Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu
tại buổi tiếp xúc cử tri xã Tân Long (thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng)
Sớm nâng cấp QL61B
Tại buổi tiếp xúc, đa số cử tri kiến nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng sớm quan tâm nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, các tuyến đường huyết mạch (liên xã, liên huyện) nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; điều chỉnh giá lúa, giá điện; xử lý nghiêm tình trạng dùng xung điện để đánh bắt cá; đề nghị nâng cấp tuyến QL61B; xử lý bất cập tại điểm giao giữa tuyến QL61B với QL1 (có 6 ngã rẽ); xem xét chế độ cho gia đình chính sách…
Trước những kiến nghị, phản ánh trên của cử tri, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng giải đáp thắc mắc. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh việc nâng cấp tuyến QL61B kết nối tỉnh Sóc Trăng với tỉnh Hậu Giang và việc xử lý nút giao QL61B với QL1.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trước đây, QL61B là tuyến đường tỉnh lộ của Sóc Trăng và một đoạn của tỉnh Hậu Giang, không phải do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, qua xem xét, Bộ GTVT nhận thấy tuyến đường này kết nối hai địa phương nêu trên, có ý nghĩa kinh tế - xã hội lớn, nên Bộ đã thống nhất cùng với 2 địa phương nâng cấp tuyến đường liên tỉnh này thành QL61B.
"Khi Bộ GTVT tiếp nhận từ hai tỉnh, tuyến đường rất yếu kém. Các cầu trên tuyến chỉ đảm bảo xe tải trọng 8 tấn. Một số cầu xây dựng đã lâu (tải trọng dưới 8 tấn) đường nhỏ hẹp, hai bên nhà dân đông đúc. Bộ GTVT đang triển khai nâng cấp toàn bộ các cầu trên QL61B từ QL1 (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) đến huyện Long Mỹ (Hậu Giang), một số cầu đã hoàn thành, còn một số đang vướng giải phóng mặt bằng (GPMB), trong đó, có một số cầu nằm trên địa phận thị xã Ngã Năm", Bộ trưởng Thể thông tin.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Dự án nâng cấp tuyến QL61B sử dụng nguồn vốn vay của nước ngoài nếu chúng ta làm chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Vì vậy, Bộ trưởng Thể đề nghị chính quyền thị xã Ngã Năm cố gắng tập trung giúp cho Bộ GTVT thực hiện công tác GPMB. Nếu không có mặt bằng thì không thể nào triển khai được dự án. Từ đó, ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con nhân dân.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ sẽ cố gắng triển khai nhanh nhất các cây cầu trên tuyến QL61B để kết nối. Riêng phần đường để nâng cấp, mở rộng là hết sức khó khăn, bởi tuyến đường này được hình thành từ lâu, dân cư, nhà cửa rất đông, nếu mở rộng đường hiện hữu thì vốn cho bồi thường, GPMB rất lớn. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị UBND huyện Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm cùng Sở GTVT nghiên cứu giải pháp nâng cấp QL61B để trình UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét trình Bộ GTVT cho ý kiến.
Đối với nút giao QL61B với QL1 (huyện Thạnh Trị), Bộ trưởng Thể đề nghị Ban ATGT tỉnh, Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng căn cứ vào thực tế nghiên cứu đề xuất. Bộ GTVT sẽ giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với tỉnh để xem xét xem giải pháp hợp lý, để giảm các ngã kết nối vào QL1, QL61B, đảm bảo trật tự ATGT, nếu đề xuất hợp lý sẽ tiến hành xử lý sớm.
Cử tri trình bày ý kiến, kiến nghị tại buổi
tiếp xúc cử tri ở xã Tân Long (thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng)
Nhiều dự án giao thông quan trọng sắp được triển khai
Dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thông tin với bà con cử tri xã Tân Long (thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) một số dự án giao thông quan trọng liên quan trực tiếp đến tỉnh Sóc Trăng sắp được Bộ GTVT triển khai.
Cụ thể, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thành công tác đấu thầu, khả năng cuối năm nay sẽ khởi công nâng cấp tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp (thảm lớp bê tông nhựa nóng) từ thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đến TP. Cà Mau (Cà Mau). Vì hiện nay, mặt đường và đường vào cầu trên tuyến đường này đã xuống cấp nghiêm trọng, đi lại không được êm thuận. Quá trình nâng cấp dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020.
Dự án cầu Đại Ngãi nằm trên QL60 (nguồn vốn dự kiến là 8.040 tỷ đồng) tạo kết nối giữa các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng với Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và TP.HCM, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện để các nhà đầu tư đến với tỉnh Sóc Trăng. "Đây là công trình cầu cuối cùng kết nối QL60 với nhiều tỉnh và đảm bảo quốc phòng an ninh cho phía Đông khu vực ĐBSCL. Hiện, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các Bộ, ngành để tham mưu với Chính phủ phê duyệt", Bộ trưởng Thể thông tin.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang chuẩn bị trình Chính phủ quy hoạch cảng biển Trần Đề (gần cửa sông Mỹ Thanh) để phục vụ cho tàu 100.000 tấn hoạt động. Khi được đưa vào sử dụng, cảng biển Trần Đề sẽ là 1 trong 3 cảng biển lớn nhất cả nước sau cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng Lạch Huyện.
“Cảng Trần Đề là cảng đặc biệt quan trọng đối với ĐBSCL nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng và hy vọng cảng này sớm được khởi công xây dựng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá và tin tưởng rằng:
Khi có cảng, chắc chắn khu vực này sẽ hình thành các khu, cụm công nghiệp phát triển. Hàng nông sản của bà con trong khu vực ĐBSCL sẽ thông qua cảng Trần Đề xuất, nhập ra thế giới, không phải vận chuyển từ đây (tỉnh Sóc Trăng - PV) lên tới TP.HCM tốn nhiều chi phí, hàng hóa cạnh tranh kém...