Châu Á chạy đua phát triển xe tự lái

Ngày 13/11/2022
Châu Á đang được nhận định là một thị trường năng động và rất cởi mở với xe tự lái.

Điều đó được thể hiện qua việc nhiều nước đã sửa đổi quy định giám sát, quản lý, xây dựng lộ trình phát triển.

Chia sẻ trên trang TechAsia, ông Jason Jameson, Phó chủ tịch cấp cao, Tổng giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của HERE Technologies nhận định, xu hướng thử nghiệm xe tự lái mức độ cao tại châu Á - Thái Bình Dương đang rất hứa hẹn.

Theo nghiên cứu, thị trường xe tự lái ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng 24,5%/năm với giá trị vốn hóa thị trường trong giai đoạn từ 2021-2030 lên tới 286,05 tỷ USD.

Để đón sóng thị trường, ngoài việc cải tiến, phát triển công nghệ còn cần các chính phủ đi trước đón đầu, chuẩn bị nền tảng pháp lý, vừa để cởi trói cho doanh nghiệp được thử nghiệm phương tiện, vừa là cơ sở để phân định đúng sai trong trường hợp xảy ra va chạm, tai nạn.

Kỳ vọng của Hàn Quốc

Ví dụ rõ nhất cho sự cởi mở của các nước châu Á là tại Hàn Quốc. Từ một nước thận trọng trong việc cho phép thử nghiệm, thương mại hóa ô tô tự lái cấp độ 3, vừa qua, Bộ Giao thông Hàn Quốc đã ra thông báo, ngay trong năm 2022 này, xứ sở kim chi sẽ trở thành nước thứ 3 trên thế giới thương mại hóa ô tô tự động cấp độ 3, sau Mỹ và Nhật Bản.

Đây là mức độ cho phép tài xế có thể rảnh tay hơn (nhưng vẫn phải luôn trong trạng thái sẵn sàng phản ứng nếu xe đi vào một số khu vực như đường cao tốc).

Đồng thời, Hàn Quốc đặt mục tiêu thương mại hóa ô tô tự động mức độ 4 vào năm 2027, với kỳ vọng hơn một nửa mẫu ô tô mới ra mắt vào năm 2035 là các mẫu xe tự lái cấp độ 4. Để đạt được mục tiêu này, Hàn Quốc sẽ cải tổ hệ thống giao thông hiện tại và thiết lập các tiêu chuẩn an toàn, chương trình bảo hiểm cho ô tô tự lái và dịch vụ xe buýt tự động cấp độ 4.

Hàn Quốc sẽ phối hợp với các đối tác tư nhân để thực hiện dịch vụ xe tự lái miễn phí tại Jeju

Mức độ 4 là ngưỡng mà một phương tiện có thể tự di chuyển trong một số điều kiện hạn chế và sẽ không hoạt động nếu không đạt các điều kiện cần thiết. Đây chính là điểm khác biệt với mức độ 5 - vận hành trong bất cứ tình huống nào.

Ngay đầu tháng 11 vừa qua, Hàn Quốc cũng thông báo triển khai dịch vụ xe tự lái dành cho cả du khách và người dân địa phương trên đảo Jeju từ ngày 3/11 tới năm 2023.

Bộ Giao thông Hàn Quốc sẽ kết hợp cùng một số doanh nghiệp thực hiện dự án này. Ban đầu, sẽ vận hành 3 phương tiện tự lái, hoạt động từ 10h30-18h30 các ngày trong tuần, hoàn toàn miễn phí cho tới năm 2023.

Nhật cho xe tự lái cấp độ 4 di chuyển nơi công cộng

Cách đây vài tháng, tổ chức cố vấn Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI) đánh giá, dù quy mô thị trường rất triển vọng nhưng Hàn Quốc vẫn chưa sửa đổi quy định để ô tô mức độ 3 có thể vận hành thương mại.

Theo ước tính đến tháng 4/2022, quãng đường ô tô tự lái thử nghiệm tại Hàn Quốc và tích lũy dữ liệu đang thua xa Mỹ. Tại Mỹ, hơn 1.400 ô tô tự động được thử nghiệm trong tổng cộng 3,2 triệu km, trong khi Hàn Quốc (tính đến thời điểm tháng 4/2022), chỉ có khoảng 220 ô tô tự lái được thử trên 720.000km. Với nền tảng quy định mới, giới chức kỳ vọng số ô tô được tham gia thử nghiệm sẽ tăng cao hơn.

