Vinbus là doanh nghiệp buýt duy nhất của Thủ đô đạt tiêu chí 5 sao

Ngày 30/03/2023
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội vừa công bố kết quả đánh giá chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022.

Theo đó, qua đánh giá chất lượng dịch vụ của 5.990.659 lượt xe, có 5.985.541 lượt xe đạt chất lượng 5 sao (chiếm 99,91%); 4.682 lượt xe đạt 4 sao (chiếm 0,1%); 134 lượt xe đạt 3 sao (chiếm 0,002%); 2 lượt xe đạt 2 sao (chiếm 0,00003%) và 300 lượt xe chỉ đạt 1 sao (chiếm 0,005%).

Về chất lượng tuyến buýt, qua đánh giá 153 tuyến và nhánh tuyến, có 38 tuyến và nhánh tuyến đạt 5 sao (chiếm 24,48%); có 104 tuyến và nhánh tuyến đạt 4 sao (chiếm 67,3%); có 11 tuyến và nhánh tuyến đạt 3 sao (chiếm 7,84%); không có tuyến nào bị đánh giá giá 1 sao và 2 sao.

Với hạng mục xếp hạng tiêu chí doanh nghiệp, trong tổng số 11 đơn vị vận hành buýt của Thủ đô, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus đứng đầu và cũng là đơn vị duy nhất đạt tiêu chí 5 sao với điểm đánh giá đạt 85 điểm; 10 đơn vị khác đạt tiêu chí 4 sao với điểm đánh giá đạt từ 65-75 điểm.

Trước đó, theo yêu cầu của thành phố Hà Nội, từ ngày 1/1/2022, toàn bộ xe buýt hoạt động trên địa bàn Thủ đô sẽ phải tuân theo một khuôn khổ mới tại Bộ tiêu chí quản lý chất lượng xe buýt hết sức cụ thể, chi tiết.

Mạng lưới tuyến, tuyến buýt, lượt xe buýt doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ được đánh giá theo 5 mức độ, từ 1-5 sao tùy theo số điểm đạt được theo thang điểm 100. Mạng lưới tuyến buýt sẽ được đánh giá dựa trên 10 chỉ tiêu cụ thể, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng như mức độ tiếp cận dịch vụ xe buýt, khoảng cách bình quân giữa các điểm dừng đỗ ở ngoại thành, chất lượng điểm dừng, nhà chờ, điểm đầu cuối, khả năng tiếp cận của người khuyết tật, tỷ lệ hành khách sử dụng vé tháng…

Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus là đơn vị duy nhất đạt 5 sao.

Trong số này, 2 chỉ tiêu được gọi là “tiên quyết” gồm tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại và chất lượng dịch vụ tuyến. Các chỉ tiêu còn lại là chỉ tiêu “điều kiện”.

Với từng tuyến buýt, Bộ tiêu chí cũng đưa ra những chỉ tiêu hết sức cụ thể để đánh giá gồm: Chất lượng phương tiện vận hành, chất lượng lao động vận hành, hiệu quả khai thác tuyến và chất lượng dịch vụ lượt vận chuyển.

Từng lượt vận chuyển cũng được đánh giá, xếp sao, tùy thuộc số điểm đạt được căn cứ theo chất lượng phương tiện vận hành của lượt xe, chất lượng lao động vận hành của lượt xe, chất lượng vận hành theo lộ trình và điểm dừng đỗ và chất lượng vận hành theo thời gian biểu chạy xe.

Cuối cùng, doanh nghiệp cũng sẽ được xếp sao căn cứ vào chất lượng tuyến và số lượng tuyến vận hành.

Mục đích ban hành Bộ tiêu chí nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay trong quản lý chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố. Đồng thời, làm cơ sở để tổ chức lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, làm cơ sở để doanh nghiệp và nhà nước quản lý, duy trì chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân./.

Nguồn: Hà Nội mới