Thuyền viên phải cách ly hai lần, Bộ GTVT đề nghị gỡ khó

Ngày 23/11/2021
Bộ GTVT đề nghị tạo điều kiện cho thuyền viên trong tình hình mới, tránh tình trạng phải cách ly hai lần tại một số nơi như hiện nay.

Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc hồi hương, cách ly thuyền viên Việt Nam.

Bộ GTVT đề nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện tối đa cho thuyền viên hồi hương/thay thế,
đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa trong tình hình mới - Ảnh minh họa

Văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang ký cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, hơn 531 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam phục vụ phát triển KT-XH đất nước.

Với vai trò đặc biệt quan trọng của lĩnh vực vận tải biển, Tổ chức Hàng hải Quốc tế đã có nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên coi thuyền viên là lực lượng lao động chủ chốt cần được ưu tiên di chuyển, đi lại trong thời gian dịch Covid-19.

Thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, chiến lược phòng, chống dịch cũng đã được chuyển sang giai đoạn mới thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả, nhiều quy định về xét nghiệm, cách ly y tế, đi lại của người dân đã được điều chỉnh.

Tuy nhiên, theo phản ánh, hiện nay, thuyền viên Việt Nam rời tàu ở một số địa phương sau khi hết thời hạn lao động phải thực hiện cách ly tại các khách sạn với chi phí cao. Khi rời khu cách ly về địa phương nơi cư trú, thuyền viên lại phải thực hiện cách ly thêm 7 ngày hoặc 14 ngày tại khách sạn hoặc khu cách ly tập trung.

“Như vậy, thuyền viên phải thực hiện cách ly y tế 2 lần với chi phí tăng cao và thời gian kéo dài. Thông thường, sau khi hết hạn nghỉ phép 30 ngày, thuyền viên sẽ trở lại tàu làm việc, thời gian cách ly kéo dài đang ảnh hưởng tiêu cực đến chuối cung ứng và chi phí logistics”, Bộ GTVT cho hay.

Nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho thuyền viên hồi hương/thay thế mới xuống tàu, bảo đảm duy trì thông suốt chuỗi cung ứng vận tải trong tình hình mới, Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế thống nhất quy trình cách ly cho thuyền viên tính từ ngày rời cảng cuối cùng.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương bố trí cho thuyền viên hết hạn hợp đồng lao động được cách ly ở địa điểm hợp lý với chi phí phù hợp để giảm thời gian cách ly, chi phí, áp lực cho thuyền viên khi về nước.

"UBND các tỉnh, thành phố cần xem xét tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe theo văn bản của Bộ Y tế về triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ", văn bản nêu.

Theo hướng dẫn về tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe tại văn bản số 9472 ngày 08/11/2021 của Bộ Y tế về triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ:

Những người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh) tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương; thực hiện xét nghiệm Covid-19 vào ngày thứ nhất; Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.

Những người tiêm chưa đủ liều vắc xin thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo; thực hiện xét nghiệm Covid-19 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương.

Những người chưa được tiêm vắc xin thì thực hiện cách ly 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo; thực hiện xét nghiệm Covid-19 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương. Tất cả các trường hợp cũng phải nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K.

Những người đã tiêm chủng vắc xin hoặc khỏi bệnh Covid-19 tại nước ngoài thì việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.

Nguồn: Báo Giao thông