Honda đã ra mắt phiên bản nâng cao hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến Honda Sensing (ADAS)

thành hệ thống tự lái cấp độ 3 và ban đầu chỉ phục vụ riêng tại Nhật Bản

Trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới đang cạnh tranh khốc liệt để dẫn đầu trong thương mại hóa các phương tiện tự lái cấp độ 3, KERI cho rằng, để các hãng ô tô tại Mỹ như Tesla, tại Nhật như Honda có thể phát triển nhanh chính là nhờ có sự hỗ trợ về nền tảng pháp lý tại các quốc gia này.

Riêng tại Nhật Bản, nước này đã sửa đổi các quy định liên quan tới ô tô từ năm 2019, cho phép ô tô cấp độ 3 có thể di chuyển ở nơi công cộng một cách hợp pháp, đồng thời cho phép thương mại hoá công nghệ tự lái cấp độ 3.

Và sau tháng 11 này, khi kết thúc thời gian lấy ý kiến cộng đồng, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản sẽ công bố kế hoạch cho phép phương tiện tự lái cấp độ 4 di chuyển ở nơi công cộng với công suất giới hạn bắt đầu từ đầu năm sau, mở đường cho dịch vụ như rô-bốt taxi và xe buýt tự lái phát triển.

Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ cho phép phương tiện có tính năng tự động cấp độ 4 hoạt động ở 40 khu vực tính đến năm 2025 và hơn 100 khu vực tính đến năm 2030.

Sự năng động của các tỉnh thành Trung Quốc

Tại Trung Quốc, nước này đã tích cực “mở đường” cho ô tô không người lái thông qua việc ban hành chi tiết về luật, giấy phép và hình thành các đặc khu công nghệ từ năm 2015.

Hiện tại, tuy Trung Quốc mới chỉ cho phép thương mại hóa công nghệ tự lái cấp độ 2 - cung cấp khả năng hỗ trợ lái và tốc độ hạn chế cho người lái. Tuy nhiên, các tỉnh, thành của nước này có nhiều cơ chế, quy định khác để mở cửa cho xe tự lái.

Mới nhất, ngày 7/11, TP Thượng Hải đã ban hành hướng dẫn và các biện pháp để phát triển hệ thống giao thông liên kết thông minh trong 3 năm tới (2023-2025). Theo đó, dự kiến, tới năm 2025, thành phố sẽ có hơn 800km đường cao tốc, tỉnh lộ thông minh và hơn 100 bãi đậu xe công cộng thông minh.

Cùng đó, thành phố này đã khai trương đoạn đường cao tốc đầu tiên cho xe ô tô tự lái. Ủy ban giao thông TP Thượng Hải cho biết, đoạn đường dài 21,5km nằm trên tuyến đường cao tốc vành đai G1503 và một đoạn dài 19,5km trên đoạn đường cao tốc G2 nối Bắc Kinh với Thượng Hải đã được dành cho xe tự lái.

Trên con đường này, ô tô tự lái có thể tự động thay đổi tốc độ, hướng, dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo, đưa đón người trên tuyến đường đã được định trước. Đây là một phần trong kế hoạch để phát triển hệ thống giao thông thông minh của thành phố.

Trước đó, TP Thâm Quyến cũng công bố một bộ quy định mới cho phép cung cấp dịch vụ lái xe thương mại tự hành tại trung tâm công nghệ từ 1/8, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử lái xe tự hành ở Trung Quốc.

Bà Anjani Trivedi, nhà báo theo dõi về lĩnh vực công nghiệp tại châu Á của tờ báo Bloomberg nhận định, sự quan tâm ủng hộ của Nhà nước đối với lĩnh vực xe tự lái là rất quan trọng.

Bởi với ô tô tự lái, cần rà soát lại những quy định về đường bộ đã áp dụng hàng chục năm qua. “Đó không phải là việc mà công ty tư nhân có thể làm được dù họ có công nghệ tốt đến như thế nào”, nữ nhà báo cho biết.

Nguồn: Báo Giao thông