Khai mạc Phiên họp thứ Hai mươi hai UBTVQH

Ngày 12/08/2009
Ngày 11/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Hai mươi hai.
Ngày 11/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Hai mươi hai.
 
Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã nghe Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH, Trưởng đoàn ĐBQH Việt Nam tại AIPA- 30 Tòng Thị Phóng báo cáo nhanh về kết quả AIPA -30 và những hoạt động của Đoàn ĐBQH Việt Nam tại AIPA – 30. Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nêu rõ: AIPA - 30 đã thông qua các Nghị quyết về bản sắc ASEAN, về vấn đề di dân, tăng cường y tế cơ sở, vai trò giám sát của các nghị viện thành viên AIPA. Đặc biệt, AIPA – 30 đã quyết nghị AIPA – 31 sẽ được tổ chức tại Hà Nội, vào khoảng từ ngày 19 – 25.9.2010; bàn giao chức Chủ tịch AIPA - 31 cho QH Việt Nam. Nghị viện các nước thành viên AIPA – 30 cũng đã thống nhất tăng cường hơn nữa sự hợp tác thông tin giữa cơ quan lập pháp và hành pháp để đối phó với các thách thức lớn như: khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường, thảm họa thiên nhiên, thất nghiệp, dịch bệnh khu vực và toàn cầu, phòng chống ma túy, buôn bán người... để tiến tới xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự AIPA – 30  đã chủ động và tích cực tham gia và đóng góp vào thành công của Đại hội đồng. 3 sáng kiến của Việt Nam về vai trò của AIPA trong việc thực hiện hiến chương ASEAN; giải quyết khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế; thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về an ninh, con người bền vững trong đó coi trọng vấn đề phát triển con người và xóa đói giảm nghèo đã được AIPA - 30 đặc biệt hoan nghênh và chấp thuận.
 
Tiếp đó, UBTVQH đã thảo luận về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Viễn thông và dự án Luật Tần số vô tuyến điện.
 
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày nêu rõ 8 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự luật. Đa số các Ủy viên UBTVQH thống nhất với quan điểm của UB Khoa học Công nghệ và Môi trường trong việc tiếp thu, chỉnh lý các quy định về cấp phép viễn thông; quỹ viễn thông công ích; chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật; cạnh tranh và các quy định nhằm phát triển thị trường viễn thông. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến phạm vi điều chỉnh; phí trong hoạt động viễn thông và đặc biệt là về cơ quan quản lý chuyên ngành, thanh tra chuyên ngành viễn thông lại hầu như chưa nhận được sự tán thành của các Ủy viên UBTVQH. Theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, Điều 10 quy định về quản lý nhà nước về viễn thông và Điều 11 quy định về cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành mâu thuẫn nhau và nếu QH chấp thuận thì sẽ tạo ra sự không minh bạch trong quản lý nhà nước về viễn thông. Theo Điều 10 của dự Luật thì Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND có thẩm quyền xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển viễn thông quốc gia; chỉ đạo hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về viễn thông; thực thi quản lý hoạt động kinh doanh và nghiệp vụ viễn thông; tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động viễn thông; thực hiện hợp tác quốc tế về viễn thông; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về viễn thông, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động viễn thông và giải quyết tranh chấp trong kinh doanh dịch vụ viễn thông. Nhưng Điều 11, quy định về cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông thì hầu hết các nội dung thuộc quản lý nhà nước đã được giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành này. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng dứt khoát: cơ quan chuyên môn chỉ được nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ý kiến chứ không thể làm thay chức năng của cơ quan quản lý nhà nước. Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng: quy định cơ quan quản lý chuyên ngành như dự thảo Luật là không phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh: nếu muốn thành lập một cơ quan quản lý độc lập về viễn thông như đã cam kết với WTO thì tổ chức bộ máy cần phải đổi mới mạnh mẽ, phải tách hoàn toàn quản lý nhà nước ra khỏi quản lý kinh doanh thì mới có thể làm được.
 
