Yên Bái tập trung nguồn vốn thực hiện các dự án, công trình giao thông trọng điểm

Ngày 29/03/2023
Những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông (HTGT) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được đầu tư phát triển nhanh theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối vùng, liên vùng, các khu đô thị, có tính lan tỏa và kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai... tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuyến đường Sơn Lương - Nậm Mười - Sùng Đô, huyện Văn Chấn được đầu tư
xây dựng đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội các xã trên tuyến đường này ngày càng phát triển

Tỉnh Yên Bái hiện có nhiều loại hình giao thông vận tải (GTVT) gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy. Trong đó, giao thông đường bộ giữ vai trò chủ đạo với tổng mạng lưới chiều dài trên 9.000 km gồm: 80,5 km đường cao tốc, 400 km đường quốc lộ, 452 km đường tỉnh; còn lại là đường đô thị, đường giao thông nông thôn (GTNT) và đường chuyên dùng. 

Theo Quyết định số 1598/QĐ-UBND ngày 29/7/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh có 26 dự án, công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư dự kiến 212.647 tỷ đồng. Trong đó có 17 dự án, công trình phát triển HTGT có tổng mức đầu tư dự kiến 8.998 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 65,4% danh mục các dự án trọng điểm và chiếm 71,15% tỷ lệ vốn dự kiến đầu tư cho các công trình trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025. 

Những năm qua, nghị quyết đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã xác định một trong ba đột phá chiến lược là: "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm là HTGT, thông tin, viễn thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, liên kết nông thôn với đô thị, công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển”. 

Với vai trò cơ quan chuyên môn, thực hiện Nghị quyết, Đảng bộ Sở GTVT không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, đề ra nhiều giải pháp tích cực, tập trung nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện có hiệu quả các dự án, công trình trọng điểm về giao thông trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIX đặt ra là: "Quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030”. 

Để đạt được mục tiêu đó, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã khởi công nhiều công trình giao thông trọng điểm như: cầu Giới Phiên (thành phố Yên Bái); đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15); đường Khánh Hòa - Văn Yên; đường nối quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15); nút giao IC13, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (phần đường dẫn); đường Sơn Lương - Nậm Mười - Sùng Đô (huyện Văn Chấn); cải tạo, nâng cấp đường Yên Thế - Vĩnh Kiên (huyện Lục Yên) và huyện Yên Bình; đường nối tỉnh lộ 163 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cải tạo đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15). 

Đồng thời tiếp tục triển khai thi công một số công trình trọng điểm đến năm 2023 như: đường nối quốc lộ 37, quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối quốc lộ 32 (thị xã Nghĩa Lộ) với tỉnh lộ 174 (huyện Trạm Tấu); đường nối quốc lộ 32C với quốc lộ 37 và đường Yên Ninh (thành phố Yên Bái); đường Trạm Tấu (Yên Bái) - Bắc Yên (Sơn La)… 

Xác định tầm quan trọng của việc tập trung nguồn vốn triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm về giao thông, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, các giải pháp quan trọng, mang tính khả thi cao đã và đang được ngành GTVT đề xuất và tích cực tổ chức triển khai thực hiện là: quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường nội lực, tạo ra các nguồn thu ngân sách bền vững để tập trung nguồn vốn đầu tư cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, tạo tính lan tỏa là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường quản lý đầu tư công. 

Cụ thể, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư; bảo đảm các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm được triển khai theo đúng kế hoạch và quy định của Luật Đầu tư công; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, phân bổ vốn đầu tư công tập trung, không phân tán, dàn trải; chủ động giao kế hoạch, dự toán nguồn vốn đầu tư công sớm để các chủ đầu tư thuận lợi trong việc lập kế hoạch và tổ chức, triển khai thực hiện các dự án ngay từ đầu năm. 

Đồng thời, chỉ đạo linh hoạt, kịp thời, quyết liệt trong điều chuyển nguồn vốn đối với các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt, nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng giao thông. 

Bám sát phương án phát triển mạng lưới giao thông trong quy hoạch tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để xác định các dự án trọng điểm cần ưu tiên đầu tư và kêu gọi đầu tư; tập trung sử dụng vốn Nhà nước với vai trò dẫn dắt, thu hút nguồn vốn đầu tư của các khu vực kinh tế khác và toàn xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT; huy động các nguồn vốn xã hội hóa, vốn ODA, nguồn lực từ phát triển quỹ đất dọc hai bên các tuyến đường sau khi đầu tư xây dựng để phát triển kết cấu hạ tầng GTVT.

Cùng đó, đẩy mạnh xúc tiến, vận động nguồn vốn từ các chương trình, dự án ODA và các doanh nghiệp để đầu tư các công trình kết cấu HTGT có tính chất lan tỏa, kích thích các ngành kinh tế khác phát triển như: cảng thủy nội địa và Trung tâm Logistics xã Văn Phú (thành phố Yên Bái); tuyến đường kết nối huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ), huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) với huyện Yên Bình, thành phố Yên Bái và đường cao tốc Nội Bài - Lài Cai (IC12); các tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt; trạm dừng nghỉ trên tuyến quốc lộ theo quy hoạch của Bộ GTVT…

Nguồn: Báo Yên Bái