Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đảm bảo ATGT đường sắt

Ngày 17/05/2021
TNGT đường sắt chủ yếu xảy ra trên những đường ngang giao cắt với đường sắt. Do đó, việc bổ sung hệ thống đèn cảnh báo tự động, cần chắn tự động trên các đường ngang này để nâng cao mức độ cảnh báo TNGT là rất cần thiết.

Radar phát hiện chướng ngại vật được lắp đặt thử nghiệm tại đường ngang km167+980, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh

Thực trạng TNGT tại các đường ngang

Tính đến ngày 31/12/2021, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) được Bộ GTVT giao quản lý 1.511 đường ngang giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, bao gồm 658 đường ngang có người gác; 138 đường ngang biển báo; 715 đường ngang cảnh báo tự động, trong đó có 705 đường ngang có cần chắn tự động.

Theo thống kê của Tổng công ty, từ năm 2016 đến tháng 3/2021, tại các đường ngang có người gác xảy ra 20 vụ TNGT, làm chết 12 người, bị thương 35 người, gây thiệt hại rất lớn về con người và tài sản. Nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn này chủ yếu do ý thức chấp hành quy định pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt của người tham gia giao thông còn chưa cao, cũng như sơ suất của nhân viên gác chắn trong quá trình làm nhiệm vụ. Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ngày 7/3 tại đoạn đường sắt giao với đường dân sinh (tại lý trình Km 901+580 thuộc thôn Nam Bình 2, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) giữa ô tô 7 chỗ và tàu hỏa SH3 chạy hướng Bắc - Nam, khiến 3 người trong một gia đình thương vong là một ví dụ điển hình.

Mặt khác, trước năm 2017, trên đường sắt quốc gia còn tồn tại 452 đường ngang biển báo. Thống kê từ năm 2014 - 2017 cho thấy, tại 452 đường ngang biển báo đã xảy ra 135 vụ tai nạn, làm chết 78 người, bị thương 130 người. Vì vậy, việc thực hiện nâng cấp, cải tạo bổ sung đầy đủ hệ thống thông tin tín hiệu đối với đường ngang biển báo và đường ngang có gác để nâng cao hiệu quả đảm bảo ATGT là rất cần thiết.

Tăng cường ứng dụng công nghệ vào đảm bảo ATGT đường sắt

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty ĐSVN Trần Thiện Cảnh, để nâng cao mức độ ATGT đường sắt, từ năm 2018, Tổng công ty đã thực hiện nâng cấp, cải tạo 452 đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động và đường ngang có người gác. Căn cứ nguồn vốn được bố trí, từ năm 2018 đến nay, Tổng công ty đã hoàn thành nâng cấp đưa vào khai thác sử dụng được 370/452 đường ngang. Các đường ngang sau khi được đầu tư nâng cấp và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả giảm thiểu TNGT đường sắt - đường bộ, góp phần thay đổi diện mạo hệ thống đường sắt quốc gia.

Cảnh báo tự động có cần chắn tự động tại đường ngang

Bên cạnh đó, Tổng công ty ĐSVN cũng đã triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các đường ngang và các đơn vị quản lý. 100% đường ngang có gác đã được lắp đặt 2 camera (1 trong chòi gác chắn và 1 ngoài mặt đường ngang); lắp đặt camera trên toàn bộ đường ngang cảnh báo tự động; bố trí các phòng trực giám sát tập trung theo dõi hình ảnh camera của các đường ngang tại trụ sở 20 công ty cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt, nhằm hỗ trợ quản lý, điều hành công tác đảm bảo ATGT tại các đường ngang.

Hiện tại, vẫn còn 82 đường ngang biển báo cần được nâng cấp. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế vốn cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình bão lũ cuối năm 2020 nên Tổng công ty chưa thể hoàn thiện trong năm vừa qua. Tổng công ty đã báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn 1.143 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2023 để tổ chức triển khai thực hiện nâng cấp, cải tạo các đường ngang.

Trước mắt, trong năm 2021, Tổng công ty ĐSVN cần 96 tỷ đồng để tiếp tục triển khai thực hiện nâng cấp, cải tạo 82 đường ngang biển báo mà năm 2020 đang thực hiện dở dang.

Ông Trần Thiện Cảnh cho biết thêm, trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào đảm bảo ATGT chạy tàu. Thời gian qua, Tổng công ĐSVN đã lắp đặt thử nghiệm tại đường ngang Km167+980, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh hệ thống cần chắn tự động đóng kín đường ngang (4 cần chắn) và radar phát hiện chướng ngại vật trên đường ngang. Sau hai năm thử nghiệm và sử dụng, đến nay, hệ thống này đã phát huy hiệu quả ATGT. Tổng công ty ĐSVN đã có đánh giá tổng kết và báo cáo Bộ GTVT xem xét cho phép được áp dụng rộng rãi trên hệ thống đường sắt quốc gia.

Tổng công ty ĐSVN cũng đã phê duyệt Đề án ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực đường sắt và giao các ban nghiên cứu tham mưu việc áp dụng công nghệ mới để giảm thiểu TNGT đường sắt và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty ĐSVN, trong đó có nội dung lắp đặt cần chắn tự động thử nghiệm tại các đường ngang có người gác với mật độ giao thông của người và phương tiện ít, trên các tuyến đường sắt có mật độ chạy tàu thấp nhằm giảm thiểu tai nạn đối với nhân viên gác chắn, giảm thiểu sức lao động của nhân viên gác chắn, đồng thời giảm số lượng người gác chắn và đạt được mục tiêu nâng cao ý thức của người tham gia giao thông trên các đường ngang.

Nguồn: Tạp chí GTVT