Phú Thọ: Nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông bến thủy nội địa

Ngày 26/10/2023
Thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh được duy trì tốt, tuy nhiên vào mùa mưa bão, nguy cơ xảy ra tai nạn vẫn luôn tiềm ẩn. Đòi hỏi bên cạnh những nỗ lực của lực lượng chức năng, người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm để góp phần hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra.

Hiện trên địa bàn tỉnh có năm sông chảy qua là sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Bứa và sông Chảy với tổng chiều dài 316,5km. Trong đó, ba tuyến đường thủy nội địa quốc gia dài 224,5km, hai tuyến sông địa phương dài 92km... Trong đó, các bến đối lưu trong phạm vi tỉnh gồm 14 cặp bến; bến đối lưu giữa tỉnh Phú Thọ với các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái gồm 13 cặp bến.

Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện việc kiểm tra TTATGT đường thủy

tại các bến thuộc địa bàn huyện Thanh Ba

Để nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của của nhân dân trong mùa mưa bão năm 2023, Ban An toàn giao thông tỉnh đã thành lập đoàn liên ngành gồm: Văn phòng Ban ATGT; Sở GTVT; Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh; Đội Thanh tra - An toàn số 1 (Chi Cục đường thủy nội địa khu vực 1); Ban ATGT các huyện, thành, thị... tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các bến hành khách, bến khách ngang sông như: Kiểm tra giấy phép hoạt động của bến thủy nội địa; phương tiện và quản lý phương tiện; thuyền viên, người lái phương tiện; trang thiết bị đảm bảo an toàn; kê khai, niêm yết giá cước; kiểm tra các công trình phụ trợ khác gần khu vực bến có ảnh hưởng đến ATGT đường thủy nội địa...

Kiểm tra bước đầu tổng số 41/41 bến, trong đó, 40 bến khách ngang sông và một bến khách tại bảy huyện, thành, thị gồm: Đoan Hùng 12 bến; Hạ Hòa tám bến; Cẩm Khê bảy bến; Thanh Ba sáu bến; Thanh Sơn một bến; Phù Ninh sáu bến; TP Việt Trì một bến. So với năm 2022, tổng số bến khách và bến khách ngang sông đã giảm bảy bến. Nguyên nhân do điều kiện tự nhiên, bãi bồi, dòng chảy, không đảm bảo an toàn, lượng người tham gia giao thông đường thủy nội địa giảm dần; bến đối lưu dừng hoạt động và theo nhu cầu, nguyện vọng của chủ các bến.

Năm 2023, qua các đợt kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm đình chỉ hoạt động của chín bến thuộc các huyện: Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Sơn, Thanh Ba, Cẩm Khê, cụ thể: Bến ông Trịnh Quang Tăng, hai bến thuộc xã Phú Lâm và xã Hùng Xuyên, huyện Đoan Hùng; bến ông Nguyễn Tiến Khanh, xã Đan Thượng, huyện Hạ Hòa; bến ông Nguyễn Văn Hà, xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn... Kiểm tra về điều kiện hoạt động của phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Cơ bản, các phương tiện đều có Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực; chủ phương tiện chấp hành tốt việc thực hiện bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba. Về thuyền viên, người lái phương tiện, các bến đều có người điều khiển phương tiện có đủ bằng, chứng chỉ chuyên môn đảm bảo theo quy định.

Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn một số tồn tại như: Chủ bến không có hợp đồng thuê phương tiện với chủ phương tiện; sai thông số kỹ thuật của phương tiện đò ngang ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký so với thông số kỹ thuật ghi trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường... Qua đó, Đoàn liên ngành đề nghị UBND các huyện, thành, thị có bến khách ngang sông và các phương tiện vi phạm dừng ngay việc hoạt động; đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trọng tâm trong mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn giao thông bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, đó là: Vận tải đường thủy nội địa còn nhiều khó khăn vào mùa khô do mực nước cạn; một số vị trí trên tuyến sống còn các bãi đá ngầm nên ảnh hưởng đến lưu thông của phương tiện. Lực lượng thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn mỏng khi địa bàn quản lý rộng, phức tạp; hệ thống trang thiết bị, phương tiện còn nhiều hạn chế.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Qua phối hợp kiểm tra liên ngành, công tác bảo đảm TTATGT thời gian qua được các cấp, các ngành, địa phương hết sức quan tâm, chú trọng và triển khai thực hiện có hiệu quả. Tình hình TTATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, ý thức của người dân trong tham gia giao thông từng bước được nâng cao, trách nhiệm của lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT được tăng cường. Số vụ tai nạn, va chạm giao thông từng bước được kiềm chế và giảm rõ nét.

Để chấp hành nghiêm các quy định pháp luật trong hoạt động bến thủy nội địa, thời gian tới, Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị Ban An toàn giao thông các huyện, thành, thị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Hướng dẫn, đôn đốc các chủ bến nếu có nhu cầu tiếp tục hoạt động bến thủy nội địa phải thực hiện làm thủ tục công bố lại, gia hạn hoạt động bến nội địa theo quy định, góp phần đảm bảo an toàn giao thông bến thủy nội địa.

Nguồn: Báo Phú Thọ