Phát triển thị trường công nghệ về lĩnh vực xe máy điện công nghệ cao

Thứ năm, 13/12/2018 09:48 GMT+7

Ngày 12/12, tại Hà Nội, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) phối hợp Công ty TNHH Ziomotors Việt Nam tổ chức hội thảo kết nối phát triển thị trường công nghệ về lĩnh vực xe máy điện công nghệ cao.

Các đại biểu chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác
với một số đơn vị công nghệ phụ trợ trong nước

Tại đây, các đối tác Hàn Quốc đã giới thiệu đến Hội thảo chiếc xe máy điện Zio Motors có động cơ tích hợp số duy nhất trên thế giới, đã được đăng ký bằng sáng chế tại Cục sở hữu trí tuệ Hàn Quốc năm 2017, mang lại hiệu suất điện năng sử dụng cao. Đặc biệt, xe cũng không sử dụng động cơ bên trong bánh xe như các loại xe máy điện thông thường hiện nay, giúp phát triển các dòng sản phẩm động cơ có công suất lớn hơn mà không gặp hạn chế về kích thước. Đối với những chiếc xe Zio Motors đầu tiên, xe có thể đi được quãng đường 130 km với vận tốc 55km/h và thời gian sạc đầy từ 2,5 - 4 tiếng đồng hồ. Giải pháp này giúp giải thiểu lượng chì ra môi trường và đảm bảo công năng sử dụng xe máy điện với nhu cầu sử dụng tại thị trường Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết:  Thực hiện Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 8/11/2103 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 (Chương trình 2075). Trong 5 năm vừa qua, Bộ KH&CN đã tham mưu đề xuất với Chính phủ ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy thị trường KH&CN của Việt Nam phát triển, từng bước đồng bộ hóa với các thị trường khác. Mặc dù còn sơ khai nhưng chúng ta đã đạt được nhiều kết quả bước đầu như nguồn cung công nghệ dồi dào và có chất lượng hơn, nhu cầu ứng dụng đổi mới công nghệ của doanh nghiệp gia tăng rõ rệt. Giá trị giao dịch công nghệ trên thị trường KH&CN Việt Nam gia tăng khoảng 16,5%./ năm. Cùng với nhiệm vụ hoàn thành các thể chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường, các hoạt động xúc tiến phát triển thị trường KH&CN từng bước khơi thông nguồn cung công nghệ cho thị trường đặc biệt là nguồn cung công nghệ ở thị trường quốc tế.

Trong thời gian vừa qua, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc được đẩy mạnh nhất từ trước đến nay. Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là các sản phẩm dệt may, điện thoại và linh kiện điện tử, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, giày da,… phía Hàn Quốc xuất sang Việt Nam chủ yếu các sản phẩm máy móc thiết bị, sản phẩm điện tử và linh kiện, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sắt thép, phương tiện vận tải, xăng dầu,…

Việt Nam cũng ký thỏa thuận với Hàn Quốc nhiều chương trình song phương về hợp tác nghiên cứu chung, về chuyển giao công nghệ thông qua các dự án đầu tư. Cùng với hợp tác kinh tế, hợp tác công nghệ đang là nhiệm vụ trọng tâm ở cả cấp độ chính phủ và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh Việt Nam tốc độ đô thị hóa cao, việc dịch chuyển mạnh lao động nông thôn vào đô thị không kiếm soát dẫn đến hạ tầng đô thị bị quá tải. Với quy mô 45 triệu xe máy và 2,7 triệu oto chủ yếu tập trung ở đô thị đã đặt ra cho các nhà quản lý của Việt Nam nhiều vấn đề thách thức trong việc cải thiện chất lượng môi trường đô thị đặc biệt là chất lượng không khí ở 2 đô thị lớn là Hồ Chí Minh và Hà Nội. Do đó việc đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất xe máy điện công nghệ cao là một xu hướng tất yếu.

Đồng quan điểm trên, PGS Tạ Cao Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ (CTI), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, xe điện tại Việt Nam trong tương lai sẽ là xu hướng tất yếu và bùng nổ, đặc biệt là xe máy điện.

PGS. TS Tạ Cao Minh cho biết, Việt Nam là xã hội phụ thuộc rất nhiều vào xe máy nên việc bỏ xe máy là điều không thể. Ví dụ như các ngõ ngách không thuận tiện cho việc đi ô tô thì xe máy lại làm được điều này và nhiều người thích sự cơ động của xe máy trong sử dụng. Có chăng nếu bỏ sẽ chỉ bỏ xe máy chạy xăng truyền thống và thay bằng xe máy điện. Thị trường xe máy điện tại Việt Nam rất tiềm năng và khổng lồ.

Bên cạnh đó, vấn đề môi trường cũng là một phần khiến xe máy điện sẽ trở thành xu hướng phát triển trong tương lai. TS. Hoàng Dương Tùng, Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ, nguồn gây ô nhiễm chính nhất là giao thông và xe máy là một trong những nguồn gây ô nhiễm chính. Hiện nay số lượng xe máy tại Việt Nam đã đạt 46 triệu chiếc, đang đứng thứ 4 trên thế giới. Đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có số lượng xe máy gần đứng đầu, lần lượt 4,5 và 7 triệu chiếc. Ngoài ra, giao thông công cộng chưa phát triển, việc sử dụng xăng sinh học còn gặp nhiều khó khăn,…

Ông Le Bong Se - Chủ tịch tập đoàn công ty Ziomotor Việt Nam cho biết: Với nguồn năng lượng điện thân thiện với môi trường, công ty luôn hướng đến mục tiêu môi trường sạch theo công ước của Liên Hiệp Quốc. Thông qua sử dụng năng lượng điện kỳ vọng sẽ giảm đến 95% phí bảo trì so với động cơ đốt trong. Trong thời gian qua, công ty luôn hướng đến việc sử dụng công nghệ độc đáo và hoàn toàn khác biệt tạo ra sản phẩm có công suất tương tự như một chiếc xe máy thông thường nhưng rất thân thiện với môi trường. Vì vậy người dùng khi sử dụng sẽ không thấy sự quá khác biệt lái xe so với chiếc xe máy có động cơ đốt trong thông thường.

Tuy chưa chính thức ra mắt sản phẩm tại Việt Nam nhưng hãng xe này đang xây dựng nhà máy tại Việt Nam và đã ký kết hợp tác với một số đơn vị công nghiệp phụ trợ trong nước như CNC Tech, Công ty TNHH Mai Văn Đáng, Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ và Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và sáng tạo công nghệ để cung cấp các linh phụ kiện lắp ráp xe tại Việt Nam. 

Nguồn: Tạp chí GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)