Bình Phước: Kéo giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia

Ngày 15/07/2022
Thực hiện kế hoạch mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông (từ ngày 20/6 đến 20/9/2022), Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh đã tiến hành tuyên truyền quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại các nhà hàng, quán ăn, karaoke, vũ trường trên địa bàn. Qua kiểm tra đã nhận được sự hợp tác tích cực từ chủ các cơ sở.

Hỗ trợ khách hàng trong bán kính 5km

Theo quy định, các chủ cơ sở kinh doanh phải cam kết một số nội dung, như: Tuyên truyền, nhắc nhở khách sau khi uống rượu, bia không nên lái xe; cơ sở phải treo băng-rôn, pa-nô tuyên truyền nội dung “Đã uống rượu, bia - không lái xe” và nhắc khách không để xe lấn chiếm lòng, lề đường. Quán karaoke Thiên Thanh, giáp Quốc lộ 14, phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài mới được sửa chữa, nâng cấp và hoạt động từ tháng 4/2022.

Với thiết kế rộng rãi và tiện nghi, mỗi ngày quán thường có hàng trăm khách tới giải trí. Sau khi tuyên truyền nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia, Trạm CSGT phụ trách Quốc lộ 14 đoạn qua địa bàn tỉnh đã nhận được sự đồng thuận cao từ chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Dược. Bà Dược cho rằng: “Quy định này rất hợp lý, bởi mục tiêu cuối cùng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng, sự an toàn cho khách sau khi ra về. Chúng tôi sẽ cho in ngay một băng-rôn và một số pa-nô để khách nhìn thấy và tự giác thực hiện. Hiện quán đã bố trí khu vực để xe cho khách rất rộng rãi. Trong trường hợp khách say, taxi đưa về thì cũng yên tâm vì tài sản của mình vẫn được quán giữ hộ an toàn”.

Cán bộ Trạm CSGT phụ trách QL14, Phòng CSGT Công an tỉnh
tuyên truyền phòng, chống tác hại của bia, rượu với
chủ quán karaoke Thiên Đường, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài

Ông Lữ Mạnh Hùng, chủ quán karaoke Thiên Đường ở phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài cho biết: “Nhiều gia đình có nhu cầu tổ chức sinh nhật, mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới hay họp lớp tại quán hoặc sau khi hội họp sẽ tới đây hát. Do vậy, phần lớn khách đều có nồng độ cồn. Sau khi ra khỏi quán, khách tự lái xe về thì chắc chắn sẽ vi phạm. Do vậy, để thực hiện quy định này, chúng tôi đã bố trí cả xe máy và ô tô con để hỗ trợ đưa rước khách trong phạm vi TP. Đồng Xoài. Trường hợp khách muốn gọi taxi riêng thì cũng có dịch vụ đáp ứng ngay”.

Ở phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, Ốc Sài Gòn là một trong những quán nhậu thu hút rất đông khách. Chủ cơ sở kinh doanh là ông Nguyễn Văn Phong đã chủ động có những phương án cụ thể để thực hiện quy định về phòng, chống tác hại của bia, rượu. Ông Phong cho biết: “Tất cả quán đều đồng loạt tuyên truyền quy định của ngành chức năng thì chắc chắn sẽ tạo chuyển biến tích cực. Riêng quán của chúng tôi trước hết là tuyên truyền. Ví dụ nhóm 5 người đi xe ô tô thì đề nghị 1 người không uống rượu, bia để lái xe. Trong trường hợp khách nào cũng say thì chúng tôi sẽ hỗ trợ tiền đi taxi trong bán kính 5km, còn xa hơn thì khách tự lo. Nếu khách đặt hàng trước thì chúng tôi sẽ có taxi đưa đón cả đi lẫn về để đảm bảo an toàn. Trường hợp quán bận không bố trí được taxi thì khách chủ động gọi xe, sau đó chúng tôi sẽ trả lại tiền”.

Thực khách đồng thuận

Chia sẻ suy nghĩ về quy định phòng, chống tác hại của bia, rượu và việc chủ quán tuyên truyền, hỗ trợ tiền taxi cho người nhậu, một người dân đề nghị giấu tên cho biết: “Đời sống kinh tế của người dân càng cao thì nhu cầu ăn uống tại quán ăn, nhà hàng ngày càng phổ biến. Khi đó, người đã có nồng độ cồn mà điều khiển phương tiện thì rất nguy hiểm. Bởi khi say rồi thì việc xử lý tình huống giao thông sẽ không linh hoạt, thiếu chuẩn xác dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông rất cao, đặc biệt trong giờ cao điểm và trời mưa. Nếu chủ các nhà hàng, quán nhậu… hỗ trợ tiền taxi thì quá tốt và phương án này cũng rất khả thi vì trong bán kính 5km, tiền taxi chỉ khoảng 100 ngàn đồng, trong khi thực khách có cảm giác được chăm sóc an toàn tuyệt đối”. Một ý kiến nữa cũng cho rằng: “Thực hiện quy định này người ở nhà sẽ yên tâm. Trong trường hợp bạn bè có quá chén thì cũng có taxi đưa về. Điều quan trọng hơn nữa là quy định này góp phần xây dựng văn hóa giao thông, từ đó sẽ ngày càng hạn chế những vụ ô tô, xe máy gây tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn”. 

Tuyến Quốc lộ 14 đi qua địa bàn tỉnh Bình Phước có chiều dài 115km. Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, song có rất nhiều nhà hàng, quán nhậu, karaoke hoạt động. Để thực hiện tốt chỉ đạo của Công an tỉnh về phòng, chống tác hại của bia, rượu, góp phần giảm tai nạn giao thông, Trạm CSGT phụ trách Quốc lộ 14, Phòng CSGT Công an tỉnh đã triển khai kế hoạch cụ thể. Trung tá Nguyễn Tấn Vạn, Trạm trưởng cho biết: “Chúng tôi đã phân công địa bàn cho từng cán bộ, chiến sĩ phụ trách. Trên cơ sở đó, cán bộ, chiến sĩ sẽ phối hợp với công an các xã, phường tới từng cơ sở, nhà hàng, quán nhậu, karaoke, vũ trường để tuyên truyền, vận động thực hiện theo quy định. Hằng ngày, lực lượng chức năng cũng sẽ xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát tại các khu vực có nhiều nhà hàng, quán nhậu để kịp thời ngăn chặn, xử lý trường hợp vi phạm nồng độ cồn nhằm hạn chế tai nạn giao thông”.

Sau 20 ngày (từ 20/6 đến 10/7/2022) thực hiện Kế hoạch số 86/KH-CAT-PC08 ngày 17/6/2022 về việc triển khai đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh đã giảm trên cả 3 mặt so với thời gian liền kề (so với 20 ngày trước). Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông, làm 6 người chết, 1 người bị thương; giảm 3 vụ, giảm 1 người chết và giảm 4 người bị thương.

Nguồn: Báo Bình Phước