Triển khai hệ thống giao thông thông minh ITS cho cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

Ngày 25/04/2023
Trong sự phát triển, hiện đại hoá các tuyến đường bộ cao tốc, các thiết bị thông minh được áp dụng có vai trò quan trọng, góp phần nâng hiệu quả quản lý, bảo vệ sự an toàn cho người tham gia thông.

Vì mục tiêu này, mới đây, Tập đoàn Sơn Hải đã ký hợp đồng hệ thống giao thông thông minh với công ty CP Công nghệ - Viễn thông Elcom, quyết tâm đưa tuyến đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm trở thành tuyến đầu tiên triển khai hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transportation System - ITS) và dự kiến đến hết 08/2023, hai đơn vị sẽ thực hiện xong toàn bộ hạng mục ITS.

Theo đó, các điều khoản hợp đồng ký kết được đảm bảo trang bị hệ thống giao thông ITS toàn diện, bao gồm cả hệ thống giám sát điều hành trên tuyến và hầm, hệ thống thu phí không dừng, hệ thống thông tin liên lạc, camera giao thông… có tổng giá trị hợp đồng gần 350 tỷ đồng.

anh-1.jpeg

Mục tiêu của Tập đoàn Sơn Hải đưa cao tốc Nha Trang - Cam Lâm lọt top những con đường đẹp nhất cả nước và được trang bị hệ thống ITS của Elcom.

Nói về thế mạnh của Elcom đối với lĩnh vực giao thông thông minh, đơn vị đang sở hữu loạt dự án trọng điểm, trực tiếp đóng góp vào công cuộc thay đổi diện mạo giao thông quốc gia, gắn với tiến trình chuyển đổi số chung của đất nước. Điển hình, cuối năm 2022 vừa qua, Elcom ITS được Bộ Thông tin Truyền thông trao tặng Giải thưởng Sản phẩm số Make in Vietnam xuất sắc.

Chính sự hợp tác ký kết giữa Tập đoàn Sơn Hải và Elcom khẳng định hướng đầu tư đúng đắn để đưa ITS trở thành mảng chiến lược dài hạn sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế của đường bộ cao tốc Việt Nam.

Đối với dự dự án Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, đây thuộc một trong 09 dự án thành phần còn lại của dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1 (tổng chiều dài 652,86 km). Dự án Nha Trang - Cam Lâm có tổng chiều dài hơn 49 km đã được khởi công vào tháng 9/2021, do Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm thuộc Tập đoàn Sơn Hải thực hiện. Đến nay, dự án đã triển khai đạt hơn 70% khối lượng công việc và bước vào giai đoạn gấp rút để đạt mục tiêu hoàn thành trước 3 tháng so với dự kiến ban đầu.

Như vậy, có thể nói với sự quyết tâm cao độ của Chính phủ để đạt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước sẽ có 5000 km cao tốc thì việc tập trung nguồn lực, ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ góp phần thúc đẩy chuyển số ngành Giao thông, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến trình đưa Việt Nam trở thành Quốc gia số bền vững./.

Nguồn: Tạp chí Thông tin & Truyền thông