Phó Thủ tướng Thường trực - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Phạm Bình Minh
chủ trì Hội nghị giao ban quý III/2021 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ngày 14/10/2021. Ảnh Vneconomy
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Phạm Bình Minh tại Thông báo kết luận số 278/TB-VPCP ngày 25/10/2021 của Văn phòng Chính phủ về Hội nghị giao ban quý III năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị: Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải và đơn vị có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các lực lượng chức năng trong Ngành tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Giao thông vận tải về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, thuộc các lực lượng chức năng, xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả công tác.
Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin phù hợp với tình hình mới; công bố, công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail đường dây nóng của đơn vị, bảo đảm thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân.
Phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và các cơ quan chức năng có liên quan khi có yêu cầu. Nắm bắt kịp thời thông tin về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại từ các cơ quan chức năng để kịp thời bổ sung các giải pháp ngăn chặn kịp thời. Trong phạm vi thẩm quyền của mình chia sẻ các thông tin về quản lý điều hành vận tải, thiết bị giám sát hành trình khi có yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan chức năng.
Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không; đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa; chú ý các mặt hàng điện tử, xăng dầu, thuốc lá, rượu, bia, động vật quý hiếm, khoáng sản, đường cát, thực phẩm tươi sống, vị thuốc cổ truyền giả và thuốc tân dược; chủ động đấu tranh hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ đó đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, kiên quyết ngăn chặn, kịp thời có hiệu quả của hành vi vận chuyển hàng lậu.
Tăng cường tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức tới các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật, chính sách không vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng.
Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền; bổ sung hình thức tuyên truyền trực quan bằng các pano, áp phích tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không và địa bàn trọng điểm.
Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Cục quản lý chuyên ngành xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 gửi Bộ Giao thông vận tải (trước ngày 10/11/2021 qua Vụ Vận tải) để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
X.N