Xử lý ùn tắc giao thông ở TP. Thái Nguyên: Giải pháp từ công tác quy hoạch

Ngày 18/10/2023
Với hầu hết các đô thị trong cả nước hiện nay, ùn tắc giao thông là “bài toán” khó giải bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. TP. Thái Nguyên cũng không ngoại lệ. Bởi thế, thời gian qua, thành phố đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tới công tác quy hoạch.

Công trình nút giao khác cốt đường Thống Nhất với đường Việt Bắc

(TP. Thái Nguyên) góp phần giảm tình trạng ùn ứ giao thông.

Trong vài năm trở lại đây, TP. Thái Nguyên triển khai nhiều dự án giao thông quy mô lớn, trong đó phải kể đến các công trình thuộc Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực; Dự án Phát triển đô thị miền núi phía Bắc; Dự án đầu tư xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài…

Việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án không chỉ tạo nên diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại mà còn góp phần không nhỏ vào việc giải quyết ùn tắc giao thông trong đô thị.

Một ví dụ điển hình là công trình đường Việt Bắc giai đoạn 1 và giai đoạn 2 (thuộc Dự án Phát triển đô thị miền núi phía Bắc), với tổng chiều dài 2 tuyến là 9km, kinh phí đầu tư trên 420 tỷ đồng (nguồn vốn đối ứng và vốn vay Ngân hàng Thế giới). Công trình này là một trục đường huyết mạch của TP. Thái Nguyên, góp phần giảm tải đáng kể lượng phương tiện cho các tuyến trục chính khác.

Anh Hà Trọng Hiển, phường Trung Thành, cho biết: Trước đây, mỗi lần về nhà bố mẹ đẻ ở xã Quyết Thắng, tôi đi đường Cách mạng Tháng Tám và thường xuyên bị tắc đường vào giờ cao điểm, nhất là ở khu vực chợ Gia Sàng. Khi tuyến đường Việt Bắc hoàn thành, hầu như tôi chỉ đi qua đây bởi đường rộng, thông thoáng.

Các công trình thuộc Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực đã và đang hoàn thành, tạo sự kết nối về giao thông cho đô thị TP. Thái Nguyên từ phía Tây sang phía Đông thành phố; Bắc đến Nam. Đơn cử như công trình đường Bắc Nam - cầu Huống Thượng; đường Huống Thượng - Chùa Hang; đường Khu dân cư Đồng Bẩm…; hoặc như việc đưa vào sử dụng cầu Bến Tượng ở phía Đông của thành phố đã giảm tải đáng kể lưu lượng phương tiện qua khu vực trung tâm.

Mới đây, TP. Thái Nguyên khởi công xây dựng cầu vượt đường sắt (nút giao đường Việt Bắc - đường Quang Trung), với tổng kinh phí đầu tư hơn 158 tỷ đồng. Khi công trình này đưa vào sử dụng sẽ giải quyết tốt vấn đề ùn tắc giao thông tại khu vực, nhất là vào các khung giờ cao điểm...

Có thể nói, những năm vừa qua, TP. Thái Nguyên đã đặc biệt chú trọng đến việc đầu tư hạ tầng, từng bước giải quyết áp lực cho đô thị, quan tâm đến công tác quy hoạch, tạo sự liên kết các trục giao thông Đông - Tây; Nam - Bắc.

Theo một số chuyên gia, đối với đô thị trong cả nước nói chung, đô thị TP. Thái Nguyên nói riêng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông chủ yếu xuất phát từ hạ tầng chưa đáp ứng kịp thời, trong khi lượng phương tiện giao thông gia tăng nhanh; công tác cấp phép và quản lý xây dựng còn những bất cập; tình trạng ngập úng; văn hóa, ý thức của người dân khi tham gia giao thông... Những vấn đề này đã và đang được TP. Thái Nguyên đặc biệt quan tâm, từng bước có các giải pháp cụ thể.

Nhìn nhận từ công tác quy hoạch để giải “bài toán” ùn tắc giao thông, đã có những nhận định, TP. Thái Nguyên rất nỗ lực trong tổ chức mạng lưới giao thông, nhất là việc bố trí nhiều trục giao thông ngang, tạo sự kết nối giữa các xã, phường phía Đông - Tây của thành phố (đường Bắc Sơn, đường Bắc Nam - cầu Huống...).

Tuy nhiên, thành phố cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư mới, mở rộng các trục dọc và mặt cắt đường tại một số tuyến. Hiện, ngoài trục đường Cách mạng Tháng Tám thì tuyến đường Việt Bắc được xem là trục dọc chính “gánh” phương tiện từ các xã, phường phía Nam - Bắc của thành phố, dẫn đến việc tắc đường vào những giờ cao điểm tại các nút giao đê Nông Lâm, đường Dương Tự Minh, đường tròn Tân Long...

Ông Nguyễn Văn Bình ở phường Quang Trung chia sẻ: Nếu như tuyến đường Việt Bắc không kết thúc tại đê Nông Lâm mà chạy dài, đấu nối với đường tránh cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thì sẽ giảm tải đáng kể cho tuyến đường Dương Tự Minh đến khu vực đường tròn Tân Long...

Theo đánh giá của các chuyên gia, thời điểm này, TP. Thái Nguyên có thể giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông. Trong đó, ngoài việc tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng đô thị, tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của người dân, thành phố cần chú trọng hơn đến việc cấp phép và quản lý trật tự xây dựng; triển khai xây dựng các bãi đỗ xe; quy hoạch, xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, xử lý tình trạng ngập úng; chú trọng tích hợp quy hoạch giao thông với quy hoạch sử dụng đất một cách hợp lý...

Nguồn: Báo Thái Nguyên