tác GPMB của Dự án.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến góp ý tại buổi làm việc, khẩn trương nghiên cứu, rà soát lại quy mô các vị trí kết nối giữa cao tốc An Hữu - Cao Lãnh với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Tỉnh lộ 850 và cầu Cao Lãnh… để lựa chọn phương án tiết kiệm nhất, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả của Dự án. Tính toán lại các vị trí dừng khẩn cấp cho phù hợp; bố trí hệ thống cống kỹ thuật, hầm chui dân sinh, đường gom trên tuyến tạo điều kiện cho người dân đi lại được thuận lợi và an toàn.
Để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, Bộ trưởng yêu cầu Ban QLDA 7 chỉ đạo đơn vị Tư vấn sớm hoàn chỉnh các phương án nghiên cứu. “Sau khi hoàn chỉnh, nếu cần thiết, Ban QLDA 7 thuê một đơn vị tư vấn độc lập để thẩm tra lại, đảm bảo tính xác thực của Dự án trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Bộ trưởng yêu cầu.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã trao đổi, thống nhất nội dung hoàn thiện hồ sơ đầu tư Dự án QL30 các đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, Hồng Ngự - Dinh Bà; Dự án đầu tư xây dựng mới cầu Sở Thượng 2 trên tuyến Quốc lộ N1.
V.H