Tháo gỡ cơ chế để phát triển vật liệu xanh, góp phần bảo vệ môi trường

Ngày 15/08/2023
Nhằm bảo vệ môi trường, tiết giảm chi phí xây dựng, năm 2010, Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN), sau 13 năm triển khai đã đạt được kết quả quan trọng. Tuy vậy, rào cản cơ chế chính sách… chưa được áp dụng và triển khai đồng bộ khiến cho việc thực hiện chương trình này chưa đạt mục tiêu đề ra.

Gạch không nung góp phần bảo vệ môi trường.

Vật liệu xây không nung xu thế phát triển tất yếu trong xây dựng xanh

Nói đến VLXKN người ta thường chủ yếu nói đến gạch không nung, tuy nhiên, VLXKN chỉ có gạch không nung, nó còn có tấm 3D (panels), thạch cao… Với nhiều lợi ích, VLXKN đang được chú trọng phát triển mạnh và là xu thế phát triển tất yếu trong xây dựng, góp phần bảo vệ môi trường. Việc sản xuất và sử dụng VLXKN đang gặp không ít khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD), hành lang pháp lý cho vật liệu xanh, công nghệ và giải pháp đảm bảo an toàn hiệu quả cho công trình xây dựng, một loạt vấn đề đặt ra nhằm tháo gỡ khó khăn, khuyến khích cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này yên tâm phát triển.

Theo ThS. Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng cho biết, để sản xuất ra 1 tỉ viên gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn: khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp (độ sâu khai thác 2m); nhiên liệu là 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2 - gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường.

Dự báo năm 2030, nhu cầu VLXD của nước ta vào khoảng 50 tỉ viên gạch. Nếu đáp ứng được nhu cầu này 90% gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng trên 60 triệu m3 đất sét, tương đương 3.000-3.200 ha đất nông nghiệp; tiêu tốn khoảng 5,8-6,2 triệu tấn than, đồng thời thải ra khoảng 20 triệu tấn khí CO2.

VLXKN là một trong những phát minh xanh trong lĩnh vực xây dựng nói chung và trong lĩnh vực VLXD nói riêng. Việc ứng dụng công nghệ xây dựng, sản xuất VLXKN đã góp phần vào việc tiết kiệm năng lượng cho các công trình xanh, đồng thời tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên góp phần bảo vệ môi trường. Tỷ trọng sử dụng gạch không nung trong cả nước đến nay mới chỉ đạt hơn 21% so với tổng vật liệu xây, tương đương 6,8 tỷ viên.

Với đặc tính và lợi ích của việc sử dụng VLXKN sẽ góp phần tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng, giảm phát thải CO2; có khả năng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đa dạng háo sản phẩm (viên xây, tấm tường…); từ đó sẽ tiết kiệm tài nguyên đất sét và diện tích canh tác nông nghiệp; tiêu thụ một phần đáng kể phế thải từ các ngành khác như nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng…

Việc phát triển sản xuất VLXKN từng bước tận dụng các nguồn phế thải sẽ giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm xanh, công trình xanh. Chất lượng VLXKN ngày càng được nâng cao và bảo đảm. Chủng loại các loại vật liệu không nung ngày càng phong phú. Các loại vật liệu phụ, máy và dụng cụ chuyên dùng cũng phổ biến hơn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện sản xuất và sử dụng VLXD không nung còn gặp nhiều khó khăn.

Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, việc nghiên cứu và ứng dụng VLXKN trong xây dựng đã được chú trọng hàng trăm năm qua và đã được coi như là quy định bắt buộc trong việc sử dụng vật liệu xây từ lâu. Nhằm bắt kịp xu thế thời đại, Chính phủ cũng đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực phát triển và ứng dụng VLXKN, điều này đã được thể hiện rõ tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN, đây là một xu hướng phát triển đúng đắn của nhà nước nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất gạch bằng đất sét nung gây ra nhiều khí thải, đồng thời tiết kiệm được nguồn tài nguyên khoáng sản là đất sét có nhiều giá trị so với sản xuất gạch đất sét nung như hiện nay.

