Vĩnh Phúc: Quy hoạch hạ tầng giao thông - “Đi trước một bước” tạo động lực phát triển

Ngày 04/03/2024
Bám sát định hướng của quy hoạch cấp Quốc gia để phát triển KT-XH, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặc biệt chú trọng đến phương án phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

Xác định phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng hệ thống giao thông của tỉnh “đi trước một bước” là tiền đề quan trọng để thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Nhiều công trình giao thông quan trọng được tỉnh đầu tư xây dựng
theo hướng đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn

Những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh được quan tâm, đầu tư, cải tạo nâng cấp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Toàn tỉnh hiện có 4 tuyến cao tốc, quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh, riêng đoạn Quốc lộ 2 qua địa bàn thành phố Vĩnh Yên và Quốc lộ 2B được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bàn giao về tỉnh quản lý; 5 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài theo quy hoạch trên 255 km; 17 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài trên 371 km.

Ngoài ra, một số tuyến đường trục chính do cấp tỉnh quản lý, đầu tư nâng cấp và mở rộng theo quy hoạch được duyệt như đường trục Bắc - Nam, đường trục Đông - Tây, đường trục Mê Linh… Các dự án này dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2023 - 2025.

Năm 2023, ngành GTVT đạt được kết quả nổi bật trong nhiều lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, điển hình là việc đề xuất phương án phát triển mạng lưới giao thông trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được HĐND tỉnh thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, phương án phát triển mạng lưới giao thông được thực hiện thông qua việc đề xuất quy hoạch mới các tuyến có tính chất đối ngoại, kết nối liên vùng, tạo động lực lan tỏa phát triển KT-XH, du lịch, dịch vụ của tỉnh như tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng mới; tuyến đường tránh Quốc lộ 2C mới kết nối với thành phố Tuyên Quang; đường trục Đông - Tây kéo dài kết nối với trục TD7 đi Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội; đường trục xuyên tâm phía Đông kết nối với thành phố Hà Nội, phía Tây kết nối với thành phố Việt Trì; trục Bắc - Nam tỉnh kết nối với trục Bắc - Nam của thành phố Hà Nội qua cầu Vân Phúc; cầu Hải Lựu kết nối với tỉnh Phú Thọ... góp phần hướng tới xây dựng đô thị Vĩnh Phúc hiện đại, văn minh, có vai trò trung tâm trong phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, xứng tầm trong khu vực và cả nước, đảm bảo tầm nhìn, định hướng phát triển đến năm 2050.

Để đạt được những kết quả nêu trên, ngành GTVT tập trung cao độ, quyết liệt, bài bản trong việc phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác rà soát, xác định mục tiêu, đánh giá hiện trạng khu vực cần quy hoạch để nhận biết rõ tình trạng của hệ thống GTVT, hiện trạng của các phương thức vận tải, tình trạng và năng lực đáp ứng của hệ thống giao thông đối với nhu cầu vận tải và phát triển KT-XH trong tương lai.

Đồng thời điều tra, phân tích các dữ liệu nhằm xác định vị trí phát triển của các đặc khu kinh tế để phục vụ cho công tác xây dựng, quy hoạch các đầu mối giao thông và các hành lang giao thông chính cho vận tải hàng hóa.

Cùng với đó, đề xuất các phương án quy hoạch hệ thống GTVT có tính khả thi, kinh tế và bền vững, thân thiện với môi trường, đáp ứng được nhu cầu của cả thế hệ hiện tại và tương lai dài hạn.

Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Kiên nhấn mạnh: Phương án phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được HĐND tỉnh thông là nền tảng để phát triển các ngành, lĩnh vực khác cũng như hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Với phương châm hành động "Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả", ngành GTVT tiếp tục lập kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư các dự án phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt; huy động nhiều nguồn lực đầu tư các công trình, dự án cũng như phát huy hiệu quả đầu tư của các dự án sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Trên cơ sở thống nhất về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Sở GTVT tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, gắn trách nhiệm cho từng cán bộ lãnh đạo ngành, người đứng đầu các phòng, ban và đơn vị trực thuộc với từng nhiệm vụ cụ thể.

Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá, tính toán tải trọng đường, cầu đường bộ thuộc hệ thống đường tỉnh làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố tải trọng, khổ giới hạn của công trình đường bộ tỉnh.

Duy trì, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị, Đề án nâng cao chất lượng, tiết kiệm chi phí các dự án giao thông.

Tập trung phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững, hiện đại, ưu tiên phát triển khung hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc; tăng cường kết nối giữa vùng đô thị Vĩnh Phúc với các vùng kinh tế khác trên cơ sở phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế của tỉnh; đặc biệt chú trọng đến kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận, với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng Thủ đô và cả nước.

Hoàn thiện các đường vành đai và trục hướng tâm, tuyến đường nội thị chính cấp đô thị, cấp khu vực theo quy hoạch. Trước mắt, tập trung đầu tư xây dựng các dự án đường giao thông có tính kết nối và có khả năng thúc đẩy phát triển đô thị, thu hút đầu tư công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Các tuyến giao thông đầu tư mới thuộc hạ tầng kỹ thuật đô thị Vĩnh Phúc, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển KT-XH của tỉnh trong giai đoạn mới./.

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc