Hà Tĩnh hiện có 18 đơn vị kinh doanh
vận tải khách tuyến cố định với 192 đầu xe
Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 18 đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định với 192 đầu xe, 45 đơn vị vận tải kinh doanh, vận tải khách bằng xe hợp đồng với 172 đầu xe, 10 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi với 764 đầu xe và 2 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt với 128 đầu xe.
Thời gian qua, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định pháp luật trong hoạt động vận tải hành khách, Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh thường xuyên kiểm tra, kiểm soát xe khách ra, vào bến trên địa bàn tỉnh, cương quyết không cho xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, điều kiện hoạt động theo quy định.
Lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về dừng, đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định, chạy sai tuyến đường, hành trình, lịch trình, không có xác nhận của bến xe hai đầu tuyến, xe không có phù hiệu, biển hiệu, xe hợp đồng không có hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách...
Theo đánh giá của Sở GTVT Hà Tĩnh, nhìn chung các đơn vị kinh doanh vận tải cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, qua công tác tuần tra, kiểm tra của các lực lượng chức năng cho thấy, vẫn còn một số doanh nghiệp vận tải, tài xế vi phạm các quy định, trong đó, tình trạng xe dù, bến cóc, xe chạy sai tuyến đường, hành trình, lịch trình quy định, xe hợp đồng trá hình xe tuyến cố định, taxi dù vận tải khách… diễn ra khá phức tạp, gây mất trật tự ATGT, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô trên địa bàn.
Nguyên nhân vi phạm do ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số đơn vị, chủ xe, lái xe chưa cao, thậm chí có nhiều trường hợp cố tình vi phạm, chống đối; một số quy định của pháp luật về quản lý xe hợp đồng còn bất cập; sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc” chưa được quyết liệt, thường xuyên; các điểm đón, trả khách tuyến cố định chưa được xây dựng…
Để thực hiện hiệu quả các biện pháp nhằm chấm dứt vi phạm trong kinh doanh vận tải khách, nhất là tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng hoạt động như xe tuyến cố định, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, công bằng, tuân thủ pháp luật, cuối tháng 8 vừa qua, Sở GTVT và Công an tỉnh đã tổ chức hội nghị phối hợp tổng kiểm soát kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container.
Sở GTVT cũng ban hành kế hoạch về việc tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình tuyến cố định trên địa bàn tỉnh.
Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh Nguyễn Đình Minh cho hay: Nhằm đảm bảo trật tự ATGT và thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo sở, từ đầu tháng 9 tới nay, đơn vị đã tổ chức lực lượng tiến hành tuyên truyền, vận động và ký cam kết chấp hành pháp luật trong kinh doanh vận tải hành khách đối với doanh nghiệp vận tải, đội ngũ tài xế.
Song song với đó, lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với Phòng CSGT và Công an các địa phương: Hương Khê, Cẩm Xuyên, Vũ Quang, Thạch Hà…, tiến hành tuần tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, trong đó, đặc biệt tập trung kiểm tra những nhà xe có dấu hiệu vi phạm, các khu vực, địa điểm có hiện tượng hoạt động xe dù, bến cóc…
Từ đầu tháng 9/2023 lại nay, Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh đã phát hiện 20 phương tiện có hành vi vi phạm trong kinh doanh vận tải khách, qua đó lập 30 biên bản xử phạt hành chính đối với tài xế, chủ doanh nghiệp vận tải. Các vi phạm chủ yếu gồm: thành lập điểm giao dịch đón, trả khách trái phép; vận chuyển hành khách nhưng không có phù hiệu; chạy không đúng tuyến đường, lịch trình, hành trình vận tải quy định; gom khách, bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe đối với xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Cùng với việc bị phạt tiền, tài xế điều khiển phương tiện vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng, doanh nghiệp vận tải cũng bị tước phù hiệu xe 1 – 3 tháng.
Theo Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh Nguyễn Đình Minh, dù gặp một số khó khăn trong quá trình xử lý nhưng thời gian tới đây, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành chức năng xử lý và tiến hành rà soát kiểm tra, kết hợp theo dõi giám sát hành trình, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm để đảm bảo trật tự ATGT và tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà xe.