WB tích cực hỗ trợ kỹ thuật về biến đổi khí hậu trong GTVT

Thứ sáu, 09/11/2018 15:35 GMT+7

Chiều 9/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) về kết quả triển khai hỗ trợ kỹ thuật về biến đổi khí hậu trong GTVT.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ tại buổi làm việc với Đoàn công tác của WB và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ)

Theo báo cáo của Vụ Môi trường, tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tổ chức tại Paris, Pháp (12/2015), Việt Nam đã trình Ban Thư ký Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) Báo cáo dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC), trong đó công bố cam kết mức đóng góp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) của Việt Nam vào năm 2030 là 8% so với tổng lượng phát thải KNK theo kịch bản phát thải thông thường và giảm 25% khi có thêm sự hỗ trợ quốc tế. Năm 2016, khi Thỏa thuận Paris chính thức có hiệu lực, INDC Việt Nam trở thành Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và Việt Nam bắt buộc phải thực hiện cam kết giảm phát thải KNK.

Thực hiện Thỏa thuận Paris và NDC Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2359/QĐ-TTg ngày 22/12/2015 phê duyệt Hệ thống quốc gia về kiểm kê KNK và Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 ban hành Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nội dung các quyết định giao Bộ GTVT thực hiện một số nhiệm vụ: Xây dựng năng lực, thực hiện kiểm kê KNK định kỳ 02 năm/lần; Xây dựng và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải KNK nhằm góp phần thực hiện NDC chung của quốc gia; Thiết lập hệ thống Đo đạc - Báo cáo - Thẩm định (MRV) cho các hoạt động giảm nhẹ KNK cấp ngành.v.v...

Ngoài ra, nội dung Quyết định 2053/QĐ-TTg còn giao Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng dự thảo Nghị định quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải KNK nhằm cụ thể hóa tỷ lệ % đóng góp và phương thức thực hiện giảm nhẹ KNK để các Bộ, ngành thực hiện nhằm đóng góp cho cam kết của Việt Nam trong NDC. Theo dự thảo Nghị định, đến năm 2030, Bộ GTVT được giao phải giảm 0,6% lượng phát thải KNK trong tổng phát thải KNK quốc gia tương ứng với 4,722 triệu tấn CO2 tương đương.

Triển khai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT tại các quyết định nêu trên; thực hiện nhiệm vụ được Bộ GTVT giao, Vụ Môi trường đã tích cực phối hợp với WB và GIZ triển khai dự án “Giải quyết các vấn đề vế biến đổi khí hậu trong giao thông vận tải” (dự án ACCT), dự án “Thúc đẩy chiến lược khí hậu tại các quốc gia cơ giới hóa nhanh” (dự án TracS).

Khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cùng các thành viên trong Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức trao đổi, thảo luận về kết quả triển khai hỗ trợ kỹ thuật về biến đổi khí hậu trong GTVT, cũng như kế hoạch thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Việt Nam cam kết mức đóng góp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) của Việt Nam vào năm 2030 là 8% so với tổng lượng phát thải KNK theo kịch bản phát thải thông thường và giảm 25% khi có thêm sự hỗ trợ quốc tế.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, dự án mà Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt đối với ngành GTVT là công cụ hết sức hiệu quả, vì Việt Nam là nước đang phát triển, nên vấn đề giảm thiểu khí thải nhà kính, cũng như có các giải pháp thích ứng với những biến đổi khí hậu hiện nay rất hạn chế.

Việt Nam là một trong năm nước đánh giá biến đổi khí hậu rất lớn. Ở khu vực dọc ven biển Việt Nam, hiện tượng sạt lở rất lớn, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vấn đề mực nước biển dâng, biến đổi khí hậu,... có ảnh hưởng lớn đến GTVT, Bộ GTVT đang nghiên cứu để có giải pháp khắc phục, nhất là trong lĩnh vực đường bộ.

“Thông qua Dự án này, Bộ GTVT cảm ơn Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất, vì đây là một trong những giải pháp đột phá, công cụ ban đầu, để ngành GTVT có thể vừa sử dụng, đồng thời tiếp tục nghiên cứu để có những giải pháp phù hợp với tình hình Việt Nam, đặc biệt đối với ngành GTVT” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Đình Thọ giao Viện Chiến lược GTVT là đầu mối tiếp quản hỗ trợ kỹ thuật của WB, tham mưu Bộ GTVT thực hiện và triển khai kết quả của Dự án; đồng thời tiếp tục nghiên cứu những giải pháp phù hợp với tình hình của Việt Nam và ngành GTVT để tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả hơn.

Xuân Nguyên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)