Giai đoạn 1 của dự án thực hiện với tổng chiều dài gần 69km, điểm bắt đầu tại Khu Công nghiệp Đông Phố Mới, điểm cuối tại xã Lâm Giang (huyện Văn Yên). Thiết kế mặt đường rộng 6,5m, rải nhựa 5,5m. Tổng mức đầu tư hơn 720 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây dựng là hơn 500 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 100 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác.
Thi công đoạn qua xã Phố Lu (Bảo Thắng)
Theo thiết kế, đoạn đi qua địa phận huyện Bảo Thắng dài 35,km (từ Km5+00 đến Km40+300), qua địa phận 4 xã, thị trấn gồm: Thái Niên, Phố Lu, Trì Quang và thị trấn Phố Lu. Công tác giải phóng mặt bằng được huyện thực hiện từ tháng 8/2018. Theo thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bảo Thắng, trên địa bàn huyện có 945 hộ bị ảnh hưởng (thị trấn Phố Lu 229 hộ, xã Thái Niên 492 hộ, xã Trì Quang 62 hộ, xã Phố Lu 162 hộ); tổng diện tích đất phải thu hồi là 105,64 ha. Dự kiến phải bố trí 78 suất tái định cư, trong đó thị trấn Phố Lu có 35 suất, xã Thái Niên 30 suất, xã Trì Quang 2 suất và xã Phố Lu 11 suất. Đến nay, Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng huyện Bảo Thắng đã phê duyệt 454 hộ với tổng kinh phí 44,7 tỷ đồng. Huyện cũng đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư tại 4 xã với chiều dài 18,1/35,3 km, đạt 51,2% toàn tuyến. Hiện nay, đoạn xã Thái Niên, xã Phố Lu và thị trấn Phố Lu giải phóng mặt bằng xong là nhà thầu triển khai thi công.
Tại huyện Bảo Yên, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án cũng đang được triển khai quyết liệt. Đoạn qua huyện Bảo Yên dài 23,89km, đi qua 2 xã là Bảo Hà và Kim Sơn với 405 hộ bị ảnh hưởng. Đến nay, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện đã hoàn thành thống kê, kiểm kê đất, tài sản, cây cối, hoa màu của 405 hộ trên toàn tuyến qua địa bàn huyện (tại xã Bảo Hà là 250 hộ, xã Kim Sơn là 155 hộ). Trong đó, số hộ đã thu hồi đất là 362 hộ, với tổng diện tích 27,7 ha. Huyện Bảo Yên cũng đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư 21,2/23,89km.
Mặc dù các địa phương đã vào cuộc tích cực song công tác giải phóng mặt bằng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Việc áp giá đền bù giải phóng mặt bằng chưa thống nhất; thiết kế các hạng mục của dự án chưa đầy đủ nên khi triển khai thi công đã phát sinh nhiều điểm ảnh hưởng đến ruộng vườn của người dân; công tác sắp xếp tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng chưa được chuẩn bị kỹ nên nhiều hộ sau khi bàn giao đất vẫn chưa nhận được mặt bằng để tái định cư…
Cụ thể, tại huyện Bảo Thắng, một số vị trí dự kiến san tạo mặt bằng để bố trí tái định cư chưa được bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nên UBND huyện chưa thể thu hồi đất và xây dựng mặt bằng tái định cư. Ngoài ra, một số hộ phải di chuyển nhà ở (bao gồm cả hộ được bồi thường đất ở và các hộ dựng nhà trên đất nông nghiệp) đề nghị được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thuê nhà trong khi chờ nhận đất tái định cư…
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thái Niên cho biết: Là xã có số hộ bị ảnh hưởng lớn nhất trong dự án (492 hộ thuộc 7 thôn) nhưng đến nay xã có tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh nhất. Công tác thống kê, đền bù được thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy định nên người dân đều đồng thuận cao. Tuy nhiên, người dân rất mong Ban Quản lý dự án và cơ quan chức năng sớm sắp xếp bố trí tái định cư cho các hộ phải di chuyển nhà ở và giải phóng mặt bằng để làm các điểm đổ thải, vì hiện nay lượng đất đào đắp lớn trong khi khu vực đổ thải hầu như chưa được chuẩn bị.
Những cái khó của xã Thái Niên cũng là khó khăn chung mà xã Phố Lu, xã Trì Quang phải đối mặt. Bên cạnh đó, người dân các địa phương trên cũng nêu khó khăn về giá thu tiền giao đất tái định cư, bởi theo quy định tại Quyết định số 3436 ngày 29/10/2018 và Quyết định số 4411 ngày 31/12/2018 của UBND tỉnh thì chỉ có giá bồi thường các loại đất, hệ số K=1 và giá thu tiền giao đất tái định cư thuộc địa bàn thị trấn Phố Lu, nhưng ở xã Trì Quang, xã Thái Niên và xã Phố Lu chưa có giá thu tiền giao đất tái định cư nên khó thống nhất với chính quyền và cơ quan chức năng về cơ chế đền bù.
Trao đổi với phóng viên, bà Trịnh Thị Hiền, cán bộ địa chính xã Kim Sơn cho biết, ngay khi triển khai dự án, người dân đều ủng hộ và chấp thuận các phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, khi triển khai thi công thì phát sinh một số vấn đề như ảnh hưởng đến các đường gom dân sinh; các vị trí cửa cống thoát nước thì chủ đầu tư chưa giải phóng mặt bằng nên người dân yêu cầu phải thu hồi đất và đền bù. Đặc biệt, hiện nay xã còn 24 hộ ở các thôn: Bảo Ân 1, 2; Tân Văn 1, 2 và Kim Quang chưa được bố trí đất tái định cư nên người dân chưa giao mặt bằng.
Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án, chính quyền thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng và huyện Bảo Yên đang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND các xã tập trung tuyên truyền, vận động các hộ. Từ đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, chấp thuận chủ trương, chính sách, cơ chế về đơn giá hỗ trợ bồi thường của Nhà nước, tự nguyện tháo dỡ tài sản, vật kiến trúc, bàn giao mặt bằng đúng thời gian.
Dự án không chỉ có ý nghĩa với các địa phương nơi tuyến đường đi qua mà còn tác động lớn đến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Vì thế, để dự án hoàn thành và đi vào sử dụng theo đúng kế hoạch, cần sự nỗ lực của các sở, ngành liên quan, nhà thầu thi công, đặc biệt là UBND các huyện trong công tác giải phóng mặt bằng.