Thanh Hóa: Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão

Ngày 07/07/2023
Mùa mưa bão năm 2023 đã bắt đầu, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy luôn tiềm ẩn. Các lực lượng có liên quan và các địa phương trong tỉnh đang tăng cường công tác quản lý, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thủy.

Huyện Hoằng Hóa hiện có 5 bến khách ngang sông trên tuyến sông Mã và sông Lạch Trường, tập trung ở các xã Hoằng Trường, Hoằng Yến, Hoằng Phượng, Hoằng Giang và Hoằng Xuân. Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các bến tình trạng người tham gia giao thông trên các tuyến phà, tuyến đò không mặc áo phao, vi phạm quy tắc đảm bảo ATGT đường thủy nội địa đang diễn ra khá phổ biến dù các chủ phương tiện đã trang bị đầy đủ áo phao, cục nổi...

Trước thực trạng trên, Ban ATGT huyện Hoằng Hóa phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh đã kiểm tra, đôn đốc các chủ phương tiện thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách; phương tiện vận chuyển phải còn hạn đăng kiểm, người điều khiển có chứng chỉ chuyên môn... các trường hợp bến không đảm bảo quy định sẽ đình chỉ hoạt động nhằm ngăn ngừa nguy cơ mất ATGT đường thủy. Đặc biệt, khi có bão, nước lũ dâng cao, trong điều kiện không an toàn, nghiêm cấm tuyệt đối các phương tiện này tham gia hoạt động.

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.600 phương tiện thủy nội địa. Hoạt động vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ, lẻ và vận chuyển khách, khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên các tuyến sông, kênh. Các tuyến vận tải đường thủy chủ yếu từ Thanh Hóa đi các tỉnh khu vực phía Bắc và các tỉnh miền Trung qua kênh Nga Sơn - sông Lèn - sông Mã và ngược lại thông qua các cửa sông nối với tuyến đường thủy ven biển.

Nhằm chủ động các biện pháp bảo đảm trật tự, ATGT trên các tuyến đường thủy của tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với các lực lượng có liên quan của tỉnh, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Lực lượng cảnh sát đường thủy đã tập trung tuần tra, kiểm soát các phương tiện không có giấy chứng nhận đăng ký, không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; phương tiện thủy hoán cải, chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn, chở quá số người quy định; thuyền viên, người điều khiển phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ theo quy định, không mặc áo phao khi đi phà, đò...

Trong 6 tháng đầu năm 2023 lực lượng cảnh sát đường thủy đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 122 trường hợp. Trong đó, 15 phương tiện cải hoán vào hoạt động, khai thác khi chưa đăng kiểm theo quy định; 1 trường hợp lái phương tiện có nồng độ cồn; 16 trường hợp chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn... Ngoài ra, lực lượng còn phát hiện, bắt giữ 1 vụ khai thác tài nguyên khoáng sản đất trái phép tại bãi bồi sông Mã và bắt 2 vụ sử dụng kích điện khai thác thủy sản.

Để tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa, các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện Công văn số 5630/UBND-CN, ngày 24/4/2023 của UBND tỉnh về việc đảm bảo trật tự, ATGT và chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm 2023 trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng cần tổ chức kiểm tra, khẩn trương yêu cầu các chủ bến khách ngang sông chưa được cấp phép hoặc bến khách ngang sông đã hết thời hạn hoạt động hoàn thiện các thủ tục cần thiết để được cấp phép hoạt động theo đúng quy định của Công văn số 6313/UBND-CN, ngày 10-5-2023 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Nguồn: Báo Thanh Hóa