Hà Nội: Nhiều giải pháp phát triển các phương tiện vận tải công cộng

Ngày 16/09/2019
Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp phát triển các loại hình vận tải công cộng, trong đó có triển khai đề án phát triển xe đạp công cộng để tăng thêm sự lựa chọn cho người dân.

Người dân Hà Nội sẽ có thêm lựa chọn loại hình vận tải công cộng với xe đạp.

Thực hiện chỉ tiêu chủ yếu tại Chương trình số 06-CTr/TU ngày 12/3/2016 của Thành ủy về vận tải hành khách công cộng: Tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 20-25% (trong đó đường sắt đô thị 1-3%), UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng vào năm 2020.

Trong đó, thành phố chú trọng tăng cường kết nối các loại hình vận tải: Nghiên cứu, tổ chức kết nối các tuyến buýt thường với tuyến đường sắt số 2A Cát Linh - Hà Đông, tuyến BRT tại điểm đầu cuối và dọc hành lang đường sắt 2A và BRT.

Tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà ga, nhà chờ tạo thuận lợi để hành khách gửi xe cá nhân chuyển sang sử dụng tuyến đường sắt số 2A Cát Linh - Hà Đông và tuyến BRT.

Nghiên cứu tổ chức các tuyến buýt có sức chứa nhỏ để phù hợp với những đường phố hẹp giúp tăng khả năng tiếp cận của xe buýt; phát triển các tuyến buýt kế cận.

Ngoài ra, thành phố triển khai đề án phát triển xe đạp công cộng để tăng thêm sự lựa chọn cho người dân khi sử dụng dịch vụ vận tải công cộng.

Trong các giải pháp phát triển hợp lý các loại hình vận tải, thành phố nêu, hệ thống đường sắt đô thị sẽ được đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 4-2021; khai thác, vận hành toàn tuyến vào tháng 12-2022. 

Đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ tiếp tục mở rộng vùng phục vụ của mạng lưới tuyến tới các khu vực ngoại thành, các trung tâm phát sinh nhu cầu (đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khu công nghiệp, chung cư,…). 

Dự kiến, đến năm 2020, Hà Nội sẽ mở mới  từ 40 đến 50 tuyến cùng với việc rrà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới và lựa chọn phương tiện xe buýt phù hợp với các tuyến đường, nâng cao chất lượng và hiệu quả vận tải hành khách công cộng; đầu tư, đổi mới đoàn phương tiện theo hướng ưu tiên sử dụng phương tiện chất lượng cao, xe buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.

Thành phố định hướng phát triển số lượng xe taxi hợp lý; nâng cao chất lượng dịch vụ xe taxi và quản lý chặt chẽ loại hình xe taxi công nghệ. 

Thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác hoạt động vận tải: Đầu tư trang thiết bị và các ứng dụng công nghệ tiên tiến để hình thành trung tâm quản lý điều hành giao thông công cộng.

Xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và các phần mềm khác phục vụ công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông.

Xây dựng bản đồ số giao thông trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe nhằm tối ưu nhu cầu đỗ xe…

Nguồn: Hà Nội mới