Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Vĩnh Phúc về công tác đăng kiểm

Ngày 13/08/2024
Bộ GTVT vừa có Công văn số 8590/BGTVT-KHCN&MT gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Vĩnh Phúc gửi tới trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024, nội dung kiến nghị như sau:

“Đề nghị xem xét sửa đổi khoản 22 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08/6/2023 của Chính phủ theo hướng giao Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “Kiểm tra, đánh giá việc duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và hoạt động kiểm định” đến hết năm 2025. Sau năm 2025, xem xét quy định nhiệm vụ này cho cơ quan quản lý chuyên ngành về đo lường ở trung ương và địa phương thực hiện cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tính chính xác trong quá trình thực hiện. Vì Sở Giao thông vận tải gặp nhiều khó khăn do khó bố trí ngay nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp, đặc biệt là chuyên ngành về cấu tạo ô tô, đo lường “Kiểm tra, đánh giá theo quy định của pháp luật về đo lường đối với các thiết bị chuyên dùng tại các đơn vị đăng kiểm (Thiết bị kiểm tra phanh; thiết bị đo độ trượt ngang của bánh xe; thiết bị phân tích khí xả; thiết bị đo độ khói; thiết bị đo độ ồn; thiết bị kiểm tra đèn chiếu sáng phía trước; thiết bị rung lắc; thiết bị nâng ...)”.

Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm, góp ý đối với lĩnh vực đăng kiểm phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội, người dân và doanh nghiệp. Về các nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:

Trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành để phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Việc phân cấp đến địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường  phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định hiện hành là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, bảo đảm phù hợp với chức năng, thẩm quyền, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác quản lý trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới tại địa phương.

Theo khoản 22 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08/6/2023 của Chính phủ có quy định Bộ Khoa học và Công nghệ “Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm định, hiệu chuẩn đối với phương tiện đo sử dụng trong hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định của pháp luật về đo lường”; Sở GTVT “Kiểm tra, đánh giá việc duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và hoạt động kiểm định”. Theo quy định nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện việc kiểm tra, kiểm định, hiệu chuẩn đối với phương tiện đo sử dụng trong hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định của pháp luật về đo lường; Sở GTVT các địa phương chỉ kiểm tra các phương tiện đo đã được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường hay chưa, đồng thời kiểm tra, đánh giá việc duy trì tình trạng hoạt động của các phương tiện đo tại các đơn vị đăng kiểm. Như vậy, việc phân cấp cho Sở GTVT các địa phương thực hiện kiểm tra, đánh giá việc duy trì điều kiện hoạt động đối với các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn như trên là phù hợp và thống nhất trong công tác quản lý.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2023/NĐ-CP, Cục Đăng kiểm Việt Nam thuộc Bộ GTVT đã tổ chức 07 lớp tập huấn về nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá đơn vị đăng kiểm cho 243 học viên của các Sở GTVT và 41 học viên của các đơn vị đăng kiểm trên cả nước. Ngoài ra, khi có khó khăn vướng mắc, trong quá trình kiểm tra, đánh giá điều kiện hoạt động đối với đơn vị đăng kiểm trên địa bàn, Sở GTVT các địa phương cũng đã phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam để hỗ trợ, giải quyết đối với các trường hợp cụ thể.

Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.

Nguồn: Bộ GTVT