Liên quan đến vấn đề phí trong hoạt động viễn thông, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng quy định như dự luật là rất không ổn; Điều 42 và Điều 45 quy định các loại phí mà doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông phải nộp mang dáng dấp như một loại thuế. Nếu theo dự thảo Luật thì sẽ không có bất kỳ một doanh nghiệp nào ở Việt Nam phải nộp phí như một loại thuế, trừ các doanh nghiệp viễn thông. Điều này sẽ tác động đến sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
 
Thảo luận về 5 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện gồm: áp dụng pháp luật, Ủy ban tần số vô tuyến điện, cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện, thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện và phí, lệ phí tần số vô tuyến điện – nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng không nên luật hóa Ủy ban Tần số vô tuyến điện. Ghi nhận vai trò quan trọng của Ủy ban Tần số vô tuyến điện trong việc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về vấn đề xây dựng quy hoạch tần số liên quan đến quốc phòng an ninh và tổ chức phối hợp trong việc sử dụng tần số giữa các lĩnh vực này nhằm bảo đảm cho các hệ thống vô tuyến điện phục vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh hoạt động có hiệu quả, không gây can nhiễu lẫn nhau. Nhưng Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh: Ủy ban Tần số vô tuyến điện chỉ là một cơ quan tư vấn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ; nếu cơ quan tư vấn nào cũng được luật hóa thì vô số luật khác sẽ có các cơ quan tư vấn khác nhau – điều này khó có thể bảo đảm sự tương thích, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Các Ủy viên UBTVQH cũng không tán thành với các quy định của dự thảo luật về phí và lệ phí tần số vô tuyến điện; không đúng định nghĩa, bản chất và cách tính phí và lệ phí đã được quy định rất rõ trong Pháp lệnh Phí, lệ phí. 
 
Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, UBTVQH đã cho ý kiến đối với một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cơ yếu; tên của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
 
Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cơ yếu do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình trình bày nêu rõ 2 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau. Một là đặt Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan thuộc Bộ Nội vụ hay thuộc Chính phủ hoặc thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cho phù hợp với tính chất hoạt động của cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia. Hai là về quy định các chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
 
Về vấn đề còn ý kiến khác nhau là đặt Ban Cơ yếu Chính phủ ở đâu cho phù hợp với tính chất hoạt động của cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, có 2 phương án được đưa ra: Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ; Ban Cơ yếu Chỉnh phủ là cơ quan thuộc Chính phủ. Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận ủng hộ phương án 1, trong đó nhấn mạnh: Nghị quyết Trung ương V và Hiến pháp hiện hành đã bỏ chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan thuộc Chính phủ. Do đó khẳng định nếu chọn phương án 2 là trái với quy định của Hiến pháp.
 
Chưa yên tâm với các quy định chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng: các quy định của dự thảo mới chỉ tính đến chế độ đối với cán bộ thuộc lực lượng cơ yếu TƯ mà chưa tính đến các cán bộ, công chức cơ yếu ở nhiều cơ quan nhà nước khác. Các quy định cũng chưa tính hết những tác động xã hội. Công bằng không có nghĩa là cào bằng. Nếu không tính căn cơ mà chỉ làm theo cảm tính thì không ổn.
 
Báo cáo Xin ý kiến UBTVQH để tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày nêu rõ: Vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau về tên gọi của Luật. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị lấy tên là Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Loại ý kiến thứ hai đề nghị lấy tên là Luật Hành nghề y. Chính phủ cũng nhiều lần đề nghị giữ tên là Luật Khám bệnh, chữa bệnh để đáp ứng nguyện vọng của người dân về công tác khám bệnh, chữa bệnh, trên cơ sở đó sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, nghiên cứu bổ sung thêm một chương quy định về điều kiện bảo đảm đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh. UBTVQH đã tán thành với đề nghị giữ tên là Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Người đại biểu nhân dân