Đề xuất mô hình mối nối dầm cột bê tông cốt thép dạng chữ T dựa trên lý thuyết mới về phá hoại cắt bản lề

Ngày 07/06/2020
TS. Trần Xuân Hòa, Trường Đại học Giao thông vận tải - Phân hiệu tại TP. HCM cho biết, một mô hình mới được đề xuất cho mối nối dầm cột bê công cốt thép (BTCT) hai chiều dạng chữ T. Mô hình này được phát triển trực tiếp từ lý thuyết phá hoại cắt bản lề. Các phần tử lò xo thanh và lò xo liên kết dính trượt thể hiện các thanh cốt thép và liên kết giữa thép với bê tông xung quanh. Khác với những mô hình đa lò xo trước đó, các phần tử thanh chống được sử dụng để mô phỏng lõi bê tông.

Ảnh minh họa

Trong phạm vi nghiên cứu, ứng xử đơn điệu của mối nối chữ T được tính toán để dự đoán đường bao ứng xử trong trường hợp tải trọng tuần hoàn. Mô hình mới cho mối nối chữ T được xác thực độ tin cậy thông qua kết quả ứng xử của một vài mẫu thí nghiệm.

Mô hình mối nối chữ T trong bài báo này kế thừa mô hình mối nối chữ thập trước đó của tác giả. Về cơ bản, ma trận độ cứng của phần tử mối nối được xây dựng dựa trên cơ sở lý thuyết phá hoại cắt bản lề của Shiohara, cải tiến những hạn chế lý thuyết thanh chống và giàn của Paulay.

Bài báo giới thiệu một mô hình phần tử mối nối dầm cột hai chiều bê tông cốt thép áp dụng cho trường hợp dạng chữ T - thường nằm ở phía biên của kết cấu khung nhà. Trong phạm vi nghiên cứu, ứng xử đơn điệu dưới tác dụng của tải trọng ngang - ở đây là đường cong quan hệ giữa lực cắt cột và độ lệch tầng - được tính toán để dự đoán đường bao của đường cong tương ứng dưới tác dụng của tải trọng lặp. - Hai mẫu khung dầm cột bê tông cốt thép có mối nối dạng chữ T được phân tích bằng mô hình mới để kiểm chứng với thí nghiệm. Kết quả cho thấy mô hình mới dự đoán tốt điểm đi xuống của đường cong quan hệ giữa lực cắt cột và độ lệch tầng.

Nguồn: Tap chí GTVT