Cao Bằng: Phát triển giao thông nông thôn, tạo động lực thúc đẩy KTXH địa phương phát triển

Ngày 05/10/2020
Những năm qua, tỉnh Cao Bằng huy động cả hệ thống chính trị cùng sự hưởng ứng tích cực của nhân dân để đóng góp nguồn lực, tập trung thực hiện hiệu quả việc xây dựng và phát triển giao thông nông thôn (GTNT). Qua đó, diện mạo nông thôn của tỉnh có nhiều thay đổi, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Nhân dân xã Hoàng Tung (Hòa An) làm đường bê tông nông thôn

Năm 2015, toàn tỉnh có 1.539 km đường huyện; đường nội thị, đô thị 60,3 km; đường xã có 2.672 km; tỷ lệ nhựa hóa/bê tông hóa theo tiêu chí của Bộ Giao thông - Vận tải đối với huyện là 42%, đối với đường xã, xóm 15%, đối với đường nội đồng 19,5%.

Xác định vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển GTNT có tác động tích cực đến các mục tiêu phát triển KT - XH và bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 72/2016/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 về phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với chỉ tiêu cứng hóa mặt đường huyện là 100%, đường trục xã 80%, đường trục xóm 60%, đường trục chính nội đồng 50%.

Các huyện, Thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân về chính sách phát triển GTNT ở những địa bàn được thụ hưởng chính sách của Nhà nước; vận động người dân tích cực ủng hộ, đóng góp vật chất để phát triển các tuyến đường trên địa bàn; có giải pháp phù hợp thực hiện công việc do người dân đóng góp theo quy định của dự án; tuyên truyền để người dân hiến đất làm đường.

Qua đó, các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhiều hộ dân đã hiến đất, vật liệu, tiền và huy động hàng vạn ngày công lao động xây dựng đường làng, ngõ xóm..., tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh làm mới 86,6 km đường huyện, cải tạo, nâng cấp 391,8 km; hiện có 1.134,9 km đường huyện được cứng hóa, đạt 76%. 654 km đường trục xã, đường xóm được xây mới; cải tạo, nâng cấp 486 km; 2.422,5 km đường xã được cứng hóa, đạt 74%; 290 km đường trục chính nội đồng được xây mới; 450,1 km đường nội đồng được cứng hóa, đạt 55%. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 152/161 xã có đường đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa.

Từ năm 2018 đến nay, huyện Trùng Khánh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đạt 736,8 tỷ đồng, triển khai thực hiện 500 dự án về xây dựng hạ tầng cơ sở; đã hoàn thành việc cải tạo và nâng cấp các tuyến giao thông tại thị trấn Trùng Khánh và thị trấn Trà Lĩnh. Phấn đấu hết năm 2020 các xã, thị trấn có đường nhựa, đường bê tông đến trung tâm xã.

Việc thực hiện làm GTNT, đường ra vùng sản xuất tiếp tục được đẩy mạnh, huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân tham gia; trong 5 năm đã cấp 2.120 tấn xi măng làm mới gần 23,46 km đường nông thôn và xây dựng 26 cầu ra vùng sản xuất.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông ở cấp huyện còn một số bất cập như: Chưa hạn chế được các phương tiện quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường, làm hư hỏng kết cấu nền mặt đường, nhất là các tuyến đường đi ra cửa khẩu, lối mở. Quy mô kỹ thuật của các tuyến đường ở cấp thấp, chủ yếu là loại A, loại B, chưa phù hợp với tốc độ tăng của số lượng phương tiện giao thông và nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân. Có nơi công tác giải phóng mặt bằng chưa thực sự hiệu quả, làm chậm tiến độ thi công công trình...

Đến nay, toàn tỉnh còn khoảng 93,5 km đường đến trung tâm xã chưa được cứng hóa, gồm 48 km của 3 xã thuộc huyện Bảo Lâm; 21 km của 3 xã thuộc huyện Trùng Khánh; khoảng 29,5 km của 3 xã thuộc các huyện: Hạ Lang, Hòa An, Nguyên Bình. Từ đó, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân, nhất là nhân dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Giám đốc Sở GTVT Lã Hoài Nam cho biết: Nhằm góp phần xây dựng hoàn chỉnh hệ thống GTNT cũng như khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện đầu tư xây dựng GTNT, thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc phát triển GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới. P

hát huy tiềm năng, nội lực và tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương gắn với huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và sự đóng góp của nhân dân tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng GTNT, bảo đảm sự gắn kết, liên hoàn và thông suốt hệ thống GTNT với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh.

Tiếp tục tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và phát triển GTNT các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến ngày công, vật lực cùng Nhà nước đầu tư xây dựng các tuyến GTNT; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng công trình đường để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, bảo đảm tính ổn định, bền vững và kéo dài tuổi thọ của công trình trong khai thác sử dụng. Qua đó, phục vụ nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa, phát triển KT - XH của địa phương.

Nguồn: Báo Cao Bằng