Kiểm tra công tác thi hành pháp luật về quản lý bến thủy tại 5 tỉnh, thành phố

Ngày 03/10/2024
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức kiểm tra công tác thi hành pháp luật về quản lý bến thủy tại 5 tỉnh, thành phố để đánh giá tình hình và phát hiện bất cập, sai sót.

Ảnh minh họa

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, tại Sở GTVT Cần Thơ, Đoàn kiểm tra của Cục, do Phó cục trưởng Tống Hoàng Kha làm Trưởng đoàn, vừa triển khai công tác kiểm tra công tác thi hành pháp luật về quản lý, công bố, khai thác bến thủy trên đường thủy nội địa quốc gia tại địa phương này. Sau khi kiểm tra tại Cần Thơ, Đoàn kiểm tra cũng sẽ kiểm tra công tác trên tại 4 tỉnh: Bình Dương, Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp.

Mục đích kiểm tra nhằm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật liên quan đến hoạt động của bến thủy nội địa; phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót trong thi hành pháp luật liên quan đến hoạt động của bến thủy nội địa để kịp thời chấn chỉnh, xử lý và khắc phục. Phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật liên quan đến hoạt động của bến thủy nội địa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động của bến thủy nội địa.

Bên cạnh đó, nhằm phát hiện các quy định chưa thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của bến thủy nội địa hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

"Kết thúc đợt kiểm tra, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ đề xuất, kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GTVT để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh và những khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bến thủy nội địa", theo Cục Đường thủy nội địa VN.

Từ ngày 10/3/2024, theo quy định tại Nghị định số 06/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2021 quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, công tác quản lý bến thủy nội địa trên đường thủy quốc gia có sự thay đổi. Trong đó, đáng chú ý là UBND cấp huyện là cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thỏa thuận xây dựng bến thủy (vị trí, công năng, quy mô xây dựng bến) cấp phép, thu hồi giấy phép hoạt động bến thủy (bến hàng hóa) và bến khách ngang sông, thay vì Sở GTVT như trước.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, việc phân cấp từ Sở GTVT về UBND cấp huyện trong quản lý bến thủy, bến khách ngang sông nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giúp doanh nghiệp, người dân giảm thời gian, chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.

P.V