Cần thực hiện nghiêm các cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, sản xuất VLXKN

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho, phát triển VLXKN, ông Tạ Quốc Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nêu ra một số giải pháp để quản lý hiệu quả lĩnh vực này: Nhà nước cần có những ưu đãi cụ thể, lâu dài về vốn, thuế, tiền thuê đất đối với các nhà sản xuất và từng loại VLXKN. Chẳng hạn ở Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất VLXKN được miễn thuế suất VAT cho sản xuất gạch bê tông nhẹ. Ðồng thời có chính sách quản lý chặt chẽ sản xuất gạch đất sét nung, hạn chế tối đa việc sử dụng đất nông nghiệp làm nguyên liệu sản xuất gạch đất sét nung. Ngoài ra, cần ban hành đồng bộ, chi tiết các chính sách ưu đãi sử dụng phế thải công nghiệp sản xuất VLXKN và bắt buộc sử dụng vật liệu mới vào các công trình xây dựng theo các tiêu chí cụ thể.

Giải pháp khoa học kỹ thuật, cần từng bước hoàn thiện các giải pháp về khoa học kỹ thuật trong điều kiện Việt Nam, xây dựng, công bố và ban hành đầy đủ tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế, thi công, nghiệm thu… các công trình sử dụng VLXKN. Hiện nay, cần công bố thêm các tài liệu chuyên nghiệp và mang tính chuyên sâu về hướng dẫn thiết kế, thi công, định mức tiêu hao cho một đơn vị khối lượng xây dựng sử dụng VLXKN, ông Trung nhấn mạnh.

Một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp sản xuất VLXKN thường gặp phải, hành lang pháp lý cho VLXD xanh, những điểm cần hoàn thiện và phương án xử lý rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp; các bất cập cơ chế cần thực hiện nghiêm để thúc đẩy phát triển VLXD xanh nói chung, VLXKN nói riêng; một số tranh chấp liên quan đến VLXD và xu thế giải quyết, chia sẻ rủi ro cho doanh nghiệp… Do đó, nhiều doanh nghiệp đề nghị Chính phủ và các bộ ngành cần tháo gỡ những khó khăn như cơ chế ưu đãi về thuế nhập khẩu thiết bị sản xuất VLXKN, chính sách khuyến khích sử dụng VLXKN, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mực kinh tế… ban hành đồng bộ, chi tiết chính sách ưu đãi sử dụng phế thải công nghiệp sản xuất VLXKN và bắt buộc sử dụng vật liệu mới vào các công trình xây dựng theo tiêu chí cụ thể.

Theo ông Triệu Minh Lượng, Giám đốc Công ty CP Đại Hồng Sơn, từ khi doanh nghiệp của ông đi vào sản xuất VLXKN gần 10 năm nay, Công ty vẫn gặp rất nhiều khó khăn về giá thành sản phẩm, nguyên liệu đầu vào và cả thị trường đầu ra. Đặc biệt, khi mở rộng lĩnh vực đầu tư sản xuất VLXKN lại chưa thật sự được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị nhập khẩu để phục vụ dự án sản xuất VLXKN hoặc chính sách miễn, giảm tiền thuê đất trong thời gian xây dựng nhà máy và thuế sử dụng đất… Ngay cả khi Công ty sản xuất không có lãi nhưng vẫn không nhận được ưu đãi về thuế, vốn vay, tiền thuê đất…

Để tháo gỡ những khó khăn cho thị trường VLXKN, theo ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, nguyên nhân của hạn chế trên là do các chính sách ưu đãi trong đầu tư sản xuất VLXKN đã được ban hành nhưng tại nhiều địa phương vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Các doanh nghiệp đầu tư chưa được hưởng ưu đãi như chính sách đã ban hành (miễn giảm các loại thuế đối với nhà đầu tư sản xuất vật liệu nhẹ). Một số địa phương chưa thực hiện triệt để lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Do đó, ông Nga đề nghị cần thực hiện triệt để các giải pháp: Cơ chế chính sách; ứng dụng khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh đào tạo, thông tin, tuyên truyền.

Nhằm thúc đẩy Chương trình phát triển VLXKN của Chính phủ đi vào thực tiễn cuộc sống, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất VLXKN, mạnh dạn đưa vào sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất VLXKN, ông Trung kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có thẩm quyền liên quan kiên quyết trong công tác chỉ đạo điều hành, ban hành cụ thể quy định về các chế độ ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển về đầu tư sản xuất để ngày càng nâng cao sản lượng và chất lượng VLXKN trên thị trường.

Nguồn: Tạp chí GTVT