Thiết bị đặc biệt thay trưởng tàu giám sát an toàn

Ngày 07/09/2021
Ngành Đường sắt đang sử dụng một thiết bị đặc biệt thay thế trưởng tàu và nhân viên an ninh, kiểm soát an toàn cho cả đoàn tàu.

Việc này vừa giảm thiểu chi phí, bớt lây lan dịch bệnh còn loại bỏ sơ suất do yếu tố con người.

Tàu dài trăm mét không cần trưởng tàu

Đang kiểm tra lại bộ thiết bị đuôi tàu trước khi tiếp tục cho tàu hàng chạy tại ga Đồng Hới, anh Nguyễn Bá Phúc Hải, lái tàu Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết: “Trước đây, để giám sát và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho cả đoàn tàu trong suốt hành trình, đều phải có trưởng tàu hàng và các nhân viên đi theo. Gần đây, ngành áp dụng công nghệ, lắp thiết bị đuôi tàu vào đoàn tàu để thay thế trưởng tàu nên hầu hết các đoàn tàu hàng không cần có trưởng tàu”, anh Phúc cho hay.

Lái tàu vừa theo dõi các thông số trên bảng điều khiển cabin đầu máy
vừa theo dõi module thiết bị đuôi tàu

“Thiết bị này có nhiều tính năng và phát tín hiệu lên đầu máy báo cho lái tàu biết đoàn tàu đang ở trong trạng thái gì để chủ động theo dõi, xử lý các vấn đề phát sinh. Về mức độ an toàn, thiết bị này không khác gì khi có trưởng tàu trông coi ở đuôi tàu”, lái tàu Hải nói.

Bộ thiết bị này gồm module bộ lái tàu điều khiển để ở ngay trước mặt lái tàu; module máy chính đuôi tàu ở đuôi tàu và báo lên module bộ lái tàu điều khiển các thông số kĩ thuật như: Áp lực gió ở đuôi tàu; Lượng pin còn lại của thiết bị đuôi tàu; Đang ở chế độ ngày hay đêm… Qua các thông số này có thể biết đoàn tàu có đủ an toàn để di chuyển hay không.

Người lái tàu phải để ý thường xuyên chế độ làm việc của thiết bị đuôi tàu. Màn hình module bộ lái tàu điều khiển hiển thị các thông số cần thiết để người lái tàu giám sát, đến mức nào đó cần thiết phải tác động thì module này sẽ phát chuông, đèn nháy để lái tàu chú ý, xử lý kịp thời.

Trường hợp nguy cấp, lái tàu có thể ấn nút trên module để điều khiển thiết bị đuôi tàu thực hiện chế độ dừng tàu.

“Tác dụng chính của bộ thiết bị này là giám sát cả đoàn tàu. Vì thiết bị đuôi tàu luôn lắp ở toa cuối cùng, nếu xảy ra đứt tàu, thiết bị sẽ báo ngay cho lái tàu biết; Đồng thời ngay lập tức tàu dừng, vì vậy rất an toàn”, lái tàu Hải nói.

Lái tàu Đỗ Trọng Quang chia sẻ thêm, ứng dụng thiết bị này giảm được nhiều nhân sự, không dùng trưởng tàu và nhân viên. Tuy nhiên, việc này tăng khối lượng công việc và trách nhiệm của lái tàu so với trước do phải kiêm nhiệm các nhiệm vụ của cả trưởng tàu.

Nếu đoàn tàu xảy ra sự cố dọc đường hoặc va phạm với phương tiện giao thông đường bộ, người lái tàu phải đứng ra lập biên bản và giải quyết các thủ tục liên quan.

Hoặc nếu tàu chạy dọc đường, sẽ có nguy cơ mất thiết bị toa xe, hàng hóa, lái tàu sẽ phải đền nếu không phát hiện kịp thời và báo các đơn vị liên quan.

“Toa xe thường được kẹp chì, niêm phong chắc chắn nên khó bị lấy trộm. Nhưng nếu tàu chờ tránh vượt lâu, nguy cơ mất guốc hãm toa xe, đe dọa an toàn chạy tàu. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho cả đoàn tàu, tránh mất thiết bị, chúng tôi thường thực hiện hãm đoàn tàu để guốc hãm bám chặt vào bánh xe nên kẻ gian rất khó tháo”, lái tàu Quang nói.

Giảm chi phí, lao động

Lái tàu lắp thiết bị đuôi tàu vào toa xe cuối cùng của đoàn tàu

Đại diện Xí nghiệp Đầu máy Yên Viên cho biết, hiện đường sắt Việt Nam đang sử dụng rộng rãi các thiết bị của Nam Phi, Trung Quốc.

“Trước đây sử dụng toa xe trưởng tàu, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, đăng kiểm định kỳ hàng năm rất lớn. Ngoài ra còn phải đầu tư đóng mới, đắt hàng chục lần so với đầu tư thiết bị đuôi tàu. Đầu tư đóng mới một toa xe trưởng tàu mất vài tỉ đồng, trong khi một bộ thiết bị đuôi tàu chỉ hơn 100 triệu đồng. Hơn nữa, thiết bị dùng bền, mỗi lần sửa chữa chỉ mất vài triệu đồng, còn nếu toa xe vào sửa chữa lớn mất hàng chục triệu đồng”, vị đại diện này cho hay.

Để tránh phụ thuộc phải nhập khẩu thiết bị nước ngoài cũng như nhập khẩu linh kiện thay thế, thời gian qua, Ban Đầu máy - Toa xe Tổng công ty Đường sắt VN phối hợp với trường Đại học GTVT thực hiện đề tài khoa học và chế tạo ra bộ thiết bị đuôi tàu mới. Hiện, xí nghiệp đang chạy thử nghiệm hai bộ, với chất lượng tốt, công nghệ mới nên gọn nhẹ, dễ thay thế.

Ông Phan Quốc Anh, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, việc áp dụng công nghệ thiết bị đuôi tàu vào chạy tàu hàng được ngành Đường sắt triển khai mấy năm nay. Hiệu quả về an toàn chạy tàu thấy rõ, đồng thời mang lại hiệu quả cao, tiết giảm nhân lực, chi phí.

Trước kia, một đoàn tàu hàng đi chặng ngắn cần ít nhất một trưởng tàu, còn chặng dài như tàu Bắc - Nam sẽ cần đến 3 trưởng tàu thay nhau làm nhiệm vụ, cùng đi còn có nhân viên kĩ thuật toa xe.

Để các nhân viên này làm nhiệm vụ dọc đường, cần bố trí toa xe trưởng tàu. Nhưng khi sử dụng thiết bị đuôi tàu, sẽ tiết giảm được chức danh trưởng tàu, tức là giảm được chi phí trả lương và các chế độ khác với hàng trăm lao động này.

Mặt khác, do không cần toa xe trưởng tàu nên tăng thêm được một toa xe chở hàng, tăng thêm doanh thu.

“Chạy tàu hàng trong mùa dịch Covid-19 hiện nay, việc sử dụng thiết bị này càng cho thấy hiệu quả phòng dịch. Với việc áp dụng chặt mô hình “một cung đường hai điểm đến”, lái tàu hàng chỉ được bố trí đi tàu giữa hai điểm trong một thời gian nhất định. Trên đoàn tàu chỉ có 2 người lái chính và phụ lái, khi dừng tác nghiệp tại ga hay về trạm lưu trú, hai nhân viên này cũng không được ra ngoài khu vực ga, hạn chế giao tiếp”, ông Quốc Anh nói.

Tuy nhiên, theo ông Quốc Anh, riêng với tàu hàng nhanh vẫn phải bố trí trưởng tàu vì thời gian dừng đỗ tại các ga ngắn nên lái tàu không thể kiêm nhiệm nhiệm vụ trưởng tàu để xuống ga thực hiện các tác nghiệp, giao nhận toa xe, thương vụ hàng hóa hoặc xử lý sự cố dọc đường.

Ngoài ra, còn có tàu công trình chở máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng đường sắt, nhất là với gói 7.000 tỷ, nên vẫn cần thêm một trưởng tàu để chỉ huy chạy tàu tại công trình.

Ông Quốc Anh cho biết, từ hiệu quả chạy tàu hàng sử dụng thiết bị đuôi tàu trong mùa dịch, tổng công ty còn làm việc với đường sắt Trung Quốc thử nghiệm sử dụng thiết bị đuôi tàu chạy tàu hàng liên vận giữa đường sắt biên giới Lào Cai - Hà Khẩu.

“Chúng tôi sẽ sử dụng thiết bị đuôi tàu trên phần đường sắt Việt Nam, còn trên đường sắt Trung Quốc áp dụng biện pháp an toàn khác. Như vậy sẽ hạn chế được một tổ tàu Việt Nam phải đi qua đường sắt Trung Quốc tác nghiệp, tăng thêm biện pháp phòng dịch giữa hai nước”, ông Quốc Anh nói.

Loại bỏ sơ suất do con người

Ông Nguyễn Phong Hải, Phó trưởng ban An ninh - An toàn Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, theo quy trình chạy tàu trước đây, nếu trưởng tàu không theo dõi thường xuyên, không phát hiện sớm, đến khi cần sử dụng hãm, dừng tàu vì có chướng ngại phía trước sẽ rất nguy hiểm.

Còn khi gắn thiết bị đuôi tàu vào toa cuối cùng, nối với ống hãm, thiết bị sẽ tự động đo áp lực gió và phát tín hiệu lên module bộ lái tàu điều khiển.

Lái tàu chỉ ngồi trên đầu máy nhưng vẫn biết trạng thái gió hệ thống ống hãm đoàn xe đủ hay thiếu để xử lý kịp thời.

“Áp dụng công nghệ, sử dụng thiết bị đuôi tàu sẽ thay thế được trưởng tàu hàng, giảm lao động, giảm yếu tố chủ quan, tăng tính an toàn và tăng tính chủ động cho lái tàu”, ông Hải nói.

T.T

Nguồn: Báo Giao thông