Yên Bái: Kiểm tra thực địa tuyến nối QL32 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua huyện Mù Cang Chải

Ngày 15/08/2022
Vừa qua, đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã kiểm tra thực địa tuyến đường nối Quốc lộ 32 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn chạy qua khu vực Nậm Có, Tà Cua Y và xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.

Cùng đi có đồng chí Giàng A Tông - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Yên Bái, các sở ngành liên quan.

Thực địa tuyến đường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước và Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông cùng đoàn công tác của tỉnh và huyện Mù Cang Chải đã kiểm tra tuyến từ Km17, khu vực Tà Cua Y giáp ranh giữa xã Nậm Có và xã Chế Cu Nha nối quốc lộ 32. 

Tại các điểm kiểm tra, đoàn đã nghe Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh báo cáo tóm tắt về các điểm, tuyến và kiểm tra hướng tuyến, quy mô đầu tư, đặc biệt là kiểm tra thực địa để đánh giá tác động của dự án tại khu vực Tà Cua Y và diện tích rừng của 2 xã.

Theo đó, toàn tuyến đường kết nối Mường La (Sơn La) - Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu) - Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC15 có tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng, quy mô đường cấp 4 miền núi với tổng chiều dài 69km do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. 

Điểm đầu tuyến tại lý trình Km 0(giao với quốc lộ 32 tại khoảng lý trình Km 299+00) thuộc địa phận xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Điểm cuối tuyến tại lý trình Km 68+950 (giao với đường Gia Hội - Đông An tại Km 15+375) thuộc địa phận xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Các ngành của Tỉnh báo cáo tuyến qua bản đồ thực địa với đồng chí Nguyễn Thế Phước -
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh và huyện Mù Cang Chải

Kết thúc chuyến kiểm tra thực địa, đoàn đã có buổi làm việc với huyện Mù Cang Chải. Theo báo cáo của huyện, ngay sau khi triển khai Dự án, huyện Mù Cang Chải đã tập trung chỉ đạo các ngành thành lập 4 tổ phối hợp với các sở ngành và 2 xã vận động nhân dân hiến đất và chủ động đo đạc các diện tích đất ở, đất trồng lúa để hỗ trợ các hộ dân; hiện nay đã hỗ trợ đền bù đất trồng lúa, nhà ở. 

Cũng qua công tác tuyên truyền, hầu hết các hộ dân đều đồng ý hiến đất nương, vườn tạp cho việc thi công tuyến với mong muốn tuyến đường sẽ phục vụ cho sự phát triển chung của huyện nói riêng và vùng lân cận nói chung.

Huyện Mù Cang Chải cũng đề nghị đoàn và các sở ngành của tỉnh cần có cơ chế chuyển đổi các diện tích rừng nghèo kiệt sang đất sản xuất để các hộ dân bị thu hồi đất ruộng có quỹ đất sản xuất; có cơ chế hỗ trợ các hộ dân bị mất hoàn toàn đất trồng lúa để người dân tiếp tục ổn định cuộc sống; các ngành của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với huyện chỉ đạo nhà thầu giải phóng đến đâu thi công đến đó để đảm bảo việc thi công tuyến.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Giàng A Tông nêu rõ việc mở tuyến đường kết nối là chủ trương lớn và là dự án trọng điểm của tỉnh, có vai trò, ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh Yên Bái nói chung và huyện Mù Cang Chải nói riêng. Đây cũng là cơ hội để người dân địa phương có điều kiện phát triển kinh tế trong tương lai. 

Vì vậy, huyện cần tăng cường tuyên truyền, vận động, chia sẻ với người dân để hỗ trợ các hộ mất hoàn toàn đất sản xuất, trồng lúa. Nhà đầu tư, nhà tư vấn tính toán hợp lý đầu tư đường an toàn, hiệu quả đảm bảo hiệu suất. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và huyện đền bù giải phóng mặt bằng hiệu quả và đúng chủ trương, đảm bảo công bằng. Lãnh đạo 2 xã Nậm Có, Chế Cu Nha cần tuyên truyền, vận động bà con không khoanh, đào đất các vùng có tuyến đường chạy qua và vận động nhân dân chia sẻ với các cấp trong việc đền bù; 2 xã cần quản lý tốt các diện tích đất không để bà con xâm lấn và đồng hành cùng các nhà thầu để đảm bảo việc thi công.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh  Nguyễn Thế Phước đã ghi nhận những kết quả công tác tuyên truyền, giải phóng mặt bằng của huyện Mù Cang Chải cùng các ngành và chỉ ra các hạn chế. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn trong quá trình thực hiện cần có sự thống nhất cao giữa các ngành của tỉnh với huyện và các xã.

Đồng chí giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh tăng cường bố trí cán bộ phối hợp chặt chẽ với huyện, 2 xã và các thôn bản để giải quyết các vấn đề phát sinh một cách triệt để, tiếp thu ý kiến lãnh đạo địa phương chỉ đạo các đơn vị thi công tổ chức triển khai thi công tuyến đường có hiệu quả và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Sở Giao thông vận tải sớm đề xuất UBND tỉnh đầu tư xây dựng các tuyến kết nối với tuyến đường để khai thác hiệu quả, rà soát lại bản vẽ thi công để có thiết kế phù hợp địa hình và hạn chế tác động đến môi trường cảnh quan; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc thi công của các nhà thầu. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng các diện tích đất rừng và bàn giao các diện tích đất cho nhà thầu, có phương án quản lý và bảo vệ rừng, nhất là khu vực có tuyến đường chạy qua.

Huyện Mù Cang Chải tiếp tục quan tâm tuyên truyền vận động nhân dân đồng thuận hiến đất, phối hợp các cơ quan, đơn vị để thi công tuyến; rà soát lại quỹ đất trên địa bàn 2 xã để xem xét giao đất sản xuất cho các hộ mất đất sản xuất, đất trồng lúa…; ưu tiên các chính sách hỗ trợ của các cấp cho các hộ hiến đất, mất đất sản xuất để đời sống người dân được ổn định; kịp thời động viên, khen thưởng, tuyên dương các hộ hiến đất trên địa bàn. 

Cùng với đó, lãnh đạo 2 xã cần quan tâm và phối hợp tốt trong công tác giải phóng mặt bằng và tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất để việc mở tuyến đường hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Nguồn: Báo Yên Bái