Thanh Hóa: Ngành GTVT với công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Ngày 12/07/2021
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế, năng lực ứng phó khi thiên tai xảy ra theo lĩnh vực quản lý và khả năng phối hợp, hỗ trợ của các lực lượng, chính quyền các cấp, Sở GTVT Thanh Hóa đã xây dựng, triển khai phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2021. Trong đó, chủ động phòng ngừa, ứng phó với các tình huống thiên tai, kịp thời khắc phục bảo đảm giao thông, giảm thời gian tắc đường, góp phần cùng với các cấp, các ngành và địa phương nhanh chóng khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân.

Tuyến đường giao thông ven biển qua TP Sầm Sơn, mới đưa vào khai thác, sử dụng,
tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, đi lại thuận lợi cho người dân, nhất là mùa mưa bão.

Thực hiện phương án của Sở GTVT, các đơn vị trực thuộc đã kiện toàn Ban Chỉ huy, lập phương án PCTT&TKCN năm 2021; phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, bộ phận để triển khai thực hiện, phối hợp thực hiện nhiệm vụ phù hợp với tình hình, đặc điểm thực tế của đơn vị. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện - vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), TKCN, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông thông suốt. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư dự phòng cần thiết để sẵn sàng tham gia ứng cứu các sự cố thiên tai khi có lệnh điều động...

Đi đôi với đó, Sở GTVT, các đơn vị lập kế hoạch kiểm tra các tuyến đường trọng điểm, các vị trí, lý trình, đoạn tuyến hay xảy ra sạt lở, ngập lụt... gây nguy hiểm, tắc đường; công tác chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện, vật tư, vật liệu và có phương án để kịp thời xử lý khi tình huống xảy ra và xong trước mùa mưa bão.

Tăng cường công tác tuần kiểm, phát hiện sớm các hư hỏng như mố, trụ cầu, cống, đường ngầm, tràn, tường chắn; sơn, chỉnh sửa, cắm bổ sung cọc tiêu, biển báo hiệu đường bộ; cột thủy trí ở những đoạn đường, các ngầm, tràn thường bị ngập nước; biện pháp chống va trôi trên các tuyến đường thủy nội địa..., để đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị quản lý hạ tầng giao thông thực hiện xong trước mùa mưa bão.

Đối với các đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ đã và đang huy động lực lượng, phương tiện khơi thông cống rãnh để thoát nước, phát cây, rãy cỏ, vá ổ gà; sửa chữa, xử lý sình lầy nền, mặt đường; sửa chữa những hư hỏng như mố, trụ cầu, cống, đường ngầm, tràn, tường chắn; sơn, chỉnh sửa, cắm bổ sung cọc tiêu, biển báo hiệu đường bộ; cột thủy trí ở những đoạn đường, các ngầm, tràn thường bị ngập nước.

Đồng thời, chuẩn bị phương tiện, nhân lực, vật tư, vật liệu, thiết bị xe, máy cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông tại các vị trí, lý trình, đoạn tuyến xung yếu hay xảy ra sạt lở, ngập lụt... trên các tuyến đường và xong trước mùa mưa bão. Chủ động lập phương án phân luồng, cảnh giới giao thông cho người, các phương tiện trong trường hợp xảy ra ách tắc giao thông do sạt lở, sụt trượt, ngập lụt gây nguy hiểm trên các tuyến đường do đơn vị quản lý. Chuẩn bị phương tiện, nhân lực, vật tư, thiết bị máy cần thiết để kịp thời khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông và sẵn sàng tham gia ứng cứu các sự cố thiên tai khi có lệnh điều động.

Đối với các đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường thủy nội địa, xây dựng kế hoạch bảo quản, dời chuyển, quản lý phao tiêu, báo hiệu; kiểm tra, phát hiện chướng ngại vật, khu vực chuyển luồng để có báo hiệu, hướng dẫn kịp thời; bảo dưỡng các phương tiện, thiết bị tàu, ca nô, phao đáp ứng đưa vào sử dụng được ngay khi cần. Thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường thủy nội địa: tổng hợp các loại trang thiết bị, phương tiện, vật tư vật liệu của đơn vị mình và ký hợp đồng nguyên tắc với các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn để huy động cho công tác PCTT&TKCN...

Các ban quản lý dự án giao thông và các đơn vị thi công các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án PCTT&TKCN, bảo đảm giao thông trong mùa mưa bão cho các công trình đang thi công. Như việc khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra ở khu vực công trình đang thi công và chịu trách nhiệm bảo đảm giao thông, phân luồng, cảnh giới giao thông trong trường hợp xảy ra ách tắc do sạt lở, sụt trượt, ngập lụt gây nguy hiểm trên đoạn tuyến đang thi công.

Các công trình cầu vượt sông, suối đang thi công, phải thi công khẩn trương vượt lũ, kịp thời thanh thải các vật cản, khơi thông dòng chảy và có phương án bảo vệ chống va, trôi. Chuẩn bị phương tiện, nhân lực, vật tư, thiết bị, xe, máy cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông và sẵn sàng tham gia ứng cứu các sự cố thiên tai khi có lệnh điều động. Các đơn vị vận tải đường bộ, đường thủy có kế hoạch chuẩn bị nhân lực, phương tiện vận tải khách, vận tải hàng hoá hoạt động tốt, phục vụ được ngay để sẵn sàng tham gia ứng cứu các sự cố thiên tai khi có lệnh điều động.

Đồng chí Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Sở GTVT, cho biết: Để triển khai, thực hiện có hiệu quả phương án PCTT&TKCN, sở đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý trực tiếp các tuyến đường tỉnh, đường đô thị, hệ thống đường giao thông nông thôn, đường chuyên dùng, xây dựng phương án PCTT&TKCN để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn cho người, các phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường quản lý. Các đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ và các đơn vị đang thi công, cải tạo nâng cấp, sửa chữa các công trình giao thông trên địa bàn, phải chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị, xe, máy tại các vị trí, lý trình, đoạn tuyến xung yếu hay xảy ra sạt lở, sụt trượt, ngập lụt.

Đi đôi với đó, các đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ tại mỗi hạt, đội quản lý phải bố trí máy ủi, máy xúc, xe ô tô tải, máy cưa cắt cây; vật tư, vật liệu dự phòng như đá hộc, đá thải, rọ thép... của đơn vị mình hoặc ký hợp đồng nguyên tắc với các chủ mỏ vật liệu, chủ phương tiện, thiết bị, xe, máy trên địa bàn để kịp thời khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông thông suốt và sẵn sàng tham gia ứng cứu các sự cố thiên tai khi có lệnh điều động.

Khi có thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Sở GTVT, ban chỉ huy PCTT&TKCN các đơn vị thường trực 24/24 giờ theo dõi tình hình diễn biến, bảo đảm chế độ thông tin liên lạc kịp thời để chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức điều động nhân lực, phương tiện, thiết bị cứu người, bảo vệ tài sản; gia cố, sửa chữa ngay các hư hỏng để giảm nhẹ thiệt hại. Có biện pháp phân luồng, báo hiệu, phong tỏa, cảnh giới khu vực các tuyến đường, cầu... bị hư hỏng, ngập lụt gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông để bảo đảm an toàn giao thông và báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại, phương án và kết quả khắc phục hậu quả về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Sở GTVT và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, cá nhân liên quan để điều động các loại thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải người và hàng hóa cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan để ứng cứu các nơi cần thiết như đắp đê, đào hót đất sụt, di dân, cứu hộ, vận chuyển lương thực, thực phẩm... trước, trong và sau các đợt thiên tai nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nguồn: Báo Thanh Hóa