Bình Dương chủ động đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng

Ngày 31/03/2023
Hành lang Đông Nam bộ là trục kinh tế chính của vùng, thực chất là nối từ Tây nguyên, qua Bình Dương, Đồng Nai, đến cảng Cái Mép - Thị Vải. Khoảng giữa Vành đai 3 và Vành đai 4 được Trung ương đánh giá là khu vực phù hợp nhất để phát triển công nghiệp, các cơ sở hạ tầng quốc gia và của vùng.

 Bình Dương đang tích cực hợp lực đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 3 - công trình giao thông trọng yếu kết nối vùng.

Tuyến Vành đai 3 đi qua địa bàn Bình Dương là tuyến trọng tâm kết nối giao thông,
thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả vùng

Dốc toàn lực

Vành đai 3 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Hiện các địa phương có tuyến Vành đai 3 đi qua đang dốc toàn lực đẩy nhanh tiến độ. Vành đai 3 đi qua Bình Dương dài hơn 26km, gồm dự án thành phần 5 (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) và dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư). Tỉnh đã chủ động đầu tư và đưa vào sử dụng 15,3km (trùng một phần với đường Mỹ Phước - Tân Vạn do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư).

 Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: “Đường Vành đai 3 là dự án trọng điểm của quốc gia, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của cả nước nói chung và khu vực Đông Nam bộ nói riêng. Do đó, việc người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ chủ trương góp phần rất lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án”.

Thông tin về tiến độ thưc hiện dự án thành phần 5 (phần xây lắp), ông Vương Thế Hùng, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (BQL), cho biết: “BQL đã hoàn thành các thủ tục lựa chọn 11/11 các nhà thầu, tư vấn thiết kế kỹ thuật tham gia dự án theo quy định, nhằm đủ điều kiện khởi công dự án như mục tiêu đề ra (phấn đấu trước ngày 30-6) phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ. Hiện các đơn vị chức năng đang tập trung đẩy nhanh công tác khảo sát địa hình, địa chất và lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, trong đó ưu tiên lập và phê duyệt 2 gói thầu dự kiến khởi công trước là nút giao Bình Chuẩn và cầu Bình Gởi”.

Ông Hùng cho biết thêm, đối với vật liệu xây dựng, cơ bản tỉnh Bình Dương đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu cho dự án thành phần 5 và hỗ trợ cung cấp một phần vật liệu đá các loại… cho các địa phương khác. Riêng cát san lấp do Bình Dương không có nên đề nghị các tỉnh khác hỗ trợ.

Mở “chiến dịch” giải phóng mặt bằng

Dự án Vành đai 3 có khoảng 1.600 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó dự kiến bố trí tái định cư cho 515 trường hợp. Theo thông tin từ BQL dự án cho biết đến nay công tác đền bù giải phóng mặt bằng đạt hơn 70%. Trong đó, công tác ban hành thông báo thu hồi đất đạt 99%, công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đạt 95%. Đối với công tác lập, phê duyệt phương án giá đất, đoạn qua TP.Thủ Dầu Một và TP.Thuận An, BQL đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định đơn giá đất. Đoạn qua TP.Dĩ An dự kiến trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định đơn giá đất trong tháng 3/2023.

 Đối với đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, có khoảng 48,3km qua địa bàn Bình Dương, tỉnh cũng đã đưa vào sử dụng 26,6km. Hiện Tổng Công ty Becamex IDC đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để thực hiện các bước tiếp theo theo đúng quy định, sớm triển khai đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2023-2026.

Ông Vương Thế Hùng, Giám đốc BQL, cho biết: “Công tác đền bù giải tỏa thuộc dự án thành phần 6 của tuyến Vành đai 3 ngay từ khi triển khai dự án, các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, đến nay tiến độ bàn giao mặt bằng đạt trên 70%. Dự tính công tác này sẽ hoàn thành trước ngày 30/6 để phục vụ khởi công công trình”.

Ông Hà Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã An Sơn, TP.Thuận An, cho biết dự án đường Vành đai 3 đoạn qua xã An Sơn có 250 trường hợp bị ảnh hưởng. Qua 3 cuộc họp dân công bố chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường đoạn qua địa bàn, đa phần nhân dân đồng tình. UBND xã đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP.Thuận An liên hệ được với một số chủ sử dụng đất không có hộ khẩu thường trú tại địa phương để tiến hành kiểm kê. Đến nay, xã đã hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm cây cối hoa màu, vật kiến trúc trên đất.

Ông Tôn Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường Bình Chuẩn, cho biết: “Đường Vành đai 3 đoạn qua Bình Chuẩn có 94 hộ trong phạm vi giải tỏa bồi thường. Thời gian qua phường đã chủ động phối hợp với các cơ quan thực hiện công trình, trong đó phối hợp nhịp nhàng với Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP.Thuận An tiến hành đo đạc, kiểm kê, bàn giao thông báo thu hồi đất, đến nay đã thực hiện xong. Địa phương quyết tâm thực hiện tốt các công việc, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch. Tuy nhiên, người dân trong phạm vi giải tỏa mong muốn chính quyền xem xét giá bồi thường cho thỏa đáng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện”.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết: “Bình Dương sẽ nghiên cứu xem xét và phê duyệt chính sách hỗ trợ người dân khi thực hiện dự án. Địa phương sẽ áp giá giải tỏa đền bù một cách phù hợp, đáp ứng được nguyện vọng của các hộ dân bị ảnh hưởng trên tinh thần không để người dân chịu thiệt, lợi ích hài hòa. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, TP.Dĩ An và TP.Thuận An phải tập trung cả hệ thống chính trị mở “chiến dịch” đền bù, giải phóng mặt bằng, làm tới đâu dứt điểm tới đó”.

Nguồn: Báo Bình Dương