Cứng hóa giao thông nội đồng - Đòn bẩy cho sản xuất nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc

Ngày 22/07/2021
Phát triển giao thông nội đồng (GTNĐ) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM). Với hàng trăm km được cứng hóa, phong trào xây dựng GTNĐ đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân, nhất là ở các xã miền núi của tỉnh.

Đường giao thông nội đồng xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch được xây dựng theo chuẩn nông thôn mới

Theo số liệu được đưa ra trong Đề án cứng hóa đường trục chính GTNĐ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 - 2020, toàn tỉnh có hơn 2.100 km GTNĐ, bao gồm hơn 1.100 km đường trục chính và trên 1.000 km đường nhánh.

Tuy vậy, đến năm 2010, tỷ lệ đường GTNĐ được cứng hóa mới chỉ đạt 7,2%, tập trung ở các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, và thành phố Phúc Yên.

Tại các xã miền núi của tỉnh, tỉ lệ GTNĐ được cứng hóa gần như bằng 0. Các tuyến đường đất nhỏ hẹp khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân từ khu dân cư đến đồng ruộng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa.

Không chỉ vậy, thực trạng này còn gây trở ngại trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, kìm hãm sự phát triển kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp của các địa phương.

Trước thực tế đó, năm 2011, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết 02 về hỗ trợ phát triển đường GTNĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020.

Với quan điểm: Để phương tiện cơ giới đường bộ đến được tất cả các khu sản xuất, khu chăn nuôi trong mọi điều kiện thời tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng gia sản xuất và mở rộng các ngành nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống ấm no cho nhân dân, các địa phương được hỗ trợ 100% kinh phí cho các công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thanh quyết toán theo quy định hiện hành (không bao gồm hỗ trợ hạng mục bồi thường giải phóng mặt bằng của các công trình).

Sau 10 năm triển khai, đến nay, toàn tỉnh đã cứng hóa được 874 km trục chính nội đồng, đạt 80.9%. Trong đó, tỷ lệ cứng hóa của Lập Thạch là 56,5%, Tam Đảo là 79%, Sông Lô là 65,45%...

Kết quả này đã đưa đến một làn gió mới, góp phần làm thay đổi diện mạo của hầu khắp các địa phương, đặc biệt là các xã trung du, miền núi của tỉnh.

Là một xã miền núi nằm ở phía Đông Bắc của huyện Lập Thạch, xã Hợp Lý có 4,3/8 km trục chính GTNĐ được cứng hóa, đạt 53,8%. Mặc dù tỷ lệ này chưa thể coi là “lý tưởng”, song đã tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Lý Nguyễn Xuân Hồng chia sẻ: “Trước đây, 100% các tuyến GTNĐ trong xã là đường đất. Vào mùa mưa, đường xá lầy lội; việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp của bà con trong xã rất khó khăn.

Hiện nay, nhiều tuyến GTNĐ được đầu tư xây dựng, không chỉ giúp bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, mà tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy lên cao”.

Cụ thể, tại Hợp Lý hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch lúa đã đạt gần 100%. Ngoài ra, người dân cũng bắt đầu áp dụng cơ giới hóa trong gieo cấy với tỷ lệ cấy máy đạt 10 -15%.

Trong xã đã bắt đầu xuất hiện các mô hình sản xuất quy mô lớn. Các hộ dân chuyển dần sang phát triển TTCN, thương mại - dịch vụ, tuy nhiên nhờ sản xuất nông nghiệp thuận tiện dễ dàng hơn trước nên tỷ lệ bỏ ruộng rất ít, chủ yếu là trong vụ mùa với tỷ lệ chỉ khoảng 15 -20%. Năm 2020, tổng giá trị thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp của xã đạt 100 tỷ đồng.

Tương tự, tại xã Hồ Sơn (Tam Đảo) việc đầu tư hệ thống GTNĐ cũng góp phần tích cực vào thúc đẩy sản xuất hàng hóa, đưa Hồ Sơn trở thành một trong những địa phương đi đầu của huyện Tam Đảo về sản xuất rau màu.

Trên những con đường bê tông trải dài ra tận đồng ruộng, ông Nhâm Đức Cải, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Thanh Hà, xã Hồ Sơn hồ hởi: "GTNĐ nhiều năm về trước vẫn còn là đường đất nhỏ hẹp, gồ ghề, xói lở.

Tuy nhiên, được sự quan tâm của nhà nước đến nay, việc cứng hóa trục chính GTNĐ của xã đã đạt tỉ lệ khá cao, tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện, xe cộ ra tận cánh đồng, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển vật tư nông nghiệp, hàng hóa của các thành viên HTX.

Cũng nhờ vậy mà HTX có điều kiện phát triển sản xuất, cung ứng ra thị trường trên 500 tấn rau su su, 500 tấn rau cải các loại mỗi năm".

Trên cơ sở tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của các địa phương, phong trào làm đường GTNĐ đã góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đưa nông nghiệp của tỉnh từng bước phát triển bền vững.

Tiếp tục những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2021 -2025, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục cứng hóa toàn bộ hệ thống GTNĐ, tập trung cho công tác duy tu, bảo dưỡng và cải tạo nâng cấp tuyến đường được đầu tư từ những năm trước. Phấn đấu đến hết năm 2022, toàn bộ các huyện đạt chuẩn NTM, hết năm 2025 có 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc