Thách thức lớn dần với Airbus, Boeing tại thị trường Trung Quốc

Ngày 06/10/2021
Trung Quốc được đánh giá là mảnh đất màu mỡ với các nhà sản xuất máy bay thương mại hàng đầu thế giới như: Airbus, Boeing và Embraer… Tuy nhiên, thị trường béo bở này không còn dễ khai thác vì Bắc Kinh muốn tăng thị phần dành cho máy bay thương mại nội địa.

Ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc
đều đã mua và sử dụng máy bay nội địa ARJ21. Ảnh: Air China

Thị trường lớn hậu đại dịch

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn phải hạn chế hoạt động đi lại trong nước và quốc tế để phòng dịch Covid-19, Trung Quốc lại phục hồi khá nhanh hoạt động đi lại trong nước.

Theo báo cáo do Viện Du lịch Trung Quốc, ngành du lịch nước này dự báo sẽ đạt 4,1 tỉ chuyến nội địa trong năm 2021, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, viện này cũng dự báo lợi nhuận từ ngành du lịch trong nước sẽ đạt 511 tỉ USD, tăng 48% trong cùng kỳ năm ngoái.

Cùng lúc, khảo sát thường niên đối với các cá nhân có thu nhập cao do Công ty Nghiên cứu Hurun Report của Trung Quốc cho biết, tỉ lệ người quan tâm tới ngành du lịch nội địa đã tăng 31% so với cùng năm 2020 và 44% người được hỏi có kế hoạch tăng chi tiêu du lịch.

Ông Richard Wynne, Giám đốc Quản lý thị trường tại Trung Quốc của Boeing cho biết: “Có rất nhiều cơ hội tiềm năng để mở rộng các tuyến bay đường dài quốc tế và phát triển năng lực vận tải hàng hoá hàng không.

Ngoài ra, về lâu dài, tiềm năng tăng trưởng đối với hàng không giá rẻ sẽ cao hơn, kéo theo nhu cầu cao đối với máy bay thân hẹp”.

Ngay tại triển lãm hàng không lớn nhất Trung Quốc vừa diễn ra cách đây 1 tuần ở TP Chu Hải, các nhà sản xuất thương mại cũng ca ngợi triển vọng phục hồi sau đại dịch của thị trường hàng không Trung Quốc.

“Chúng tôi tin rằng, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới trong tương lai”, Giám đốc điều hành hãng Hàng không Thương mại Embraer Arjan Meijer nhận định và cho rằng, Embraer đã gây dựng vị thế tích cực và mạnh mẽ trên thị trường Trung Quốc nên hãng có nền tảng vững chắc để khai thác phân khúc máy bay tiên tiến nhất - E2.

Nhiều thách thức

Máy bay ARJ21 của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Trong báo cáo triển vọng thị trường thương mại của Boeing từ 2021 - 2040, Boeing rất lạc quan với “lưu lượng hàng không mạnh mẽ” tại thị trường hàng không Trung Quốc và dự báo chỉ số tăng trưởng hành khách hàng năm sẽ tăng trung bình 5,4%.

Tuy thị trường Trung Quốc đầy hứa hẹn nhưng các hãng sản xuất máy bay quốc tế đang gặp nhiều rào cản. Thứ nhất là vì chính phủ Trung Quốc đang muốn ưu tiên, dành thị phần cho máy bay nội địa.

Hiện tại, Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) đang tăng cường sản xuất máy bay thương mại khu vực ARJ21 (90 chỗ) và dự kiến CAAC sẽ phê chuẩn máy bay C919 (160 chỗ) - đối thủ cạnh tranh với Airbus A320 và Boeing Co 737 trong năm nay.

Trong khi đó, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc vẫn chưa phê duyệt những mẫu máy bay nhỉnh hơn ARJ21, đã sở hữu động cơ tiên tiến và hiệu quả nhiên liệu do Airbus (Châu Âu) và Embraer (Brasil) sản xuất.

Giám đốc điều hành Airbus tại thị trường Trung Quốc - ông George Xu cho biết, Airbus đang đàm phán với Trung Quốc để được cấp giấy chứng nhận, song song với các dịch vụ hỗ trợ.

Đây là chìa khoá quan trọng để khách hàng tin tưởng và ra quyết định đặt hàng.

Năm ngoái, CAAC cũng công khai tuyên bố, Trung Quốc có nhiều chính sách ưu đãi như cấp slot (kế hoạch thời gian đến hoặc đi từ một sân bay dành cho một máy bay vào một ngày giờ nhất định), tạo thuận lợi cho các hãng sử dụng máy bay nội địa.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác có thể là tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tại cuộc họp báo gần đây, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimodo chỉ trích, Chính phủ Trung Quốc không tuân thủ cam kết mua hàng hoá của Mỹ như trong thoả thuận thương mại đạt được năm 2020.

Theo bà Raimodo, các hãng hàng không Trung Quốc đang muốn mua máy bay với những hợp đồng lên tới hàng chục tỷ USD nhưng đang bị Bắc Kinh cản trở.

Đến thời điểm này, Boeing và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington DC vẫn chưa bình luận về nhận định trên.

Theo Boeing, thị trường hàng không nội địa Trung Quốc sẽ vượt qua thị trường vận tải hành khách xuyên châu Âu vào năm 2030 và vượt qua lưu lượng khách khu vực Bắc Mỹ vào năm 2040.

Với dự báo đó, hãng sản xuất máy bay của Mỹ ước tính, trong vòng 2 thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ cần 8.700 máy bay mới, trị giá gần 1,5 nghìn tỷ USD trong đó có 6.000 máy bay thân hẹp. Xu hướng máy bay sẽ đi theo hướng bền vững và hiệu quả nhiên liệu cao.

Nguồn: Báo Giao thông