Các dự án giao thông trọng điểm đưa ĐBSCL phát triển

Ngày 19/08/2024
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ cùng các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ.

Các địa phương An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng cũng tập trung tháo gỡ khó khăn nguồn cát, tăng tốc thi công các đoạn cao tốc này, phấn đấu cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc vào cuối năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027. Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) cũng đang triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm, tạo điều kiện thúc đẩy vùng phát triển mạnh mẽ thời gian tới.

Đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 188,2km, đi qua 4 địa phương: An Giang, TP Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Dự án có tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Dự án được chia làm 4 dự án thành phần do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư: tỉnh An Giang - Dự án thành phần 1 dài 57,2km, TP Cần Thơ - Dự án thành phần 2 dài 37,2km, tỉnh Hậu Giang - Dự án thành phần 3 dài 36,9km và tỉnh Sóc Trăng - Dự án thành phần 4 dài 56,9km.

Với Dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ dài khoảng 37,2km (điểm đầu thuộc địa phận xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh và điểm cuối thuộc địa phận xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai), tổng mức đầu tư 9.725 tỉ đồng, thời gian thực hiện 2022-2027. Dự án thành phần 2 gồm 30 công trình cầu (25 cầu trên tuyến đường cao tốc, 1 cầu nút giao Lộ Tẻ - Rạch Sỏi vượt cao tốc và 4 cầu dẫn trên nút giao cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi), 49 cống (4 cống tròn, 45 cống hộp). Các hạng mục khác gồm: hệ thống thoát nước, hệ thống an toàn giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống quản lý và điều hành khai thác theo quy định…

Ông Ðặng Hoàng Vĩnh, Giám đốc Quản lý dự án, Ban điều hành cao tốc (thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ), cho biết: Ðến nay, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân đã cơ bản; đối với giải phóng mặt bằng khu vực trạm dừng nghỉ cao tốc (hạng mục bổ sung) huyện Cờ Ðỏ đang thực hiện.

Mặt bằng thi công Dự án thành phần 2 còn vướng 4 đường điện cao thế cũng đang được các địa phương tập trung thực hiện di dời. Phấn đấu đến cuối năm nay hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 2. Khó khăn của dự án là tiến độ cao tốc có chậm so với kế hoạch, do tình hình chung thiếu nguồn cát. Sau khi nguồn cát có lại hơn 3 tháng nay (giữa tháng 4-2024, dự án mới được cung cấp khoảng 3,28 triệu mét khối từ mỏ cát tỉnh An Giang bàn giao), Ban cùng các nhà thầu đã tập trung đẩy nhanh tiến độ cao tốc.

Ðến nay, Dự án thành phần 2 tiến độ thi công đã đạt hơn 7,5% khối lượng; các nhà thầu đang tập trung thi công tại vị trí các cầu và đường với hơn 30 mũi thi công, riêng cầu đã triển khai thi công 22/30 cầu. Nhu cầu cát cho Dự án thành phần 2 khoảng 7 triệu mét khối, ngoài mỏ cát Bình Phước Xuân, tỉnh Tiền Giang dự kiến bàn giao 3 mỏ cát trữ lượng khoảng 4,7 triệu mét khối, cơ bản đáp ứng nguồn cát thi công cao tốc, đang thực hiện thủ tục và dự kiến đến tháng 10-2024 sẽ bắt đầu khai thác 3 mỏ cát này. Phấn đấu đến cuối năm 2026 cơ bản hoàn thành Dự án thành phần 2.

Thi công cầu tạm, phục vụ thi công tuyến chính cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng,
Dự án thành phần 2 qua địa bàn TP Cần Thơ.

Về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Dự án thành phần 2 có tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng toàn tuyến khoảng 257,91ha (trong đó huyện Vĩnh Thạnh hơn 74,56ha; huyện Cờ Ðỏ 104,57ha, bao gồm diện tích trạm dừng nghỉ khoảng 17,87ha; huyện Thới Lai 78,78ha). Ðến nay, có 1.010/1.055 hộ đã bàn giao mặt bằng, khoảng 239,27/257,91ha, đạt 92,77%; trong đó tuyến chính đạt 99,68%.

Dự án thành phần 2 có 5 gói thầu (4 gói thầu thi công xây lắp và 1 gói thầu thi công xây lắp hệ thống an toàn giao thông). Về tiến độ, các nhà thầu đã thi công đào nền đường với tổng chiều dài thi công tuyến chính 27,14/30,02km, tổng chiều dài thi công đường công vụ và đường gom 30/38,96km; thi công đắp cát đường tổng chiều dài thi công tuyến chính 5,8/30,02km và thi công bấc thấm cải tạo nền 0,5km, tổng chiều dài thi công đường công vụ và đường gom 20,5/38,96km; đã thi công 22/30 cầu, 8 cầu còn lại sẽ được triển khai trong 2 quý cuối năm nay. Tổng giá trị thực hiện các gói thầu xây lắp được 449,78/5.985,514 tỉ đồng và đạt tỷ lệ hơn 7,51%.

Dự án thành phần 2 có kế hoạch vốn năm 2024 là 2.000 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương, đến nay giải ngân hơn 1.300 tỉ đồng, đạt hơn 65%, phấn đấu đến cuối năm giải ngân hết kế hoạch vốn giao.

Cả 4 địa phương có dự án cao tốc đi qua đều đang tập trung tăng tốc tiến độ dự án. Tính đến trung tuần tháng 7-2024, tỉnh An Giang đã triển khai thi công tuyến đoạn cao tốc đạt tiến độ 20,5%, Hậu Giang đạt 11,9%... Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2026 cơ bản hoàn thành toàn tuyến cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đưa vào khai thác trong năm 2027.

Tạo động lực phát triển mới

Việc đầu tư đường bộ cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là bước cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, các chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước về phát triển hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL. Theo đó, dự án là tuyến cao tốc trục ngang, đi qua trung tâm vùng ÐBSCL sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải; phát huy hiệu quả khai thác các tuyến trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp… tạo động lực và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội khu vực ÐBSCL.

Dự án quan trọng này được đầu tư thực hiện cũng là điều kiện tiên quyết giúp TP Cần Thơ sớm hoàn thành nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 59-NQ/TW và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 98/NQ-CP về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: với mục tiêu xây dựng TP Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trong đó thực hiện nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; là cơ sở để TP Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế...

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hiện nay khu vực ÐBSCL đang triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Cụ thể là: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Ðông đoạn Cần Thơ - Cà Mau (gồm 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau) do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản; dự án cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (gồm 4 dự án thành phần do 4 địa phương An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng là cơ quan chủ quản); dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (gồm dự án thành phần 1 (Ðồng Tháp), dự án thành phần 2 (Tiền Giang)); dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (Bộ GTVT là cơ quan chủ quản)…

Các dự án giao thông trọng điểm này khi hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện cho vùng ÐBSCL phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới./.

Nguồn: Báo Cần Thơ